Học sinh "chơi bồ đà" ở phố núi Bảo Lộc

Google News

Bồ đà - còn gọi là “bu”, “cỏ”, “tài mà”... đang là thú chơi đầy hấp lực của một số thanh thiếu niên vùng cao TP Bảo Lộc và các xã vùng sâu tỉnh Lâm Đồng.

Đáng lo ngại nhất là một số học sinh nhỏ tuổi đã bị dụ dỗ vào làn khói trắng nguy hiểm này.
Theo chân một “nữ quái kiệt” được mệnh danh là M. “bu” (24 tuổi, từng chơi bồ đà được năm năm tại thôn 9, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), chúng tôi có cơ hội thâm nhập thế giới chơi “bu” đầy ma mị của các bạn trẻ.
Áo trắng đi “bu”
M. “bu” tiết lộ: “Tại Bảo Lộc và các xã lân cận, dân chơi “bu” chủ yếu là mấy đứa “trẻ trâu” (tiếng lóng dùng để gọi dân chơi trẻ bị coi là “nhà quê”) vì đây là hàng hạ đẳng nhất trong các loại ma túy. M. cho biết nhóm của mình có khoảng bảy “kép” do M. làm chủ xị. Trong đó, hơn phân nửa là học sinh nam một số trường tại Bảo Lộc, số còn lại đều đã bỏ học. Điểm chơi “bu” thường xuyên của nhóm M. là khu rừng thông tại thôn 2, xã Đam B’ri. Chập choạng tối ngày 23/8, M. hẹn ba “chiến hữu” còn mặc đồng phục học sinh, bên ngoài khoác áo len của một trường phổ thông lò dò tới địa điểm.
Tại đây, nhóm của M. chất đống củi tạp giữa khu đất trống khoảng 4m2. Dưới nền đất còn vương vãi chai nước, tẩu thuốc lẫn với mùi khét còn lẩn khuất đặc trưng của bồ đà. Ít phút sau, hai gương mặt non choẹt phóng xe đạp xộc vào khu rừng thông. Chỉ đợi có thế, một học sinh khác hất hàm ám chỉ “hàng” đã sẵn sàng rồi móc trong cặp ra ba túi nilông đựng “bu” màu xanh nhạt kèm chai nước đã được chế làm đồ hút quẳng cho M.. T. “lì lợm”, đang là học sinh lớp 10 tại Bảo Lộc, nhập nhóm của M. “bu” được một năm, nháy mắt giải thích: “Em và hai thằng vừa tới, một thằng mới lớp 9, thằng kia lớp 10, đều trốn lớp học đêm để đi “phê” hội đồng”. Nói vừa dứt lời, cả bọn châm lửa, ngồi quây bàn tròn chuyền tay nhau hút “bu” theo vòng.
“Chơi chuyên nghiệp”
Nhóm hút bồ đà toàn học sinh của Minh 'bu' đang chơi hàng đá tại nhà ở Thôn 2, xã Đam B’ri, TP. Bảo Lộc.
Một số dân chơi “bu” lâu năm cho biết lý do thường chơi “bu” với nhóm học sinh vì chúng “biết nghe lời, có tiền rủng rỉnh và chơi rất máu lửa”. Thường thì về đêm cả nhóm gọi nhau ra những bãi đất trống tại rừng thông xa người dân đi lại đốt củi, quây quần “lên đồng” rất xôm tụ. M. cho biết nếu hôm ít người chơi thì các nhóm kéo nhau ra quán cà phê hay quán karaoke chơi thoải mái. Tuy nhiên, nếu chơi tại quán phải vấn sợi bồ đà thành điếu thuốc hút để ngụy trang. Theo chân M., chúng tôi khám phá nhiều điểm bán bồ đà cung cấp cho khá nhiều các bạn trẻ. Hàng bồ đà được bán theo bịch nhỏ với chiêu bài “bán ném”.
Tối ngày 24/8, M. cùng T. “lì lợm” tới địa điểm kế quán ăn Như Ý giáp hồ Đồng Nai Thượng, Bảo Lộc mua hàng. Sau khi đưa tiền, lát sau một thanh niên tên H. ném bịch bồ đà ra sát lề đường để M. chạy đến lấy. Trước đó, ngày 22 và ngày 23/8 tại địa điểm trên, một số thanh niên cũng tới “mua hàng” với chiêu thức tương tự. Tại xã Lộc Bảo, dân chơi “bu” đều biết tới Q. “né” có nhà tại ngã ba Lộc Bảo. Bất cứ lúc nào dân chơi cần hàng Q. “né” đều cung ứng đầy đủ. Sáng ngày 23/8, một dân chơi gọi điện cho Q. lấy bốn bịch “bu”, Q. cho biết giá mỗi bịch 150.000 đồng.
Ngoài các địa điểm trên, tại xã Lộc Quảng, M. và nhóm bạn cũng thường mua hàng của ông N.. Ông N. chuyên bán “bu” các loại, kể cả hạt dùng để trồng cây bồ đà nếu là khách quen và thân tín. Tối ngày 20/8, ông N. bán một bịch 100 gam “bu” cho một thanh niên tên H. với giá 800.000 đồng. H. có nhà tại Bảo Lộc, thường lấy hàng của ông N. với giá rẻ, sau đó xé lẻ bán 50.000 đồng/bịch cho một số học sinh nghiện “bu” và dân chơi quanh xã Đam B’ri.
Lạc lối

Tối chủ nhật, M. “bu” tiếp tục dẫn chúng tôi đi “bay” với một nhóm thanh niên tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Vùng núi này toàn núi đồi quanh co, có nhiều khu rừng rậm rạp, thâm u. Lần này nhóm không hút “bu” bằng chai mà chuyển sang dùng điếu cày. “Bu” chơi cho nhóm là loại hạt phơi khô mới lấy từ một địa điểm trong rừng ra. Một thanh niên tên T. đưa cả nhóm sáu thanh niên loai choai cùng nhóm bạn ba người của M. “bu” vào một căn chòi tranh giữa vườn cà phê tại thôn 2, xã Lộc Bảo.
Bữa nay không có hàng xiêm ngon nên nhóm phải chơi hàng hạt hút rất khét. Giữa ánh lửa nhập nhoạng, Q. rít “bu” sòng sọc như thuốc lào. Hoa “bu” khét lẹt nổ lách tách làm cả bọn phấn khích. Thay phiên nhau được vài “ngao”, một thanh niên môi khô khốc đưa tay đánh mông lung loạn xạ như bị ma nhập. T. cho biết cu cậu hút chưa quen nên cứ “bắn” vài điếu là nhìn người như ảo ảnh, đôi lúc bị sốc thuốc nằm bất động như khúc gỗ. “Nó đang học lớp 9 đấy, có hôm đi học lén hút rồi “phê” thuốc nằm cả buổi ở nhà vệ sinh trường không ai hay biết” - T. nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều xã như Lộc Quảng, Lộc Bảo, Lộc Châu dân chơi đều biết tiếng một số tay anh chị có nguồn bồ đà tự trồng bí mật trong rừng nên bán rất rẻ và lúc nào cũng có hàng. Thanh niên mới lớn, học sinh trong xóm thường được các tay anh chị “dụ” hút miễn phí, đến khi nghiện phải bỏ tiền ra mua chơi thường xuyên với vài bịch/ngày mới đủ “phê”. Để chứng minh hấp lực của “bu” mạnh ra sao, T. “lì lợm” há cái miệng thâm xì, chường hàm răng ố vàng có vài cái đã mục. Một thanh niên mới 17 tuổi trong nhóm của T. thấy vậy liền vạch áo để lộ cả chục vết cứa bằng dao, vết gí cháy bằng đầu thuốc chằng chịt khắp người, hậu quả của những đêm phê thuốc.
M. kể mình có thể chơi “bu” như hút thuốc lá cả buổi, nhưng với mấy đứa mới hút thì “bắn” hai hơi cũng có thể say bí tỉ. Biểu hiện rõ nhất là cảm giác khó chịu, hay có hành vi rất kỳ quặc. Chuyện mấy đứa học sinh tập tành rít “bu” rồi nôn ói, khóc cười như người điên, có đứa thích đánh nhau, đôi lúc bị ảo giác không nhận ra ai... M. chứng kiến như cơm bữa. Và hầu hết học sinh chơi “bu” mà M. biết đều đã bỏ học hoặc quậy phá, học hành sa sút.
Nói về nguồn bồ đà, M. bảo: “Bồ đà trồng đem về phơi khô hút được gọi là “bu”. Ở xứ sở này trồng chỉ dăm cây trong rừng, hái về hút cả tháng cũng chưa hết”.

Theo đó, “bu” thường được dân chơi chia làm nhiều loại nhưng trên phố núi chủ yếu được phân ra hai loại chính: hàng xoài và hàng xiêm. Hàng xoài giá 100.000-150.000 đồng/bịch lấy từ lá và thơm mùi xoài, hàng xiêm (lấy từ nụ và lá bồ đà) giá 150.000-200.000 đồng/bịch. Ngoài ra còn có hàng ngù giá 200.000-300.000 đồng/bịch. Mỗi bịch thường đủ cho hai người chơi và tùy độ nặng nhẹ mà có giá dao động 50.000-100.000 đồng. Nếu muốn nặng đô thì mua hàng đã được tẩm thêm thuốc của Thái, Trung Quốc, kể cả của Mỹ lấy từ Đồng Nai, TP.HCM.

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)