Nghị định quy định trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc khi người chống đối sử dụng vũ khí tấn công thì tùy trường hợp mà người THCV được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người THCV. Việc nổ súng phải tuân thủ Điều 22 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghị định cũng mở ra khả năng huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ, giúp đỡ người THCV ngăn chặn, xử lý hành vi chống người THCV. Tuy nhiên, chỉ được áp dụng khi xảy ra tình trạng tập trung đông người để chống người THCV hoặc trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của người THCV.
Nghị định nhấn mạnh nguyên tắc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Với tinh thần ấy, nghị định có một điều riêng về các hành vi bị nghiêm cấm, áp dụng cho cả người giao nhiệm vụ, người trực tiếp thực thi công vụ và bên phải chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của người THCV.
|
Các lực lượng chức năng khống chế một đối tượng chống người thi hành công vụ. Ảnh: CTV. |
Theo đó, việc giao nhiệm vụ phải đúng thẩm quyền; việc THCV phải đúng trình tự, thủ tục, thái độ, tác phong ứng xử đúng mực và không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Còn các tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân theo sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người THCV; nghiêm cấm lôi kéo, kích động người khác chống người THCV.
Trong nhóm các biện pháp phòng ngừa, nghị định yêu cầu từng cơ quan, tổ chức phải phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật của lực lượng THCV mà mình quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.
Khi xảy ra vụ việc chống người THCV thì biện pháp ngăn chặn, xử lý trước hết phải là giải thích, thuyết phục để đối tượng chấm dứt chống đối. Sau đó mới được áp dụng các biện pháp cưỡng chế, bắt giữ.
Cũng theo nghị định, sau khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi chống người THCV, cơ quan ra quyết định sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp quản lý, giáo dục. Các vụ án chống người THCV sẽ được tăng cường tổ chức xét xử lưu động để góp phần phòng ngừa, giáo dục chung.
Nổ súng là biện pháp cuối cùng
Theo Điều 22 (Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2011), chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, trừ trường hợp họ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người THCV hoặc người khác...
Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người THCV hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người THCV;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa) để dừng phương tiện đó trong một số trường hợp;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người THCV hoặc người khác.