Nhận hóa đơn tiền điện tháng 3/2014, ông Phan Văn Bé (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng) quá sốc khi thấy số tiền phải đóng hơn 6,4 triệu đồng, nên đã ngã lăn ra bất tỉnh, phải đưa vào viện cấp cứu - bà Lê Thị Nguyệt (vợ ông Bé, ngụ số 169 Cao Thắng, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết.
|
Bà Nguyệt thở dài vì hóa đơn tiền điện mà chồng bà nhập viện. |
Bà Nguyệt kể lại: “Hôm đó, có nhân viên điện lực đến ghi chỉ số điện tiêu thụ trong tháng 3/2014 của gia đình. Sau khi ghi xong, anh ta nói với chồng tui là kỳ này gia đình mình sử dụng 2.562kw, thành tiền khoảng trên 6,4 triệu đồng. Vừa nghe xong, chồng tui im lặng, rồi bất ngờ ngã ra bất tỉnh, phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện tỉnh”.
Theo bà Nguyệt, số tiền trên đã tăng gấp 20 lần so với các tháng trước đây mà gia đình bà đóng cho điện lực. Hóa đơn tiền điện tháng 12/2013 và tháng 1/2014 của gia đình bà chỉ dao động khoảng 350.000 đồng - 360.000 đồng/tháng; còn các tháng khác của những năm trước cũng chỉ từ vài trăm đến trên 300.000 đồng. Cũng theo bà Nguyệt, gia đình bà chỉ sử dụng điện để thắp sáng, quạt gió, tivi, nấu cơm, tủ lạnh nên nhu cầu sử dụng điện của gia đình không lớn.
|
Hóa đơn tiền điện hơn 6,4 triệu đồng trong tháng 3/2014 (vòng đỏ) mà gia đình ông Bé nhận được. |
Khi phát hiện sự cố này, bà Nguyệt đã làm đơn đến Điện lực Sóc Trăng đề nghị xem xét nhưng phía điện lực chỉ đồng ý cho gia đình đóng làm 3 kỳ, mỗi kỳ trên 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi báo chí vào cuộc, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc điện lực Sóc Trăng đã phải thừa nhận, cơ quan này đã biết thông tin trên. Qua đối chiếu, thấy hóa đơn các tháng trước của gia đình bà Nguyệt thực tế trong khoảng từ hai ba trăm ngàn mỗi tháng nên con số trên 6,4 triệu tháng 3 là không bình thường.
Theo ông Hải, có thể do nhân viên ghi điện cẩu thả, ghi dồn vào một tháng. Đặc biệt là khi ngành điện có chủ trương thay đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử mà nhân viên không chốt chỉ số nên xảy ra tình trạng này. “Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên ghi điện tường trình sự việc. Nếu đúng như vậy thì số tiền chênh lệch đó nhân viên phải bỏ tiền ra bù vào, dứt khoát không để khách hàng phải thiệt thòi”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 12/2013, chị Thanh Huyền (ở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh với Kiến Thức về việc hóa đơn tiền điện tháng cuối năm của gia đình chị tăng đột biến. Theo đó, chị Huyền vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 12/2013 với tổng giá thành là 1,5 triệu đồng. Số tiền điện này tăng gần 500.000 đồng mà gia đình chị phải trả trong những tháng trước đó.
Chị Huyền thắc mắc: "Tháng 12, gia đình tôi dùng các thiết bị như tháng 11, không có gì nhiều hơn nhưng không hiểu sao tiền điện lại tăng như thế. Tháng cao điểm của mùa hè nóng nực, gia đình tôi sử dụng cả điều hòa và các thiết bị làm mát khác mà cũng chỉ trả chừng 1 triệu đồng/tháng. Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà tháng cuối năm tiền điện lại nhảy vọt lên như thế. Cứ cho là so với thời điềm hè, giá điện bây giờ đã tăng hơn nhưng cũng không đến mức cao như vậy".
Hồi cao điểm nắng nóng năm 2013, tại Hà nội, hàng loạt hộ gia đình cũng kêu trời về tình trạng hóa đơn tiền điện tháng qua bỗng dưng tăng gấp đôi. Nhiều người nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn “có chủ đích” ở đây?
Chị Hằng ở ngõ 139 Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy choáng váng khi hóa đơn tiền điện tháng 5/2013 là 1,2 triệu đồng, tăng gấp đôi các tháng trước. Chị cho rằng đây là điều bất hợp lý bởi gia đình vẫn sử dụng điện bình thường, chỉ thêm cái điều hòa công suất nhỏ nhưng thi thoảng mới bật.
“Nhà có trẻ nhỏ, sợ cháu bị viêm họng nên mỗi ngày gia đình chỉ dám bật điều hòa khoảng 5 tiếng, từ 22h đến 2h sáng. Mà không phải ngày nào cũng bật. Chúng tôi chỉ dùng điều hòa vào những ngày nắng nóng, còn bình thường bật quạt. Như vậy, giỏi lắm một tháng cũng mất thêm khoảng 100 số điện nữa chứ không thể tăng gấp đôi so với những tháng trước được”, chị Hằng tính toán.
|
Rất nhiều trường hợp phản ánh có những tháng họ nhận được hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, đột biến so với trước đó, dù nhu cầu sử dụng điện của gia đình vẫn bình thường. |
Trường hợp hóa đơn tiền điện bỗng nhiên tăng gấp đôi không chỉ xảy ra ở một khu vực mà tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng có tình trạng tương tự.
Chị Vũ Thị Thủy làm thu ngân cho một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ khi tiền điện tháng 5/2013 của quán vụt tăng, cao gần gấp đôi so với tháng trước, từ 8 triệu lên 13 triệu đồng. Chị Thủy bức xúc: “Nhân viên ở quán ai cũng thắc mắc bởi điều hòa và các thiết bị điện khác tại quán vẫn sử dụng bình thường như trước đó, quán cũng không sử dụng thêm thiết bị điện nào, nhưng không hiểu tại sao hóa đơn tiền điện lại tăng lên gần gấp đôi?”.
Cũng chung “cảnh ngộ”, anh Nguyễn Tuấn Linh ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, so với những tháng trước, gia đình anh không dùng thêm thiết bị điện nào nhưng tiền điện tháng 5/2013 tăng gấp đôi từ 640.000 đồng trong tháng trước lên 1,2 triệu đồng mà không rõ nguyên do.
Thậm chí, có hộ dân còn rất bức xúc do cả gia đình đi du lịch một tuần liền, không sử dụng tới bất cứ thiết bị điện nào trong thời gian đó, thế mà hóa đơn tiền điện trong tháng không những không giảm mà còn bị tăng lên gấp đôi.
Nhiều người còn cho hay, khi đi đóng tiền điện có thắc mắc tại sao hóa đơn tiền điện tháng này lại tăng vọt lên như vậy họ đều được giải thích từ phía đơn vị thu tiền điện, rằng “do trời nóng, điều hòa mở nên tốn điện hơn”.
Tháng 6/2013, một vụ ngành điện ghi vống số cho khách hàng doanh nghiệp tại Hà Nội đã bị báo chí phản ánh mạnh. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), chi nhánh Ba Đình (tại số 62 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) bức xúc về việc hóa đơn tiền điện tháng 5/2013 tăng gấp đôi tháng 4/2013, ở mức 9,1 triệu đồng. Trong vụ việc này, EVN Ba Đình đã cử đội kiểm tra xuống địa bàn để làm rõ tình hình và kết quả cho thấy đã có sự sai sót của ngành điện dẫn tới lượng điện năng ghi trên hóa đơn của khách hàng tăng đột biến. Cụ thể, số điện đã được ghi "vống" lên 125 số. EVN hứa sẽ trừ sản lượng điện ghi nhầm trong tháng 5/2013 vào hóa đơn tiền điện tháng 6/2013.
Trong vụ việc này, Nguyễn Tuấn Linh - Phó giám đốc phòng giao dịch chi nhánh Ba Đình của VietBank không hài lòng với cách khắc phục của EVN Ba Đình. Ông Tuấn Linh cho rằng EVN cần có cách tính số điện công khai và minh bạch hơn ví như cả hai bên cùng chứng kiến việc ghi số điện và chốt vào sổ. Nếu như EVN tiếp tục thể hiện sự độc quyền như vậy thì người dân sẽ chịu thiệt.
Đa số mọi người đều nghi ngờ liệu có sự “nhầm lẫn có chủ đích” trong việc ghi vống số điện hay không, bởi nếu là ghi nhầm thì phía nhà cung cấp chỉ có thể nhầm một vài trường hợp, chứ không thể có chuyện nhầm đồng loạt, diễn ra tại khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như vậy.
Để chấm dứt tình trạng “ghi nhầm số điện” của nhân viên điện lực và kiểm soát được tiền điện chính xác nhất, một số người cho rằng nên kiểm tra và so sánh hóa đơn tiền điện hàng tháng, nếu thấy vênh số điện thì phải kiểm tra công tơ điện ngay lập tức. Thậm chí, nên lắp thêm một công tơ điện nữa trong nhà để tiện so sánh số điện hàng tháng giữa công tơ điện trong nhà với công tơ điện ở ngoài cột của phía điện lực. Làm như thế mới mong “sự cố ghi nhầm số điện” không còn xảy ra hàng loạt như hiện nay.