Xe container, xe tải rầm rập đi vào đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên
Sau khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe ngày 5/12 vừa qua. Chủ đầu tư đã đưa ra mức phí toàn tuyến từ vành đai 3 Hà Nội đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho mỗi lượt xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 160.000 đồng; cao nhất là 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn, xe container. Cùng với đó, thực hiện Thông tư số 143/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/12/2015 mức phí quốc lộ 5 đã được điều chỉnh tăng lên nhiều lần. Cụ thể, từ ngày 1/12/2015 đến hết 31/3/2016, mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 160.000 đồng. Từ sau ngày 31/3/2016, mức phí trên sẽ tiếp tục tăng lên tương ứng 45.000 đồng và 200.000 đồng.
Điều lạ lùng kể từ ngày phí QL 5 cũ tăng từ 2 đến 3 lần và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông xe toàn tuyến, thay bằng chấp hành mức phí để lưu thông trên những tuyến đường trên, nhiều lái xe của một số doanh nghiệp vận tải đã chọn giải pháp mới, đó là tìm đường né trạm thu phí bằng đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên.
Theo điều tra của PV Kiến Thức, các xe container, xe tải đi đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dẫn từ cầu Thanh Trì (địa phận quận Long Biên, Hà Nội) qua ngã ba hướng đi Phú Thụy – đi TP Hưng Yên – sau đó đi lên đê Sông Hồng rồi chạy thẳng hướng Văn Giang (Hưng Yên) ra quốc lộ 5 cũ và ngược lại từ các hướng này, các xe lại về Hà Nội lên cầu Thanh Trì để đi các tỉnh khác.
|
Xe container chạy rầm rập trên đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên hướng về Văn Giang (Hưng Yên).
|
Clip PV Kiến Thức ghi nhận cảnh xe container, xe tải tấp nập qua đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên để né trạm thu phí:
Ghi nhận của PV Kiến Thức, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe container, xe tải với trọng tải lớn lưu thông qua, trong khi đó trọng tải cho phép lưu thông qua đoạn đường này chỉ với xe dưới 20 tấn.
Tại ngã ba giao cắt các tuyến đường đi Phú Thụy – TP Hưng Yên và đê sông Hồng, do lượt xe lưu thông lớn theo hai làn đường dẫn về đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, khu vực ngã ba này luôn trong tình trạng lộn xộn tắc nghẽn.
Phản ánh với PV Kiến Thức, người dân quanh khu vực cho biết, trước đây tuyến đường này chủ yếu lưu thông xe tải, xe ô tô loại nhỏ và xe máy. Nhưng kể từ khi phí quốc lộ 5 tăng, và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông xe toàn tuyến và đưa vào hoạt động, lẽ ra số lượng xe lưu thông qua đây sẽ giảm do xe ô tô con lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều lạ lùng là lượng xe container, xe tải có trọng tải lớn lưu thông qua đây còn nhiều hơn cả quốc lộ 5 cũ, khiến tuyến đường này lúc nào cũng trong cảnh bụi bặm.
Clip người dân phản ánh tình trạng xe container né trạm thu phí lưu thông trên đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên:
Việc các xe container, xe tải né trạm thu phí lưu thông qua đường dẫn vào liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đã diễn ra được một thời gian nhưng không hiểu sao vẫn chưa có sự can thiệp từ các các cơ quan chức năng?
Liều mình vì phí đường quá cao!
Theo một số lái xe, họ bắt buộc phải tìm đường tránh trạm thu phí vì hiện nay phí ở các trạm này quá cao, tránh được trạm nào, hay trạm đó.
Trước đó, hàng nghìn doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng đã bày tỏ bức xúc khi bị ảnh hưởng do phí đường 5 tăng và phí cao tốc cao.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết: “Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố Hải Phòng đầu tư quá nhiều phương tiện dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu nên giá cước tụt xuống thấp. Khi chạy đường cao tốc mức phí đó lên tới 1.680.000 đồng/chuyến, giá cước không thể thương thảo với khách hàng để tăng được. Rồi khi chúng tôi muốn trả hàng ở Hải Dương, Hưng Yên và các khu vực khác sẽ lại phải chạy ngược ra đường QL5 cũ, lại chịu phí đường bộ ở QL5 và thêm tiền dầu, nhân công. Hơn nữa, hiện nay phí đường bộ trên QL5 từ ngày 1/12/2015 tăng lên tới 3 lần, mà đường thì chưa sửa sang xong. Với mức phí như hiện nay, các doanh nghiệp đang phải trả phí 640.000 đồng/chuyến hàng đối với 1 xe đầu kéo. Chúng tôi không thể làm như vậy được”.
Clip PV Kiến Thức ghi nhận ở điểm giao giữa gầm cầu Thanh Trì nối với đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, xe container, xe tải từ Hà Nội theo đường này về Văn Giang (Hưng Yên):
Việc tăng phí QL 5 đã khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng khi trên đường này vẫn còn xuất hiện nhiều vết hằn lún vệt bánh xe, trong khi đó, sửa chữa chưa triệt để đã thu phí. Hơn nữa, theo phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xe khách tại Hải Dương, hiện nay quốc lộ 5 vẫn là con đường huyết mạch mà họ phải đi qua, quốc lộ 5 tăng phí cũng đồng nghĩa đẩy các doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn khi đợt xăng giảm vừa qua, họ mới giảm giá cước vận tải cho hành khách thì phí quốc lộ 5 lại tăng lên.
Nói về đường 5 xuống cấp mà phí vẫn tăng, ông Trần Thanh Hải, Phó phòng CSGT TP. Hải Phòng cho rằng: “Việc nâng cấp, sửa chữa đường 5 cũ đã có rất nhiều cuộc họp diễn ra. Việc thi công và sửa chữa đoạn đường này không khắc phục được triệt để việc hằn, lún nên lần sửa chữa này cần phải khắc phục việc đó. Chúng ta làm sao giảm thiểu những hậu quả cho các doanh nghiệp vận tải để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích chung. Yếu tố quan trọng nhất nhà thầu Vidifi. Doanh nghiệp này đang quản lý thu phí cả đường QL5 và đường cao tốc. Phân luồng như thế nào? Giảm phí như thế nào là phụ thuộc vào doanh nghiệp này. Hiện tại, QL5 chưa nâng cấp nhưng Vidifi vẫn tăng giá cước. Theo tôi, đường xấu, chưa nâng cấp thì Vidifi không nên thu phí đường bộ của các phương tiện. Vidifi phải cử người có chức năng quyết định để đối thoại doanh nghiệp giải quyết triệt để vấn đề này”.
Tuy nhiên, dù lý do gì đi chăng nữa, việc đi đường tránh để né trạm thu phí là khó chấp nhận. Bởi không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân sống xung quanh con đường mà các xe chọn đi để tránh trạm thu phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do tuyến đường không đáp ứng được mật độ lưu thông dày đặc. Hơn nữa, đẩy các tuyến đường mới như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào tình cảnh…đường xịn, vẫn ít xe chọn lưu thông, dẫn đến lãng phí sự đầu tư về con đường này.
Kiến Thức tiếp tục thông tin.