“Lão gàn” mê chum vại

Google News

(Kiến Thức) - Những chum, vại, choé… sứt miệng, nứt nẻ mà người ta bỏ đi được ông nhặt về nâng niu, trân trọng còn hơn bảo vật gia truyền.

“Gàn có cái hay của gàn”
Ngôi nhà nhỏ của “lão gàn” Nguyễn Vinh Xưởng nằm lọt thỏm giữa một ngách nhỏ của phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội). Người lạ vào nhà ông cứ ngỡ tưởng đang ở một vùng nông thôn nào đó xa xôi tít tắp lắm. Mà không chỉ thế, vùng quê ấy có khi đang ở thời những năm bao cấp. 
Cũng bởi những vật dụng quê mùa mà ông Xưởng treo lủng lẳng trên tường, nào rổ rách nón mê, nào cuốc gỗ guốc mộc. Cả một mớ đơm đó đen xịt bồ hóng bếp quê. Những cái liễn đựng cơm bằng gỗ thị úa màu vàng hoẻn như dẫn người ta trở về thời xa lắm. 
Và quanh ngôi nhà, bên mảnh sân nho nhỏ đã lủng lẳng những thứ quê mùa kia là “vô thiên lủng” những chum, vại, choé chồng chất ngang dọc. Có cái chum đã sứt miệng, cái choé đã rỉ nước lâu ngày cáu bẩn, cái vại còn mùi cà khú đóng váng trắng bệch bạc bên góc vườn đầy rẫy những lạ lùng.
Ông Xưởng bên những chum, vại cũ kỹ. 
Mảnh vườn Hà Thành tấc đất tấc vàng như vậy mà đặt những đồ vật quê cũ rích thì người ta đặt cái biệt danh “lão gàn” cũng chẳng oan. “Tôi cũng có phản pháo bảo họ nói oan đâu. Chỉ là gàn cũng có cái hay của gàn, vấn đề ở chỗ cái gàn của mình nó có ý nghĩa xã hội như thế nào mà thôi”, ông Xưởng trợn mắt ra điều nghiêm trọng lắm.
Ông nói tiếp: “Người ta buôn đồ cổ, kiếm đồ xịn với mục đích một mai lên giá kiếm tiền. Tôi không vì đồng tiền mà lao vào đồ cổ, chỉ là giữ lại một phần nào đó cái chất quê mùa đẹp đẽ đã mất hết trong thời buổi hiện đại. Suốt 20 năm qua tôi lang bạt khắp nơi chỉ để tìm cho ra những thứ người ta vứt đi, đó là chum, vại, choé, rổ rá, đơm đó, cuốc thuổng mà người thôn quê vẫn hay sử dụng”.
Cái hay mà ông Xưởng đưa ra là, khi cả thế giới đang hiện đại hoá thì những vật dụng xưa cũ được thay thế bằng cái mới. Cái cũ bị quên lãng, bị hắt hủi, vứt bỏ nhưng nếu không có cái cũ thì không thể có cái mới. “Trong khi họ ngắm cái mới với sự vô tình thì tôi đắm mình trong cái cũ đầy hồn cốt, yên ả. Ngắm màu thời gian trên chum vại cũ chắc chắn sẽ thấy tuyệt vời hơn là những bình gốm sứ mới toanh pha màu hoá chất hiện đại”, ông Xưởng tâm sự.  
Chiếc chum chống kiến bị vỡ mất phần vành đựng nước gần miệng. 
“Chuyên gia” chum vại
Quãng thời gian 20 năm đi tìm chum vại của ông Xưởng mới lắm những gian truân và bi hài. Ông kể rằng, sau khi phục viên rồi tham gia trong ngành vận tải nên được đi nhiều nơi, nhiều vùng miền trên cả nước nhưng ông đặc biệt gắn bó và yêu mảnh đất của đồng bằng sông Hồng.
Vì thế, từ năm 1990 ông Xưởng bắt đầu bôn ba khắp các vùng quê xa xăm để sưu tập chum vại. “Thời ấy, người ta không bán mà cho không. Bây giờ thì khác, dân đồ cổ đi săn lùng nhiều nên việc cho không chum vại là hiếm lắm”, ông Xưởng cho hay.
Ông Xưởng quê gốc ở Văn Giang (Hưng Yên), mỗi lần về quê ông lại lần mò đến các đống rác hoặc những hố nước thải để mò tìm chum vại. Người làng thấy ông là người thành đạt ở Hà Nội lại về quê xắn quần xắn áo tìm kiếm những thứ vứt đi thì không hiểu ra sao. Người bảo ông bị tâm thần, người lại hồ nghi ông mò tìm kho báu. Tất cả tụ lại xem ông mò mẫm cái gì dưới hố nước thải đen ngòm. Khi ông bắt được một cái choé nhỏ bằng cái bát thì mừng rỡ vô cùng. Người làng than ngắn thở dài khẳng định ông bị điên. Có người bảo, “ông muốn chum vại thì vào đây, tôi cho cả tá”.  
Vậy là, sau mỗi đợt người ta bảo ông “bị điên” là mỗi lần ông thu lượm được một cơ số chum vại vỡ. Tất cả được ông trân trọng lưu giữ hơn cả bảo vật gia truyền. Cho đến nay, chính xác số lượng chum vại choé là bao nhiêu thì ông Xưởng cũng không đếm được.
Một chiếc choé cổ của Bát Tràng. 
20 năm sưu tập chum vại đã biến “lão gàn” thành một chuyên gia đích thực. Chỉ cần nhìn màu sắc hoặc sờ tay vào hiện vật là ông Xưởng có thể đoán chính xác chum vại bao nhiêu tuổi, do thợ vùng nào làm. Thậm chí, chum vại đó có thời gian nung trong lò là bao nhiêu, đã chín hay chưa chín, ông đều rõ.
Biết tài của ông Xưởng nên nhiều dân chơi đồ cổ và cả những chuyên gia khảo cổ đã không ít lần phải nhờ ông “khám nghiệm” hiện vật trước khi trưng bày hoặc công bố trước công chúng.
Tiền tỷ không bán
Trong góc sân nhà ông Xưởng không thiếu bất cứ một loại chum vại choé nào. Từ hình hài, kích thước đến niên đại sản xuất đều đủ cả. Ông khoe cái chum này xin được ở Lai Châu, cái choé kia mua được Ninh Bình, cái vại này nhặt được ở đống rác Bát Tràng.
Khi dân săn đồ cổ đến nhà ông mới phát hiện ra nhiều thứ quý giá có thể bán với mức tiền tỷ mới gạ hỏi. Không ngờ, ông Xưởng thẳng thừng từ chối nói rằng: “Nếu tôi sưu tập vì tiền thì tôi là dân buôn. Tôi sưu tập vì mục đích nhân văn, giữ lại văn hoá thôn quê thì tôi còn làm người. Các anh đừng biến tôi thành dân buôn”. Nghe vậy, họ bỏ đi nhưng không rời mắt khỏi những chum vại quý giá kia.
Bộ liễn đựng cơm bằng gỗ thị. 
Trong số chum vại mà ông Xưởng đang có, số nhiều là đồ của Bát Tràng và Hương Canh. Riêng chum, ông Xưởng tổng kết có 3 loại chính: Chum 4 vú hình cóc; chum 4 vú hoa thị và chum 4 vú trơn nhẵn.
Nhưng cũng có những loại chum phá cách như chum chống kiến mà ông nhặt được ở đền Đông Cuông (Yên Bái). Loại chum này được thiết kế một vành nhỏ đựng nước chống kiến quanh miệng chum. Chiếc chum độc - lạ - cổ này cũng được dân buôn trả giá rất cao nhưng ông Xưởng từ chối bán.
Ông Xưởng kể: “Có lần, một nghệ nhân làng Bát Tràng đến tôi chơi, họ thấy chum vại này thì mới thành thật rằng, người Bát Tràng bây giờ không thể làm được những sản phẩm như thế này. Bởi vì ngày xưa, các cụ làm nghề độc lập và có bí quyết riêng. Các cụ lại giữ bí quyết ấy chứ quyết không để lộ ra ngoài nên sản phẩm bao giờ cũng tinh tế và đầy hồn cốt”.
Khâm phục con mắt của cụ Kim Lân
“Chơi đồ chum vại là thú vui tao nhã của các tao nhân mặc khách xưa. Nhưng không đơn giản chỉ chơi là chơi. Chơi là phải hiểu, hiểu chất liệu, hiểu ý nghĩa, hiểu giá trị… Như nước mình trước đây có nhà văn Kim Lân là sành chơi đồ cổ. Một mảnh chum, một mảnh bát vỡ, cụ chỉ nhìn là biết thuộc thời nào, chất liệu ra sao. Hiện nay, nhiều người cũng chuyển sang sưu tập chum vại nhưng tôi phục nhất vẫn là con mắt của cụ Kim Lân”.
Ông Nguyễn Vinh Xưởng
Trần Hoà

Bình luận(0)