Hố tử thần ở Thanh Hóa: Hé lộ tiềm năng khoáng sản vàng?

Google News

(Kiến Thức) - Theo chuyên gia, hố tử thần liên tiếp xuất hiện ở Thanh Hóa cho thấy tiềm năng khoáng sản vàng ở địa phương này rất lớn.

Liên quan tới việc hố tử thần liên tiếp xuất hiện xã Quý Lộc (huyện Yên Định, Thanh Hóa) khiến nhiều người dân lo lắng, Tiến sĩ vật lý Lê Huy Y, Nguyên giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam lại cho rằng, việc hố tử thần liên tiếp xuất hiện ở Thanh Hóa không phải là điều gì tồi tệ. Ngược lại, nó hé lộ tiềm năng khoáng sản vàng ở nơi đây rất lớn.
 Hố tử thần xuất hiện tài nguyên vàng ở vùng đất này.
Theo Tiến sĩ Lê Huy Y, hố tử thần Quý Lộc là một hang karst dạng phễu, mà nguồn gốc của nó là một họng núi lửa cổ. Đây cũng là nơi giao của 4 đứt gãy. Hố có đường kính phần miệng phễu vài chục mét, phần cuống phễu đường kính khoảng dăm mét, cắm sâu thẳng đứng đến hàng ngàn mét. Đất đỏ vách hang là vật liệu núi lửa bị phong hóa tại chỗ. Trước đây khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đã phát hiện được dấu hiệu địa chất của các họng núi lửa cổ liên quan với các hang ngầm ở các địa điểm như Làng Rọi (xã Yên Phong); xóm Mỹ Quan (xã Yên Tâm); xóm Quan Trì (xã Yên Lâm) và có thể còn tìm được nhiều địa điểm khác.
“Qua đây cũng cho thấy Thanh Hóa có tiềm năng về khoáng sản nội sinh (chủ yếu là vàng) rất lớn. Vì thế trước khi lấp nên cho lấy mẫu địa chất để phân tích trọng sa, hóa học. Chắc chắn sẽ mở ra một triển vọng khoáng sản quý cho vùng”, Tiến sĩ Y cho hay.
Bản đồ địa chất vùng Quý Lộc – Thanh Hóa. Khu vực chung 3 huyên: Cẩm thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc nằm trên nền đá vôi tuổi Trias (màu tím).
Nói về việc lấp hố tử thần, theo Tiến sĩ Lê Huy Y, nên dùng các vật có kích thước đủ lớn như tấm beton đề lấp phần cuống phễu hang (vì hố tử thần sẽ còn tiếp tục sụt, khi đó sẽ không ảnh hưởng tới mặt đất), sau đó lấp theo quy trình tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra.
Tiến sĩ Lê Huy Y còn nhận định, đất đỏ là sản phẩm phong hóa từ vật liệu núi lửa có thể phát triển cây cao su, chè, cà phê. Loại đất này, trước đây gặp nhiều ở miền tây huyện Yên Định, nam Vĩnh Lộc và đông Cẩm Thủy. Do đó, việc xuất hiện hố tử thần sẽ giúp Thanh Hóa phát hiện nhiều nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội ở các vùng này.
Trao đổi với PV Kiến Thức trước đó, nói về hiện tượng hố tử thần xuất hiện ở Quý Lộc (huyện Yên Đinh, tỉnh Thanh Hóa), tiến sĩ Lê Huy Y nhận định, hố sụt ở Quý Lộc là hiện tượng không phải hiếm gặp bởi đã từng xảy ra nhiều ở các vùng đá vôi của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
 Tiến sĩ Lê Huy Y.
“Dưới sâu của vùng Quý Lộc và mấy xã lân cận là đá vôi cùng tuổi với đá vôi Đan Nê và Vĩnh Lộc. Các hoạt động kiến tạo trẻ (cách đây vài chục triệu năm trở lại đây - PV) đã làm nảy sinh nhiều đứt gãy và hoạt động núi lửa. Chúng đã phá hủy nền đá vôi và tạo ra các hang karst tại giao điểm của các đứt gãy. Đất đỏ dạng khối chứa cuội sỏi lộ ra ở vách hố tử thần chính là sản phẩm phong hóa tại chỗ của dung nham núi lửa thành phần bazơ. Các hang này cũng chứa đất đỏ và nước ngầm. Do sự lưu thông của nước, các rung chấn động đất, đất đỏ trên nóc các hang bị tụt dần xuống hang và cuốn trôi đi. Khi còn lại quá mỏng thì gây ra sụt lở như ở Quý Lộc (trước đây hiện tượng này cũng từng xảy ra ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) kéo dài hay ở Cẩm Phả, Hà Tĩnh...) Hố sụt thường có đường kính vài chục mét, độ sâu hàng trăm hoặc hàng ngàn mét”, TS Y nhận định.
Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

Kỹ sư lục lộ

"(trước đây hiện tượng này cũng từng xảy ra ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) kéo dài ..." Phán linh tinh ! Vụ đường LVL Hà nôi năm trước là do khu đất bên cạnh làm tầng hầm bị hở tường vây, nước chảy vào gây sạt nền cát. Và đoạn LVL nối dài nền đắp bằng cát, móng đất đồi từ nơi khác vận chuyển đến. Thế mà ông này phán như thành là núi lửa. Chịu đại ka !