Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán nhà nước cho thấy, các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài quốc gia, tổng dư nợ đến 31/12/2012 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 55,7% GDP.
Trong đó, nợ Chính phủ là gần 1,3 triệu tỷ (chiếm 77,91% nợ công); nợ được Chính phủ bảo lãnh 340.000 tỷ đồng (chiếm 20,82%); nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng (chiếm 1,27%).
Dư nợ nước ngoài của quốc gia cũng tính đến thời điểm chốt năm 2012 là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58,2 tỷ USD), bằng 41,1% GDP (năm 2011 là 44,5% GDP).
Như vậy, với con số tổng nợ công của Việt Nam là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tính trên dân số hơn 90,5 triệu người, trung bình mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai số nợ hơn 17,6 triệu đồng (tương đương gần 900 USD).
|
Mỗi người Việt đang “oằn lưng” gánh 900 USD nợ công.
|
Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, số dư nợ công năm 2012 tăng 250.000 tỷ đồng, tương đương 18% so với năm 2011. Trong đó, có một số khoản tăng trên 50% như nợ của chính quyền địa phương tăng 91,9% (gần gấp đôi, từ 10.884 tỷ đồng năm 2011 lên 20.886 tỷ đồng năm 2012); các khoản huy động bằng trái phiếu chính phủ tăng 55,24%; bảo lãnh phát hành trái phiếu ngân hàng chính sách xã hội tăng 50,45%.
Tỷ trọng các khoản nợ công được khái quát là có sự thay đổi về cơ cấu khi nợ vay trong nước tăng, nợ vay nước ngoài giảm.
Đi sâu vào các khoản vay nước ngoài về cho vay lại, Kiểm toán nhà nước dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại đến 31/12/2012 tương đương 14,27 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2011. Dư nợ cho vay lại đối với các khách hàng/dự án vay lại là 11,8 tỷ USD.
Công tác quản lý các khoản vay nước ngoài về cho vay lại của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính bị “phê” nhiều vấn đề khi chưa có báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro (tín dụng, tỷ giá...) đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Tình trạng các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về Quỹ tích lũy không kịp thời còn khá phổ biến.
Về vấn đề bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài, hết năm 2012, số nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 7,2 tỷ USD, tăng 28,57%. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ đầu tư dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư, chưa báo cáo về tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tốc độ tăng nợ công nhanh và số nợ trên đầu người so với GDP của Việt Nam cũng rất cao. Trong khi đầu tư của khu vực tư nhân sụt giảm thì nhà nước vẫn duy trì đầu tư cao để giữ tăng trưởng bằng vay nợ và phát hành trái phiếu.
Tình hình nợ công càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta vay mới để trả nợ cũ và vay để tiêu dùng. “Bởi đó là chính sách vay nợ không bền vững. Nếu chúng ta vay cho mục đích đầu tư thì sẽ sản sinh ra sản phẩm mới để đóng góp vào GDP để từ đây có tiền thuế cho trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng thì các khoản vay đó sẽ mất đi mà không sản sinh lợi nhuận. Như thế rất đáng lo ngại. Vì thế, cần phải có cuộc đại phẫu về ngân sách nhà nước bằng cách cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chẳng hạn như tinh giản bộ máy quản lý nhà nước. Đồng thời, phải cắt giảm đà tăng nợ công thông qua xem xét chi tiêu ngân sách”, TS Doanh nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đối với Việt Nam, gánh nặng nợ công khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn do nguồn lực còn phải phụ thuộc vào kinh tế nhà nước. Trong dài hạn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cải cách mạnh trong đầu tư công và DNNN là vấn đề then chốt. Trong đó, cổ phần hóa DNNN được chính phủ nhắm đến như một giải pháp giúp giảm gánh nặng nợ công. Hiện nay, phần DNNN vay chưa gây lo ngại bởi đa số là các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp, nhưng hiện nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả nên nhưng khoản vay này đang rất tù mù. "Cứ nhìn Vinashin, Vinaline sẽ thấy rất rõ. DNNN cứ "vung tay" vay tiền rồi nợ thì kiểu gì người dân cũng phải trả bằng tiền thuế của họ", ông Tuấn nói.