Cụ Bột ít kể về thành tích mà quan tâm nhiều tới biển đảo hôm nay, trong khi vị tư lệnh Hải quân lại nói tới bài học và kinh nghiệm của chiến thắng trận đầu ấy.
Chiến thắng trận đầu diễn ra thế nào?
Hội thảo “Sự kiện vịnh Bắc bộ và chiến công đánh thắng trận đầu - 50 năm nhìn lại” hiện diện gần như đầy đủ thủ trưởng và sỹ quan cao cấp của Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhưng khi cụ Nguyễn Xuân Bột 85 tuổi cất tiếng cả hội trường im lặng. Cụ Bột từng chỉ huy trận đánh thắng đầu tiên của Hải quân Việt Nam ngày ấy và mặc dù 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về “sự kiện vịnh Bắc bộ” vẫn tươi rói trong người lính già đầu bạc này.
|
Tàu khu trục hạm Maddox trong những năm 1950 trên biển Đông. |
Cụ Bột kể: Hồi đó tôi là phân đội trưởng Phân đội 3 kiêm thuyền trưởng tàu 333, Tiểu đoàn phóng lôi 135. Cuối năm 1963 nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Đêm 30/7/1964, Mỹ cho tàu biệt kích bắn pháo lên các đảo: Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ, tàu khu trục Maddox của Mỹ tiếp tục tiến về phía bắc, xâm phạm hải phận Việt Nam và gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc.
Đặc biệt, đêm 31/7 rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Maddox đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo, đồng thời khiêu khích lực lượng Hải quân Việt Nam. Tất cả các hành động đó của tàu Maddox Mỹ đều bị các đơn vị ra-đa của ta theo dõi chặt chẽ. Đêm 31 rạng sáng 1/8/1964, phân đội tàu phóng lôi của chúng tôi đang luyện tập ở vùng biển Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì nhận được lệnh lắp ngư lôi, hành quân gấp vào vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa) đón đánh tàu khu trục Maddox Mỹ.
Khi đó phân đội có 3 tàu, gồm 333, 336, 339. Nhưng tương quan lực lượng giữa hai bên lúc ấy như “trứng chọi đá”, vì tàu khu trục Maddox khi đó thuộc loại hiện đại, tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ bấy giờ. Ra-đa của tàu Maddox có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự ly 10-14 hải lý. Các giàn phóng bom trên tàu khu trục Maddox vừa dùng để đánh tàu ngầm, vừa có thể phá các quả ngư lôi tiến vào tàu. Trong khi đó mỗi tàu phóng lôi của ta chỉ vẻn vẹn 2 quả ngư lôi, 1 bệ pháo 14,5 mm và súng tiểu liên canh gác. Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, thông thường phải cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi, hình thành 4 mặt quạt mới có thể đánh trúng được 1 quả ngư lôi vào tàu khu trục Maddox.
Hôm ấy, biển động cấp 4, cấp 5 gây khó cho tàu phóng lôi nhỏ của Nguyễn Xuân Bột, phải mất hơn 8 tiếng mới vượt được hơn 100 hải lý tới Hòn Mê, gấp đôi thời gian so với dự kiến. Ngay sau đó phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột nhận được tin tàu khu trục Maddox đang tiến về phía bắc, rất gần Hòn Mê.
Cụ Bột nhìn về phía biển, giọng bồi hồi: “Ngày 2/8, nhận lệnh xuất kích, tôi cho phân đội bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa), mỗi tàu cách nhau 50 m, chiến sỹ ra-đa Nguyễn Văn Luyện bám sát mục tiêu, mỗi phút báo cáo một lần. Khi đến khoảng cách 6 hải lý thì tàu Mỹ dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình tàu phóng lôi của ta.
Khói lửa đầy trời, cả phân đội vẫn tiến lên phía trước, vừa vận động theo hình chữ chi tránh đạn vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly chiếm lĩnh vị trí có lợi để tấn công bằng ngư lôi. Đồng thời, tàu 333 tăng tốc, vượt lên để chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi để các tàu đồng đội 336 và 339 tiến đến tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu đối phương 1100, cự ly 7-8 liên (1 liên = 185m), thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi, nhưng rất tiếc không trúng mục tiêu”.
Tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu và phóng lôi. Vẫn chệch mục tiêu. Lúc này, pháo trên tàu đối phương tiếp tục bắn dữ dội, một quả đã trúng tàu 336. Sau khi cả 339 và 336 trúng đạn, trung úy Nguyễn Xuân Bột quyết định tăng tốc tàu 333 từ 36 lên 42 hải lý/giờ để mở góc mạn ra ngoài biển. Tình hình lúc đó thật nguy cấp, quả ngư lôi bên trái tàu 333 cũng bị trúng đạn, chỉ còn 1 quả bên phải nên tàu lệch hẳn sang một bên, rất khó lái. Để tiếp cận mục tiêu, thủy thủ đoàn trên tàu 333 cố gắng điều khiển cho tàu mở hết tốc lực để chiếm góc mạn phải. 6 liên, rồi 5 liên, 4 liên đến khi khoảng cách chỉ còn 3 liên, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột dõng dạc hô: “Chuẩn bị”. Cả tàu hô theo đầy khí thế. “Ấn cò!”.
Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi. Anh em trên tàu nín thở. Tàu khu trục Maddox vội vã xoay mũi để tránh. Tiếp đó, các pháo thủ tiếp tục dùng khẩu 14,5 mm, quét liên tục trên mặt boong, tàu Maddox bốc khói, quay hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.
Chúng ta đủ sức đánh bại các cuộc tiến công trên biển
Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam đã diễn ra như vậy. Sáng ấy, trong cuộc hội thảo, tôi nghe đô đốc Nguyễn Văn Hiến tâm sự: “Đây là một trận thắng có ý nghĩa rất quan trọng, là chiến thắng trận đầu của lực lượng Hải quân. Trước khi xuất trận, cấp trên xác định phải quyết thắng, dù thắng nhỏ nhưng quyết thắng”.
|
Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến và cụ Nguyễn Xuân Bột. |
50 năm đã trôi qua, thời gian nhuộm bạc mái đầu của phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột, người lính này sống với ruộng vườn ở vùng quê Ý Yên, Nam Định. Tôi tự hỏi trong hội trường rất nhiều chiến sỹ hải quân trẻ tuổi, có ai biết đến ông? Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bỗng dưng đưa câu chuyên rời khỏi sự kiện vịnh Bắc bộ để trích dẫn hai câu danh ngôn về lịch sử mà ông tâm đắc: Robert Anson Heinlein - nhà văn Mỹ nói: “Một thế hệ ngoảnh mặt với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và không có tương lai”.
Nhà văn Pháp Victo Huygo cũng khẳng định: “Lịch sử là gì, đó là tiếng vọng của quá khứ vào tương lai, là ánh phản chiếu của tương lai, lên quá khứ”. Đô đốc lại tiếp mạch câu chuyện: “Tôi đã quán triệt tất cả sỹ quan và chiến sỹ của quân chủng Hải quân đều phải thuộc trận chiến thắng tàu Maddox, phải nắm được bài học và kinh nghiệm của chiến thắng trận đầu này trong bối cảnh tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay. Chúng ta phải hiểu chiến thắng trận đầu trong bối cảnh lịch sử lúc đó, khi hải quân Việt Nam mới thành lập được vài năm, lực lượng hầu hết chuyển từ lục quân sang, mới từ Điện Biên Phủ về, bắt đầu làm quen với hải quân. Ngày đó, lần đầu tiên, Việt Nam có tàu phóng ngư lôi 47,5 tấn, nhưng bây giờ tàu 200 tấn của hải quân vẫn bị coi là bé...”.
Hội thảo về sự kiện vịnh Bắc bộ 50 năm trước nhưng một cách tự nhiên câu chuyện của biển Đông hôm nay lại được nói đến nhiều. Giờ giải lao, đô đốc Nguyễn Văn Hiến ra hút thuốc ở hành lang, dường như vị tư lệnh hải quân vẫn chưa hết suy tư sau những ngày tháng giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển nước ta.
Tôi bất ngờ khi cụ Nguyễn Xuân Bột bước ra hành lang và bắt tay đô đốc Nguyễn Văn Hiến kèm theo câu nhắc: “Sao vẫn hút thuốc, phải thay đổi đi?” đô đốc Hiến cười: “Vâng, vừa rồi tình hình giàn khoan căng thẳng quá...”. Cụ Bột cười thông cảm: “Tôi rất thích bài phát biểu vừa rồi của anh. Vừa rồi, tình hình biển Đông căng thẳng, có người hỏi tôi, nếu họ dám lấn tới xâm phạm chủ quyền biển đảo, ta có dám đánh không”. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trả lời ngay: “Ngày xưa tàu 47,5 tấn mà bác còn dám đánh nữa là bây giờ hải quân của Việt Nam đã mạnh hơn...”.
Cụ Bột hào sảng: “Tôi cũng nói nếu bất cứ thế lực ngoại bang nào dám xâm phạm chủ quyển biển đảo thì sóng biển Đông sẽ hóa sóng Bạch Đằng, chúng ta đã có sẵn những ải Chi Lăng trên biển”. Người lính già đầu bạc đánh thắng trận đầu 50 năm trước cùng với vị đô đốc Tư lệnh Hải quân của hôm nay lại ôn cố tri tân. Khi phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột đánh thắng tàu Maddox thì ông Nguyễn Văn Hiến mới 10 tuổi. Hai người đều tuổi ngựa, đều rong ruổi trên những vùng biển đảo của Tổ quốc. Họ đã qua những vùng biển nông sâu, những vùng biển phẳng lặng, những vùng biển bão gió, những vùng biển bao la đến rợn ngợp... Họ đều trải qua những cơn say sóng đến lả đi. Nhưng trên hết vẫn là “cơn” say với nghiệp hải quân không bao giờ dứt.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến thâm trầm: “Đụng vào Hải quân Việt Nam không hề đơn giản, chúng ta đủ sức đánh bại các cuộc tiến công trên biển”. Cụ Bột nói: “Qua trận chiến với tàu Maddox tôi rút ra bài học dù chênh lệch về tàu và vũ khí nhưng ý chí, trí thông minh và lòng dũng cảm chính là sức mạnh của hải quân ta”.