Liên quan tới vụ việc, sáng 28/10, một vụ sụt lún đất nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn thôn 2, xã Quý Lộc (huyện Yên Định, Thanh Hóa) khiến 4 nhà dân đứng trước nguy cơ đổ sập. Hố “tử thần” này có đường kính khoảng 10m, hiện đã sâu tới 25m và diện tích đất ảnh hưởng trực tiếp này có khả năng mở rộng thêm, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Huy Y, Nguyên giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
|
Hố tử thần rộng 10m, sâu 25m xuất hiện ở Thanh Hóa. |
Nói về hiện tượng hố tử thần xuất hiện ở Quý Lộc (huyện Yên Đinh, tỉnh Thanh Hóa), tiến sĩ Lê Huy Y nhận định, hố sụt ở Quý Lộc là hiện tượng không phải hiếm gặp bởi đã từng xảy ra nhiều ở các vùng đá vôi của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hố tử thần ở Quý Lộc, Tiến sĩ Lê Huy Y cho biết:
“Dưới sâu của vùng Quý Lộc và mấy xã lân cận là đá vôi cùng tuổi với đá vôi Đan Nê và Vĩnh Lộc. Các hoạt động kiến tạo trẻ (cách đây vài chục triệu năm trở lại đây - PV) đã làm nảy sinh nhiều đứt gẫy và hoạt động núi lửa. Chúng đã phá hủy nền đá vôi và tạo ra các hang karst tại giao điểm của các đứt gẫy. Đất đỏ dạng khối chứa cuội sỏi lộ ra ở vách hố tử thần chính là sản phẩm phong hóa tại chỗ của dung nham núi lửa thành phần bazơ. Các hang này cũng chứa đất đỏ và nước ngầm.
Do sự lưu thông của nước, các rung chấn động đất, đất đỏ trên nóc các hang bị tụt dần xuống hang và cuốn trôi đi. Khi còn lại quá mỏng thì gây ra sụt lở như ở Quý Lộc ( Như đã từng xẩy ra ở đường Lê Văn Lương kéo dài - Hà Nội, Cẩm Phả, Hà Tĩnh...) Hố sụt thường có đường kính vài chục mét, độ sâu hàng trăm hoặc hàng ngàn mét”, TS Y nhận định.
|
Tiến sĩ Lê Huy Y. |
Theo TS Lê Huy Y, với bản địa chất trên, có thể còn xẩy ra sụt lún ở một số nơi khác trên nền đá vôi này. Có thể dự báo trước bằng cách tìm kiếm chúng bằng phương pháp địa vật lý chính xác cao, địa mạo, địa chất và thi công theo cách điểm huyệt của người nắm được quy luật của hiện tượng này.