Nứt do chênh lệch nhiệt độ
Ngày 5/6/2014 Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và thông qua Dự thảo Báo cáo kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy và xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã thuê tư vấn kiểm định độc lập là Cty Tư vấn triển khai Công nghệ và Xây dựng giao thông (Trường Đại học GTVT) để thực hiện việc kiểm định, xác định nguyên nhân gây nứt trụ T22 và đề xuất phương án xử lý. Đồng thời để đảm bảo khách quan của kết quả kiểm định, Sở GTVT Hà Nội đã thuê tư vấn thẩm tra nước ngoài là Cty Tư vấn của Nhật Bản TTES (Tokyo Tech Engineering Solutions, Inc) để thẩm tra kết quả kiểm định.
Ngày 08/4/2014, sau khi có báo cáo sơ bộ của tư vấn kiểm định và tư vấn thẩm tra TTES (Nhật Bản), Bộ Xây dụng đã tổ chức cuộc họp mời các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về lĩnh vực thiết kế và xây dựng cầu phản biện và góp ý cho báo cáo kiểm định và báo cáo thẩm tra nguyên nhân nứt trụ T22 cầu Vĩnh Tuy.
|
Vết nứt trên trụ cầu Vĩnh Tuy được bên tư vấn kiểm định khoan kiểm tra lõi thép. Ảnh: Minh Tú.
|
Trao đổi với chuyên gia Nguyễn Tuấn Bình, thành viên trong tổ tư vấn kiểm định độc lập, ông Bình cho biết các chuyên gia đồng tình với nguyên nhân mà đơn vị đã đưa ra. Cụ thể gồm hai nguyên nhân như sau:
Nguyên nhân thứ nhất: Trụ cầu Vĩnh Tuy được thiết kế với kết cấu bê tông có kích thước lớn nên khi thi công đã phát sinh lượng nhiệt lớn trong lòng khối đổ (nhiệt do phản ứng thuỷ hoả xi măng, trong khi đó lại không thực hiện các biện pháp phòng chống phát sinh nhiệt độ cao và chênh lệch nhiệt độ cao của khối đổ bê tông). Sự chênh lệch nhiệt độ trong một khối đổ và giữa các khối đổ đã tạo ra sự chênh lệch về biến dạng và phát sinh ứng suất nhiệt. Bê tông trụ đã bị nứt tại những vị trí có ứng suất nhiệt vượt quá cường độ chịu kéo của bê tông.
Nguyên nhân thứ hai: Do tổng hợp của co ngót theo thời gian, kết hợp tác động của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm môi trường và tính từ biến bê tông dưới tác động của tải trọng thường xuyên trong quá trình khai thác sử dụng đã làm tăng thêm độ mở rộng vết nứt.
Tư vấn kiểm định nhận định vết nứt không phát triển sâu vào trụ cầu vì cốt thép đai của trụ cầu đã ngăn cản các biến dạng co của bê tông. Hầu hết các vết nứt đều chỉ sâu đến lớp cốt đai ngoài của trụ cầu, duy chỉ có vết nứt rộng 3mm thì có độ sâu lớn hơn (272mm). Trụ T22 và các trụ khác có các vết nứt khác nhau hoặc không nứt là do điều kiện và trình tự thi công có thể không giống nhau. Bên cạnh đó, thời điểm thi công trụ cầu khác nhau nên các ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, mức độ nắng chiếu, gió,... khác nhau dẫn đến việc hình thành và phát triển các vết nứt cũng khác nhau.
Cầu Vĩnh Tuy – nứt vẫn an toàn
Đánh giá ảnh hưởng của vết nứt đến sự làm việc của trụ cầu, chuyên gia Nguyễn Tất Bình khẳng định vết nứt này không ảnh hưởng gì đến khả năng chịu lực của trụ cầu cũng như khả năng hoạt động của cầu Vĩnh Tuy. Các công tác giảm tải là không cần thiết.
Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng về lâu dài tới cốt thép cũng như để khôi phục khả năng chịu lực của trụ đúng như thiết kế, tư vấn kiểm định kiến nghị phải sớm sửa chữa các vết nứt.
Còn về giải pháp khắc phục những biện pháp này, chuyên gia Bình cho rằng tư vấn kiểm định chỉ làm nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân, còn biện pháp khắc phục là công việc của các bên liên quan đến thiết kế, thi công cây cầu.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thị sát vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy. Ảnh TTXVN.
|
Theo thông tin của Báo Xây dựng, cũng trong cuộc họp ngày 5/6/2014 tại Bộ Xây dựng, đa số các chuyên gia về cầu đường đều đồng tình cho rằng nguyên nhân gây xuất hiện vết nứt là do chênh lệch nhiệt độ trong quá trình thi công nên dẫn đến hiện tượng nứt tại các trụ của cầu Vĩnh Tuy.
GS.TS Nguyễn Viết Trung (Trường Đại học GTVT) cho rằng: Theo các kết quả thí nghiệm tôi cho rằng cầu Vĩnh Tuy an toàn trong sử dụng, nên chúng ta không cần phải tính toán đến phương án hạ tải cho cầu. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng việc xuất hiện các vết nứt tại các trụ cầu là có ảnh hưởng đến tuổi thọ của toàn công trình, do vậy cần sớm có biện pháp xử lý và khắc phục sự cố này.
Tuy nhiên việc xử lý cần được thực hiện khoa học để tạo thành một kinh nghiệm cho các lần sửa chữa tương tự. Theo tôi việc khắc phục, xử lý vết nứt không nên dùng phương pháp dán keo như đề cập mà nên dùng phương pháp bơm vữa bê tông trực tiếp vào vết nứt, và phải dùng phương pháp bơm chậm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng khẳng định: Từ các kết quả kiểm định có thể thấy cầu Vĩnh Tuy an toàn. Tuy nhiên Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng lưu ý các đơn vị có liên quan sớm có phương án xử lý để không bị ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.