Nạn tung tin khống giết người man rợ: Rất khó xử lý!

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư,  việc tung tin xuyên tạc này không ảnh hưởng đến một cá nhân, tổ chức cụ thể nào nên việc xử lý rất khó, chỉ có thể nhắc nhở. 

Mới đây, cộng đồng mạng có phen choáng váng trước thông tin hai người đi trên xe tải va chạm với một chiếc xe con tại Quảng Bình, sau đó người thanh niên điều khiển chiếc xe con đó đã rút súng bắn chết hai người đi trên xe tải rồi bỏ trốn.
Sự việc này đã được lan truyền một tốc độ chóng mặt trên Facebook cá nhân, một số trang mạng xã hội đã đưa thông tin này lên và có hàng ngàn lượt nhấn like.
 Hình ảnh này đăng kèm với thông tin “giết người sau tai nạn” khiến nhiều người hoang mang. Ảnh: Facebook.
Không chỉ thế, một trang blog cá nhân có tên Quảng Bình quê ta còn bịa ra thông tin "Nghi án nam thanh niên lái xe Camry nổ súng giết người rồi bỏ trốn" với việc diễn tả một nam thanh niên (SN 1993) sống tại Hải Đình, Đồng Hới là một thiếu gia trẻ tuổi người địa phương được khá nhiều người biết đến. Sau khi va chạm giao thông, nam thanh niên này đã dùng súng bắn chết hai lái và phụ xe của một chếc xe tải, sau đó vứt xe bỏ chạy.
Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, lực lượng CA tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc điều tra và xác định những thông tin trên chỉ là bịa đặt, thất thiệt. Đối tượng tung tin “giật gân” trên là Ngô Đình Sơn (SN 1993) trú tại 12A, Quang Trung, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Tại cơ quan điều tra, Sơn đã thừa nhận hành vi bịa đặt thông tin đăng tải trên Facebook của mình có tên là “Quảng Bình quê ta” nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, nhiều người biết đến facebook này.
Những câu chuyện bịa đặt tưởng chừng như vô bổ này nhưng lại khiến dư luận không khỏi xôn xao và hoang mang, nhất là những nhà xe, khách du lịch có ý định đến Quảng Bình.
Nhiều người băn khoăn việc sử dụng các tiện ích của mạng internet để đăng tải các thông tin bịa đặt, thất thiệt như giết người, bắn nhau, tai nạn..., gây hoang mang lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến trật tư an ninh xã hội... như các hành vi trên thì bị quy vào tội gì, trách nhiệm dân sự và hình sự như thế nào.
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, đối với hành vi tung tin đồn không đúng sự thật về thị trường, giá cả gây hoang mang dư luận thì đã có căn cứ xử lý là Khoản 1 Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận nhằm chống phá Nhà nước thì căn cứ xử lý là Điều 88 BLHS 1999.
Còn đối với các hành vi không thuộc các trường hợp nêu trên thì pháp luật lại quy định khá là cụ thể về đối tượng bị xâm phạm chứ không quy định chung chung là chỉ “gây hoang mang dư luận” như 2 văn bản trên.
Ví dụ trong Luật công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ internet cũng chỉ quy định rất chung chung về các hành vi bị nghiêm cấm như: cấm đưa các thông tin mang tính bạo lực, khiêu dâm, mê tín di đoan; Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân…..
Thông tư 07/2008/TT-BTTTT của bộ thông tin và truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin điện tử trên trang cá nhân (facebook, blog...) cũng không làm rõ hơn được các nội dung này.
Đối với những trường hợp cấm nêu trên mà có ai đó vi phạm thì sẽ bị xử lý theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt khá nặng từ 10 – 30 triệu đồng. Trường hợp mà những vi phạm này không liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin hay viễn thông (ví dụ tung tin theo kiểu truyền miệng) thì có thể xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự công cộng.
Nếu hành vi có mức nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục, tội vu khống hoặc tội đưa thông tin trái phép lên mạng máy tính theo quy định tại các Điều 121, 122 và 226 Bộ luật hình sự.
Ngoài trách nhiệm hành chính (hoặc hình sự) thì người vi phạm có thể bị khởi kiện dân sự để bồi thường thiệt hại và xin lỗi người bị hại.
Quay trở lại vấn đề về hành vi tung tin bịa đặt trên thì có thể thấy rằng các quy định hiện nay đều quy định việc tung tin xuyên tạc này phải ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nên việc xử lý rất khó (trừ hai trường hợp tôi đã nêu ở phần đầu). Vì nội dung các thông tin này có thể không trung thực nhưng không nhắm đến một chủ thể nào cả. Do vậy tôi cho rằng nếu nội dung thông tin mà thanh niên trên đã đưa lên facebook nếu không xâm phạm đến một cá nhân, tổ chức cụ thể và thông tin đó cũng không phải là thông tin kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan thì rất khiên cưỡng khi xử lý. Việc nhắc nhở có lẽ là phù hợp hơn cả.
Minh Hiếu

Bình luận(0)