Kích hoạt người trẻ sáng tạo
- Ngày 24/8, cuộc thi sáng tạo Robocon 2014 châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Ấn Độ. Đội tuyển Robocon của trường Đại học Lạc Hồng TPHCM, đại diện cho Việt Nam, đã giành giải vô địch chiến thắng đội Nhật Bản. Trong khi nền công nghệ robot ở Việt Nam còn khá mới mẻ, thậm chí là còn yếu, thì câu chuyện ở cuộc thi robocon có phải là nghịch lý?
Trong 13 lần Việt Nam tham gia có 4 lần vô địch, 4 lần giải Nhì và luôn ở trong top 3 đội dẫn đầu trong 19 nước tham dự. Cuộc thi Robocon lặp lại hằng năm, nhưng năm nào cũng vậy, trong nước có khoảng trên 300 đội dự thi, thu hút đông đảo sinh viên các truờng đại học và cao đẳng công nghệ chứng tỏ sức hấp dẫn của cuộc thi. Bản thân câu chuyện về robot đã hấp dẫn. Điều này nói lên sức sáng tạo của giới trẻ, trình độ công nghệ của Việt Nam không hề thua kém các nước khác.
- Nhưng để phát triển từ một robot tự chế đến nền công nghiệp robot là một bước tiến dài?
Đúng thế, chúng ta không kém cỏi, dù đứng đầu trong các cuộc thi robot nhưng để có những robot phục vụ cho công nghiệp, thay sức lao động của con người thì ta chưa thể làm được. Nó cần đến một nền tảng công nghiệp tốt, hạ tầng tốt, đầu tư tốt và cần cả "đất" để ứng dụng. Dù sao cũng nhìn thấy rõ cuộc chơi đã kích hoạt sự sáng tạo của nhiều người trẻ.
- Công nghệ robot thường có ứng dụng như thế nào?
Nếu như những năm trước đây, người ta hiểu robot chỉ là phương tiện để thay thế lao động của con người để giảm chi phí lao động, thì ngày nay robot có vị thế quan trọng hơn nhiều. Khoa học công nghệ robot (robotics) đang trở thành hạt nhân cho sự phát triển công nghiệp hiện đại, kể cả công nghiệp quốc phòng. Trên thế giới đang có cuộc chạy đua đầu tư cho robot thông minh để làm nòng cốt cho sự sáng tạo ra hệ thống các thiết bị công nghiệp hiện đại, phục vụ cạnh tranh.
- Việc làm ra những robot công nghiệp thay thế sức lao động có phức tạp không ạ?
Robot ngày nay là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống thiết bị công nghiệp hiện đại, đương nhiên là phức tạp và đòi hỏi cao. Nó là quan hệ giao tiếp giữa các bộ phận chấp hành cơ khí và hệ thống điều khiển, về sự ứng dụng sáng tạo các cơ cấu cảm biến kiểu mới, xây dựng trên cơ sở công nghệ vi - cơ điện tử, nano - cơ điện tử (MEMS/NEMS) và về sự tuơng tác với môi truờng làm việc.
- Vậy đứng ở vị trí cao trong các cuộc thi, điều đó có đồng nghĩa nền công nghệ robot của Việt Nam đang ở tầm cao?
Một cuộc thi về công nghệ phản ánh phần nào các thành tựu của robotics đang thời kỳ phát triển, Robocon đang trở thành mảnh đất để tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới của khoa học công nghệ robot. Từ một cuộc chơi đến nền công nghiệp robot là câu chuyện khác nhau với rất nhiều điều cần phải phân tích làm rõ.
|
GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Robot Việt Nam. |
Nên có các khóa học công nghệ
- Rõ ràng giới trẻ rất hào hứng với các cuộc thi công nghệ, nhưng vì sao đa phần lại không thích làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, điều này có mâu thuẫn?
Robocon rõ ràng là một cuộc chơi, một lớp học công nghệ đầy hứng thú. Ở đây các em được sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, ý chí của mình. Hoàn toàn vì đam mê chứ không có bất cứ động lực nào khác. Nhưng khi ra trường, đi làm, các em phải đối mặt với việc phải kiếm sống, mưu sinh, nên nó sẽ có sự khác nhau. Các em phải chọn được nơi làm việc đủ sống để dành tâm huyết cho đam mê, mà các cơ sở nghiên cứu khoa học hiện khó đáp ứng được điều này.
- Vậy thì ông mong chờ gì từ những sân chơi robot như thế này?
Tôi hy vọng robocon sẽ trở thành những khóa học công nghệ bổ ích và hiệu quả trong các nhà trường. Trên thế giới, robotics đang trở thành hạt nhân cho sự hiện đại hoá, thông minh hoá hệ thống thiêt bị công nghiệp. Trong khi đó, ở nhiều trường của ta vẫn chưa đưa các môn học về robotics vào chính khoá, nhiều người vẫn còn rất mù mờ về robot.
- Thế còn ở phía nhà trường, sinh viên, robocon đem lại cho họ điều gì?
Trường học được nhiều người biết đến, nhiều sinh viên theo học, trường sẽ có nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng lên cao. Ví dụ, trường Đại học Lạc Hồng TPHCM, nơi mà chỉ mới qua mấy mùa thi robocon, đến nay hệ thống các thiết bị giảng dạy và đội ngũ thầy giáo các môn liên quan đến robotics đã trở nên vững mạnh lên rất nhiều lần. Nhiều thành tựu được trao giải sáng tạo khoa học trong mấy năm vừa qua. Các khóa học sáng tạo là cơ hội tốt để thúc đẩy phong trào tuổi trẻ sáng tạo và khích lệ ý thức say mê học tập của sinh viên.
- Trong nhiều cuộc thi quốc tế như Toán, Hóa, Lý... thí sinh Việt Nam đều đạt thành tích tốt. Điều này cho thấy kiểu đào tạo "gà chọi" khá phổ biến. Ở sân chơi công nghệ robocon, nó có thể hiện điều này?
Thí sinh Việt Nam thường phải cố gắng hơn thí sinh ở nhiều quốc gia khác trong việc tiếp cận với các lĩnh vực công nghệ cao. Có một đặc điểm khá rõ là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thí sinh Việt Nam thường có những sáng tạo để vươn lên giành chiến thắng. Nếu không có nội lực thì không thể làm được. Nên dù có khó khăn về thiết bị, đầu tư công nghệ thì vẫn cứ dẫn đầu. Khi các em đã đam mê thì điều tưởng như không thể cũng nằm trong tầm tay.
- Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về sản xuất robot thì theo ông cần có yếu tố nào nữa?
Tôi tin với tình yêu công nghệ và sức sáng tạo như hiện nay, nếu được đầu tư tốt thì không lâu nữa, những con robot "made in Việt Nam" ứng dụng trong công nghiệp, đời sống sẽ có mặt ở thị trường robot thế giới.
Đừng "đốt cháy giai đoạn"
- Tôi cũng như một người dân bình thường, điều tôi quan tâm nhất đến một ngành công nghệ là ứng dụng của nó thế nào. Nếu chỉ làm ra các mô phỏng mà không thể đưa vào ứng dụng thì cũng vô nghĩa?
Quan tâm đến khía cạnh ứng dụng của các sản phẩm khoa học là rất nên, vì khoa học bao giờ cũng định hướng cho mục đích cuối cùng là ứng dụng trong thực tế sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, các sản phẩm khoa học cũng có nhiều loại hình, có nhiều giai đoạn. Chúng đều có tác dụng tốt đến mục tiêu cuối cùng và đôi khi nếu "đốt cháy giai đoạn" lại có thể không đạt đuợc kết quả như mong muốn.
- Đến bao giờ thì tôi sẽ nhìn thấy những kết quả này?
Đó là câu hỏi khó. Chỉ biết rằng trong vấn đề robot, sản phẩm là đồ chơi thì không nên đặt vấn đề ứng dụng trực tiếp chúng. Tuy không trực tiếp nhưng robocon vẫn có tính ứng dụng cao, vì nó tạo cho sinh viên từng bước xây dựng được tư duy đúng đắn về việc sản xuất công nghiệp, biết cách tích hợp hệ thống, cả phần cứng, phần mềm và nắm bắt được nhiều kỹ năng hoạt động thực tiễn. Những điều này sẽ đem lợi ích kinh tế to lớn trong phạm vi công tác mà các kỹ sư hoạt động sau này.
- Ông có thể ví dụ?
Chắc hẳn chúng ta đều vui mừng nhắc tới Tổng Giám đốc Công ty Tosy, vốn là Đội trưởng Đội BKCT, đoạt giải vô địch trong cuộc thi Robocon 2003. Chỉ riêng trong một hội chợ đồ chơi quốc tế tại New York, Tosy đã mang về hợp đồng 3,5 triệu USD. Không phải chỉ có Tosy mà còn có khoảng 10 công ty, mà người phụ trách xuất thân từ robocon, đang bước vào giai đoạn chế thử và sản xuất robot.
- Vậy là chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là nước mạnh về công nghệ robot?
Chúng ta hoàn toàn có thể đặt lòng tin vào các thế hệ sinh viên đã và đang tham gia robocon và tôi tin rằng công nghệ robot không phải là cái gì quá xa vời với người Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Không nên đặt phép so sánh công nghệ robot của Nhật Bản với công nghệ robot của Việt Nam vì đó là phép so khập khiễng. Rõ ràng là hai nền công nghiệp dựa trên hai nền tảng khác nhau, chiến lược, đầu tư khác nhau. Đội tuyển Việt Nam chiến thắng đội tuyển Nhật Bản là chiến thắng của chiến thuật, của ý chí, sáng tạo, nhiều hơn là chiến thắng của công nghệ.