Chỉ vài cơn mưa nhỏ đầu mùa không kèm theo gió quá lớn nhưng ở TP.HCM đã có nhiều cây xanh bị gãy nhánh. Theo nhận định của trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, mùa mưa bão 2014 tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường rất khó lường.
Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn lại cho hay, hiện tại ngành cây xanh chỉ có thể hạn chế chuyện gãy nhánh chứ không thể cam kết chấm dứt tình trạng gãy ngã khi mưa to gió lớn. Do vậy, tai nạn do ngã đổ cây xanh rình rập khách qua đường ở TP.HCM là điều có thể thấy. Để tránh tai bay vạ gió, người dân chỉ còn tự vẽ bản đồ cho mình, nhưng không phải ai cũng tìm được lối thoát.
Đường càng đẹp, càng nguy hiểm
Con đường Lê Lợi, quận 1, mấy ngày hôm nay đang là con đường “hot” nhất TP.HCM vì xuất hiện đầy dẫy trên phương tiện truyền thông, bởi trong cơm mưa chiều ngày 28.5, bốn xe ôtô đã bị đè bẹp dưới thân cây lim bị bật gốc. “Ở TP.HCM con đường nào nhìn càng đẹp, vì rợp bóng mát cây xanh thì càng nguy hiểm chú ơi”, chị Hoàng Thị Châu, buôn bán ngay góc ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa nói, khi Thế Giới Tiếp Thị ghé lại hiện trường vào sáng ngày 30/5.
|
Đường Bùi Thị Xuân trời nắng thường có nhiều xe đậu dù đường cấm xe; trời mưa không một chiếc xe đậu. Ảnh: Khởi Thức.
|
Quả đúng như lời chị Châu nói, qua theo dõi của chúng tôi ở TP.HCM, đường nào càng rợp bóng mát cây xanh thì càng nguy hiểm mỗi khi trời đổ mưa, nổi gió. Đơn cử như đường Bùi Thị Xuân (đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến mũi tàu Lê Thị Riêng – quận 1), nếu trời nắng, dù cấm đỗ xe ôtô nhưng lúc nào cũng có hàng chục xe các loại xếp hàng dưới lòng đường. Vậy mà, chỉ cần trời có dấu hiệu chuyển mưa là các bác tài nháo nhào lên xe di tản. Trời mưa, con đường này đố tìm thấy bóng dáng chiếc ôtô dưới lòng đường. “Trời mưa mà đậu xe ở đây là ôm nợ liền. Không dính nhánh lớn thì cũng nhánh nhỏ”, anh Trần Công Hoá, một tài xế taxi Vinasun chuyên đóng chốt trên đường Bùi Thị Xuân, khẳng định.
Tương tự, theo các bác tài xe ôm trên những tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn bên hông bệnh viện Từ Dũ), Huyền Trân Công Chúa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Sương Nguyệt Anh, Tôn Thất Tùng, Mạc Đĩnh Chi, Tôn Đức Thắng… thuộc quận 1; đường Ba Tháng Hai (từ Cách Mạng Tháng Tám đến Lý Thường Kiệt), Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự… thuộc quận 10; đường Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Trương Định, Phạm Ngọc Thạch, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu… quận 3, mỗi khi mưa lớn là nhánh ở các cây cổ thụ đều rơi gãy.
Nếu như khu vực trung tâm sự cố xây xanh thường là gãy nhánh (thi thoảng mới có vụ bật gốc như vụ việc ở đường Lê Lợi vừa rồi – PV) thì ở các quận ngoài trung tâm như Tân Bình, Tân Phú, quận 6, 7... sự cố cây xanh thường là trốc gốc. Điều này cũng dễ hiểu khi ở các quận trên việc trồng cây xanh trước đây được thực hiện một cách tuỳ tiện, thiếu quy hoạch. Có nhiều tuyến đường trồng toàn là những cây nằm trong danh mục cấm hay hạn chế trồng vì dễ đổ ngã như bàng và phượng.
Tự cứu là chính!
Cây xanh ngã đổ, gãy nhánh năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ, nhưng theo công ty Công viên cây xanh TP.HCM, đơn vị này chỉ có thể cố gắng làm hết trách nhiệm để hạn chế chứ không thể khắc phục triệt để. Bởi không ai có thể đoán trước được thiên tai.
Để chuẩn bị cho mùa mưa năm nay, công ty Công viên cây xanh TP.HCM (mà cụ thể là hai xí nghiệp Cây xanh 1 và 2) đã luôn thực hiện mé nhánh và công việc này được thực hiện một cách thường xuyên.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Hy, kỹ sư nông nghiệp, nhiều năm làm nhiệm vụ trồng rừng ở U Minh, cho rằng: cái tréo ngoe trong công tác tỉa cành, mé nhánh cây xanh ở TP.HCM chính là công nhân thay vì kỹ sư. Công nhân lâu năm còn có chút kinh nghiệm để phát hiện là cành nào có vấn đề, còn công nhân mới vào nghề thì chỉ có nước làm bừa mà thôi. “Sao không buộc các kỹ sư – người được đào tạo bài bản, có khả năng bắt bệnh cho cây – tham gia vào công việc trực tiếp tỉa cành, mé nhánh. Thay vì cứ ngồi ở nhà hoặc thi thoảng đứng dưới gốc cây kiểm tra cho có lệ hay ra hiện trường khi sự cố đã xảy ra”, ông Hy kiến nghị.
Trong khi đợi kiến nghị của ông Hy được “ngó” qua, hiện tại, không ít người dân TP.HCM đã phải ngồi tính hướng đi an toàn trong mùa mưa bão 2014. Đơn cử như chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Trâm: nhà tôi ở khu công nghiệp Tân Bình đi làm ở toà nhà 32 tầng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1). Lẽ thường, tôi di chuyển theo đường Trường Chinh – Cộng Hoà – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Duẩn để đến đường Tôn Đức Thắng. Thế nhưng, khi trời mưa buộc phải chọn cung đường xa hơn là Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng.
“Với hướng đi vòng, tôi mới có thể né được những nhánh cây xanh có thể rơi bất cứ lúc nào trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Võ Thị Sáu đến trước cửa dinh Thống Nhất) hay Lê Duẩn”, chị Trâm nói.
Dầu vậy, không phải ai cũng “may mắn” như chị Trâm. Đối với chị Lê Anh Đào, nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) làm việc ở đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), mỗi khi trời mưa xuống, chị chỉ còn có nước ngồi đồng ở cơ quan chờ mưa tạnh (nếu mưa vào cuối giờ chiều). Còn mưa vào đầu giờ sáng thì chỉ còn cách xin nghỉ làm hoặc đánh liều với số phận. Bởi cung đường chị Đào đi làm hay về nhà đều phải di chuyển qua các tuyến đường cây xanh “gài bẫy” như Trần Quốc Thảo, Trương Định, Lê Quý Đôn.