“Hủy” dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Google News

Đây là lựa chọn bất ngờ của Bộ Giao thông Vận tải sau khi xem xét nhiều “kịch bản” xây dựng đường sắt Bắc - Nam.

Tại cuộc họp thông qua Báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu lập Dự án Đường sắt tốc độ cao các đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang diễn ra cuối tuần trước tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nằm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.  

Cụ thể, hệ thống đường sắt khổ 1,435 m, được điện khí hóa để đảm bảo duy trì tốc độ chạy tàu đạt 160 km/h - 200 km/h. Tuyến đường sắt được xây mới hoàn toàn và độc lập với tuyến đường sắt cũ hiện nay.
 
Với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại, Bộ trưởng Thăng đồng ý giữ nguyên và sẽ cải tạo, nâng cấp để tốc độ ở mức bình quân đạt khoảng 90 km/h đối với tàu khách và 60 km/h đối với tàu hàng. Quan điểm này của Bộ GTVT trùng với đề xuất kịch bản 1 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc cần phát huy tối đa năng lực đường sắt đơn trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiến hành đường đôi hóa cho một số đoạn có nhu cầu cao.

Theo Bộ trưởng Thăng: “Mặc dù tuyến đường sắt Bắc - Nam qua hơn 100 năm khai thác đã xuống cấp và lạc hậu nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo thì không thể vứt chiếc áo rách trong khi nhu cầu mặc là thường nhật”.

Liên quan đến 2 tuyến đường sắt cao tốc ưu tiên là Hà Nội - Vinh (dài 280 km) và TPHCM - Nha Trang (dài 360 km), JICA cho rằng 2 tuyến này sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế - EIRR đạt 12%. Tổng chi phí đầu tư của 2 tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỷ USD, bằng 6,3 % GDP của Việt Nam vào năm 2030. JICA đề xuất xây dựng 2 đoạn tuyến chạy thử là Ngọc Hồi - Phủ Lý (khoảng 45 km) và Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 36 km), chi phí đầu tư 2 đoạn đường cao tốc có vận tốc 320 km/h ước khoảng 3,2 tỷ USD.

 Đường sắt khổ đôi có vận tốc chạy tàu từ 160-200 km/h sẽ được xây dựng hoàn toàn độc lập với đường sắt hiện tại.

Đồng ý với những đề xuất này, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu báo cáo, phía JICA sẽ công bố độc lập về báo cáo này.

Tháng 8/2012, báo cáo đánh giá về nhu cầu vận tải tương lai trên hành lang Bắc - Nam, chuyên gia tư vấn JICA cho biết: Năm 2030, nhu cầu vận tải đường sắt sẽ tăng khoảng 3 lần so với hiện nay và GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3-4 lần, khi đó việc cải tạo tuyến đường sắt đơn hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này.

Cũng trong báo cáo này, các chuyên gia JICA nhận định, về mặt kỹ thuật việc tăng tốc chạy tàu lên 200 km/h trên đường sắt đơn khổ 1m và 1,067m hiện nay là không khả thi. Nếu mở rộng bán kính đường cong của tuyến đường sắt hiện nay lên 2.000 m ở 1.500 vị trí và bố trí đường ngang khác mức ở hơn 2.000 vị trí cũng không đáp ứng được tốc độ trên, do đó cần phát huy được năng lực tối đa của đường sắt đơn (mức A2) trong giai đoạn 2020 - 2025 và đường đôi hóa (mức B1) cho một số đoạn có nhu cầu cao.

Theo tính toán của JICA, nếu tiến hành cải tạo tuyến đường sắt Bắc Nam theo phương án: tăng cường năng lực vận tải cho đường sắt đơn vận tải, tổng nhu cầu kinh phí sẽ vào khoảng 1,8 tỷ USD. Khoản đầu tư khá lớn này được dồn cho việc cải tạo hướng tuyến cho đèo Khe Nét, đèo Hải Vân; hệ thống thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe... Phương án này sẽ giúp bảo đảm hoạt động của 25 đôi tàu mỗi ngày trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, giảm thời gian chạy tàu giữa 2 thành phố này xuống 25,4 giờ.
 
Với đề xuất được lựa chọn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần triển khai nhanh tuyến đường sắt Bắc - Nam, việc xây dựng này được đặt trong chiến lược chung về phát triển GTVT nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu GTVT đi trước làm tiền đề cho phát triển kinh tế. Bộ GTVT sẽ làm báo cáo trên kết quả nghiên cứu của dự án đường sắt này, để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội về đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bộ này sẽ thành lập ban chỉ đạo để xây dựng dự án do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng ban.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Dân Trí

Bình luận(0)