Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Anh Văn là một nhân cách lớn
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn. “Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào nhau, hỗ trợ nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa, văn hóa - chính trị - kinh tế - quân sự”, ông nhấn mạnh.
|
"Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng" - ông Lê Khả Phiêu nói. Ảnh: Phạm Hải. |
Về thành tựu quân sự, ông Lê Khả Phiêu cho rằng trong quá trình lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân.
Trong đó, Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ đều ghi dấu ấn của Đại tướng.
Với chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phiêu khẳng định tư tưởng "Đánh chắc, tiến chắc" và chiến thuật "kéo pháo vào, kéo pháo ra" của Đại tướng thể hiện sự tài tình, trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ông nhớ lại trong Đại thắng mùa xuân 1975, ấn tượng nhất là mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi nhớ lúc đó khi đang ở mặt trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch. Thư tay gửi đến tận nơi cho chúng tôi với nội dung trên. Ngay khi nhận, chúng tôi đã sao y gửi toàn quân đoàn. Lúc đó, khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi đã xốc lên, vượt lên ở mặt trận..." - nguyên Tổng bí thư bồi hồi nhớ lại.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của Đại tướng trong suốt cuộc trò chuyện với PV.
"Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng. Một con người như thế, từng trải bao điều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã luôn đặt lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân trên hết" - ông nói. "Có điều tốt là cứ phân công việc gì anh cũng làm. Và làm bằng hết tâm, hết trách nhiệm của mình".
Cũng theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học, luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đại tướng rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học cho lãnh đạo và cho chính mình.
Với những lĩnh vực trên, theo nguyên Tổng bí thư, Đại tướng là một người có kiến thức rộng và một tư duy mới.
Đại tướng Phạm Văn Trà: “Nỗi đau này… quá lớn”
Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bồi hồi kể lại giây phút bàng hoàng xúc động khi nghe được thư ký của văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện thông báo về sự ra đi của vị tướng huyền thoại Việt Nam: “Lúc đó khoảng gần 7h tối, nhận được chuông điện thoại thông báo tin buồn, tôi sốc nặng, phải mất một khoảng thời gian để định thần lại thông tin. Toàn thân tôi run bật và mắt thì đã nhòe đi từ lúc nào... Tôi đã biết thông tin về tình hình sức khỏe không được tốt của Đại tướng. Nhưng trong tâm niệm tôi vẫn mong muốn đây không phải là sự thật... Nỗi đau này với tôi cũng như toàn thể dân tộc là quá lớn. Tôi rất xúc động”.
Với tướng Trà, dù cơ hội được gặp và trò chuyện với Đại Tướng không nhiều vì ông chiến đấu ở miền Nam, nhưng những ký ức trong ông về người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân vẫn còn vẹn nguyên. Ông chia sẻ: “Có mấy lần tôi gặp đại tướng khi anh xuống thăm đơn vị quân khu 3. Dù là chỉ huy cấp cao nhưng Đại tướng rất giản dị, gần gũi và quan tâm đến từng người lính. Tôi còn nhớ rõ khoảnh khắc khi anh Văn ôm và bắt tay từng người một. Với ai, anh cũng dừng lại dành thời gian hỏi thăm về quê quán, điều kiện gia đình của từng người. Anh dặn cấp dưới của mình quan tâm đến chiến sỹ, phải biết thương yêu chiến sỹ như thế nào. Thế nên, với chúng tôi Đại tướng như một người anh, một người thân đặc biệt trong gia đình. Mãi sau này khi tôi lên làm việc tại Bộ Quốc phòng, chúng tôi hay đến thăm anh hơn. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, anh thường chia sẻ kinh nghiệm, nghệ thuật quân sự...”.
Cũng theo tướng Trà, nhà nước cần phải có những ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với những đóng góp to lớn và những hi sinh thầm lặng của Đại tướng dành cho đất nước, nhân dân. Ông mong muốn nhà nước xây dựng một khu đền thờ hoặc bảo tàng để thế hệ trẻ sau này có điều kiện tìm hiểu về một huyền thoại của dân tộc.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: "Chúng ta mất đi một Đại tướng tài ba lỗi lạc"
Nghe tin Đại tướng từ trần, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn không giấu nổi niềm xót thương: "Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đúng một ngày tôi có được gặp anh lần cuối. Lúc đó, anh đã mệt lắm rồi, không thể trò chuyện được lời nào…
…Dù biết anh đã yếu lâu nay nhưng tối nay khi nghe tin Đại tướng lâm chung, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến, gắn với đó là những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà anh em cùng nếm trải trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng trên thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
|
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009. Ảnh: PetroTimes.
|
Ông nghẹn ngào chia sẻ: "Hôm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới. Đây là sự mất mát, việc buồn của cả đất nước, của cả dân tộc ta".
Trung tướng Phạm Hồng Cư và tác phẩm “để đời” về Đại tướng
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – tác giả cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” chia sẻ: "Trong quân đội, kể từ 1946, tôi có nhiều năm trực tiếp làm việc dưới quyền Đại tướng. Ý tưởng viết cuốn sách này được đưa ra từ năm 1986, tuy nhiên, phải tới khi về hưu vào năm 1995, tôi mới thật sự có thời gian để chuyên tâm cho công việc. Với tôi, việc viết cuốn sách này là một nhu cầu có thật: bạn đọc Việt Nam đều yêu quý, ngưỡng mộ Đại tướng và luôn mong được biết về cuộc đời ông một cách trọn vẹn, hoàn chỉnh nhất qua từng mốc thời gian.
|
Trung tướng Hồng Cư và cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.
|
Cuốn sách ra đời năm 2004, đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong 10 năm ấy, tôi đi tìm tư liệu thực địa kết hợp với những cuộc phỏng vấn Đại tướng và người thân. Sách khép lại vào năm 1931, khi ông được thực dân Pháp phóng thích khỏi nhà lao Thừa Phủ và chuẩn bị rời khỏi Huế…
…Khi viết sách, tôi có một số lần tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng. Ở độ tuổi gần 90 khi ấy, trong trí nhớ của Đại tướng vẫn còn lưu giữ rất nhiều mảnh ký ức liên quan tới tuổi trẻ của mình. Rất nhiều câu chuyện sẽ chẳng ai biết nếu ông không kể lại. Chẳng hạn, đó là việc ông học rất giỏi thậm chí là đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) ở tỉnh Quảng Bình. Nhưng sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, ông lại thi trượt kì thi vào Trường Quốc học Huế. Vậy là ông phải khăn gói lên Huế ôn thi một năm trước khi đỗ loại khá ở kì thi năm 1924. Cần nhớ rằng giáo dục thời Pháp khi đó rất khắt khe, Trường Quốc học Huế chỉ tuyển có 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung. Khi tôi hỏi vì sao trượt, Đại tướng lắc đầu cười bảo không biết. Tôi nghĩ vui trong bụng rằng đó là bài học duy nhất trong đời của Đại tướng về tính chủ quan, điều sẽ không bao giờ lặp lại khi trở thành một vị tướng trận mạc sau này...”
Được biết, cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư hiện đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp. Đây là kết quả trong gần 10 năm sưu tầm tư liệu và thực hiện bản thảo của ông.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: “Tôi quá đau đớn”
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam là người từng được làm việc chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nghe tin về sự ra đi của Người anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông vẫn không muốn tin đó là sự thật. “Tôi rất xúc động và không biết nói gì lúc này. Đây là một mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp nổi. Đối với riêng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một biểu tượng vĩ đại về tài thao lược, một vị tướng tài ba kiệt xuất trên chiến trường. Kể cả mãi đến những năm gần đây khi sức khỏe kém phải nằm điều trị tại bệnh viện, Tướng Giáp vẫn là một cây cổ thụ, một chỗ dựa tinh thần, biểu tượng sức mạnh, ý chí của toàn dân tộc Việt Nam... Không chỉ riêng chúng ta mà cả thế giới cũng phải nghiêng mình kính nể trước tài đức của vị tướng tài ba. Tôi quá đau đớn!”, tướng Rinh không giấu nổi sự nghẹn ngào.
Ông bồi hồi chia sẻ: “Tôi học được rất nhiều từ Đại Tướng. Tôi học đạo đức của Đại tướng để tự rèn luyện mình. Đại tướng thường hay nói với chúng tôi những lời dạy của Bác Hồ và chúng tôi rèn luyện theo tinh thần đó. Là người tri thức, Đại tướng hiểu rộng nhưng không bao giờ thỏa mãn mà luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu... Quan điểm của Đại tướng là trong mỗi trận đánh phải làm sao hạn chế được xương máu của chiến sĩ phải đổ trên chiến trường. Đối với nhân dân, đồng bào tướng Giáp cũng luôn dành những sự yêu thương, quan tâm đặc biệt”.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương òa khóc khi nghe tin
Ký ức về lần đầu tiên được gặp Đại tướng vẫn đậm sâu trong tâm trí Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Lê Mã Lương. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tháng 4/1971 sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được điều về Bộ Tư lệnh mặt trận để báo cáo thành tích. Tại Sở chỉ huy, thật bất ngờ tôi đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 phút. Thời gian không nhiều nhưng đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm về vị tướng soái lừng danh của dân tộc. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Đại tướng rất thân thiện, bình dị. Từ dáng đi, cử chỉ, nét mặt của người đều toát lên phong thái đĩnh đạc của một vị tướng cầm quân. Đặc biệt giọng nói của Đại tướng có một sức hút, lôi cuốn mạnh mẽ đối với người nghe. Tôi có cảm tưởng 10 phút trôi qua quá nhanh...”
Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, lần gặp gỡ ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời binh nghiệp sau này của ông. “Tôi học được rất nhiều điều từ Đại tướng. Trước hết là tính giản dị, không thích phô trương, khoe mẽ, tiếp đến là sự quan tâm, đối xử với các cán bộ, chiến sỹ dưới quyền. Phải nói rằng rất ít có vị tướng nào lại đi sâu sát tình hình cơ sở, thực tiễn và quan tâm đến đời sống của anh em như tướng Giáp. Sau này khi làm công tác quản lý bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - điều tôi quan tâm, đau đáu nhất vẫn là tập hợp, sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...”.
Khi nhận được thông báo về sự ra đi của Đại tướng, ông đã không kiềm chế được cảm xúc và òa khóc lên như vừa mất đi một người thân ruột thịt. “Trong thời khắc đau thương này, tôi không biết nói gì để bày tỏ sự đau đớn, xót xa khi vừa mất đi một tướng lĩnh tài ba, một cây đại thụ - biểu tượng của sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng ra đi là tổn thất rất lớn cho dân tộc ta, cho quân đội ta. Dân tộc ta đã mất đi một người tướng tài, mất đi một người con ưu tú suốt đời đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”, tướng Lương xúc động chia sẻ.