Việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị tù oan 10 năm và được bồi thường 7,2 tỷ đồng từ ngân sách đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng như thế là không công bằng khi tiền thuế của dân đang phải “gánh” cho việc làm sai của một số người thi hành công vụ. Thế nhưng, ông Lương Quang Tuấn cho rằng, đó là điều đương nhiên.
Bồi thường bao nhiêu cũng không đủ, nhưng…
Thưa ông, hiện nay, cơ sở để xác định mức bồi thường oan sai do người thi hành công vụ gây ra được pháp luật quy định như thế nào?
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 có quy định rõ về mức bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, vật chất. Theo đó, mức thiệt hại do tổn thất về tinh thần được tính từ 1 – 3 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày bị oan. Còn thiệt hại về vật chất gồm chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ; tiền mai táng (nếu người bị thiệt hại chết); thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và khoản tiền này được xác định là mức lương tối thiểu hàng tháng... Tuy nhiên, đó là luật định còn các bên có thể thương lượng. Vì thế, số tiền bồi thường trên thực tế có thể thấp hơn số tiền mà người bị thiệt hại đề nghị được bồi thường.
Ngay bản thân ông Chấn cùng gia đình cho rằng số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng là không thỏa đáng. Ông nghĩ gì về con số này?
Tôi cho rằng, việc một người bị oan sai dù có một tháng, một năm thì hệ quả cũng không tiền nào bù đắp được chứ đừng nói là 10 năm bị oan. Đặc biệt, trong trường hợp người bị oan bị chết thì dù có cả núi vàng cũng không làm người ta sống lại. Do đó, tiền bồi thường bao nhiêu cũng chẳng đủ. Tuy nhiên, việc bồi thường oan sai thể hiện cơ quan tiến hành tố tụng nhà nước đã thừa nhận sai, xin lỗi và tiến hành bồi thường để bù đắp cho người oan sai. Đó cũng là một tín hiệu tích cực, xét ở khía cạnh nào đó.
|
Ông Lương Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Thái. |
Nói “quýt làm, cam chịu” là không công bằng
Tiền bồi thường oan sai được lấy từ ngân sách. Có người bảo điều đó chẳng khác nào “quýt làm, cam chịu”, thưa ông?
Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu rõ: Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương. Như vậy, việc Tòa án nhân dân Tối cao tuyên án oan cho ông Chấn thì ngân sách phải chi trả bồi thường là đúng luật. Còn bảo như thế là “quýt làm, cam chịu” thì tôi cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng, không công bằng.
Ông chấp nhận nộp thuế để chi trả cả cho việc một bộ phận cán bộ công chức làm sai, dù với bất cứ lý do gì?
Nghe ra thì đúng là dễ khiến người ta bất bình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những người thực thi công vụ gây ra oan sai không làm việc với tư cách cá nhân mà đều làm trong các cơ quan tố tụng có nhiệm vụ đảm bảo trật tự trị an xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã phải hy sinh xương máu trong mặt trận này. Họ được phân công làm công việc của mình và trong quá trình làm, do nhiều nguyên nhân mà dẫn đến oan sai. Ngân sách chi trả bồi thường vì đó là một phần trong hoạt động của cơ quan nhà nước, còn người gây ra oan sai cũng vẫn sẽ bị xử lý kia mà. Nếu bảo người gây ra oan sai phải bồi thường thì biết đến bao giờ người bị oan mới nhận được tiền bồi thường, nhất là khi số tiền đó lên tới hàng tỉ đồng?
Vả lại, nói rằng như thế là bất công cho ngân sách thì khi con đường hàng nghìn tỉ vừa làm xong đã lún nứt, phải sửa chữa thì có thấy cá nhân nào phải bỏ tiền túi ra đâu?
Trên thế giới, người ta thực hiện bồi thường oan sai như thế nào?
Theo tôi được biết thì nhiều nước cũng dùng tiền ngân sách để bồi thường oan sai do những người thực thi công vụ gây ra. Bởi nên nhớ, oan sai là điều khó tránh khỏi ở bất cứ một thể chế nào.
Phải khiến người ta biết sợ
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người thi hành công vụ vô ý gây ra oan sai sẽ không phải hoàn trả số tiền bồi thường cho Nhà nước. Việc xác định vô ý hay cố ý có dễ không, thưa ông?
Đó là việc làm không đơn giản. Nó đòi hỏi người có trách nhiệm phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ quá trình dẫn đến oan sai, xem đó là do vô ý hay cố ý. Nhưng tôi cho rằng, lỗi vô ý là rất hiếm.
Nhiều người lo ngại rằng nếu cứ để cho ngân sách nhà nước bồi thường oan sai do một số người thi hành công vụ gây ra sẽ khiến cho oan sai còn tiếp tục. Theo ông, mối lo ấy có cơ sở không?
Về mặt lý luận thì người ta có quyền lo ngại. Nhưng tôi cho rằng, cơ chế của chúng ta đã quy định tương đối đầy đủ và cụ thể về việc xử lý trách nhiệm với người gây ra oan sai. Do vậy, chưa chắc việc phải bỏ tiền túi ra bồi thường cả trăm triệu đã khiến người ta phải sợ đâu. Tôi nghĩ cái mà người ta đáng sợ hơn cả là mất danh dự, phải làm cho người ta biết sợ. Khi gây ra oan sai, tên tuổi, chức danh được nêu công khai trên báo chí, thậm chí bị đuổi ra khỏi ngành, bị truy tố... là bài học đắt giá cho những người thi hành công vụ rồi. Vậy nên việc lo lắng như trên là không cần thiết.
Cơ chế hiện nay đã đủ để người ta biết sợ để tránh gây oan sai chưa, thưa ông?
Tôi nghĩ là khá đầy đủ rồi, chỉ có điều thực hiện thì tùy từng cơ quan, tùy từng người thôi.
Liệu chúng ta có nên thay đổi điều luật về bồi thường oan sai, để tăng tính trách nhiệm của những người thực thi công vụ lên, thưa ông?
Tôi nghĩ để thay đổi thì đòi hỏi Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an... phải xem xét, tổng kết, đánh giá tình hình thì mới đưa ra quyết định được.
Theo ông, làm cách nào để hạn chế được oan sai trong hoạt động tố tụng?
Trước hết, phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người thi hành công vụ thông qua việc kiểm tra, kiểm sát... bởi thực tế, nhiều vụ án oan là do trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế. Phải tuyên truyền, giáo dục để họ nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Phải tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, bị cáo... Nói chung, phải làm đồng thời nhiều khâu và đảm bảo pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc, có đội ngũ thực thi pháp luật có tâm, giỏi về nghiệp vụ, khách quan, thượng tôn pháp luật... để hạn chế đến mức thấp nhất oan sai.
Có dễ nhận biết để loại những người yếu về trình độ nghiệp vụ ra khỏi bộ máy không, thưa ông?
Đó là việc làm không dễ, cần phải qua thực tế mới bộc lộ. Do vậy, oan sai sẽ vẫn còn là thách thức.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn 2011 – 2014, tổng số tiền phải bồi thường cho 71 trường hợp bị oan sai là trên 30 tỷ đồng. Hiện, mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là cao nhất từ trước tới nay (7,2 tỷ đồng, thấp hơn con số ông Chấn yêu cầu 2,1 tỷ).
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, chậm nhất là sau 40 ngày làm việc, người bị oan sai phải được nhận lại tiền bồi thường.