Giao thừa kỳ lạ ở đất Phật - non thiêng Yên Tử

Google News

(Kiến Thức) - Giao thừa ở vùng đất Phật linh thiêng nhất Việt Nam mộc mạc nhưng sâu lắng và để lại dấu ấn khó mờ phai trong lòng người.

Ngày 30 Tết, sự vắng lặng bao trùm trên khắp vùng đất Phật Yên Tử. Hầu hết hàng quán đã đóng cửa, du khách chỉ xuất hiện lác đác trên các ngả đường đẫn đến những điểm tham quan chính nơi đây.
Bầu không khí Tết dường như đã tan loãng vào khung cảnh núi rừng hùng vĩ của Yên Tử. Thay thế vào đó là cái “Tết” rạo rực của thiên nhiên, với tiếng chim hót, cảnh bướm bay, muôn cây đâm chồi nảy lộc.
Trái với cảnh nhộp nhịp của chùa chiền thành phố ngày giáp Tết, các ngôi chùa ở Yên Tử vẫn đắm mình trong không gian tĩnh lặng, do sự bận rộn của các gia đình trong dịp Tết và sự xa xôi cách trở về địa lý của vùng đất này.
Đêm 30 Tết, Yên Tử tĩnh lặng đến mức, từ chùa Hoa Yên - ngôi chùa chính nằm tại độ cao 543m so với mực nước biển, có thể nghe thấy tiếng chó sủa vọng lại từ chân núi cách đó non cây số.
Ít phút trước thời khắc Giao thừa, chỉ có chừng chục người tập trung tại sân chùa Hoa Yên. Phần lớn trong số họ đến từ các hộ kinh doanh còn ở lại khu vực, một vài người là khách thập phương lên chùa từ chiều tối.
Sự tôn nghiêm của chốn thiền môn cùng vẻ u tịch của thiên nhiên khiến lòng người như lắng lại, gạt bỏ hết những ưu tư buồn phiền của năm cũ để đón chào năm mới trong niềm lạc quan và an bình.
Kim đồng hồ chỉ 0h đúng. Tiếng chuông chùa vang lên từng hồi vang vọng khắp núi rừng. Không ai bảo ai, những người có mặt lặng lẽ chắp tay thành kính trong bầu không khí trang nghiêm của vùng linh địa.
 Chùa Hoa Yên trong đêm Giao thừa Giáp Ngọ.
Sau giờ khắc Giao thừa, bầu không khí bỗng trở nên rộn ràng hơn khi những chuyến cáp treo chạy rùng rùng xua tan lặng yên của màn đêm để đưa những vị khách đầu tiên của Yên Tử trong năm Giáp Ngọ lên núi. Những vị khách này gồm một đoàn cán bộ của địa phương và các Phật tử đi riêng lẻ.
Từ trạm cáp treo, họ sẽ leo một đoạn đường núi khá dài trong đêm để có thể lên chùa Hoa Yên. Không ít người thở dốc khi đặt chân tới sân chùa, nhưng khuôn mặt vẫn toát lên vẻ mãn nguyện.
Không dừng lại ở đây, đoàn khách tiếp tục đi một chặng đường xa đến tuyến cáp treo thứ hai, đưa họ lên độ cao gần 1.000m để chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và lên chùa Đồng ở điểm cao nhất của non thiêng Yên Tử. Đây quả là một cuộc hành hương đặc biệt trong đêm Giao thừa.
Mùi hương trầm lan tỏa và tiếng mõ vang lên đều đặn tại tất cả các ngôi chùa ở vùng đất tổ của Phật giáo Việt Nam trong đêm Giao thừa, như một âm hưởng vọng lại từ lịch sử. Tại nơi đây, vào 7 thể kỷ trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - dòng Phật giáo chính thống của đất nước Đại Việt…
Giao thừa ở vùng đất Phật linh thiêng nhất Việt Nam là vậy đấy...
Hồng Quân

Bình luận(0)