Bệnh nan giải
Đoạn clip nữ sinh bị 4 bạn đánh dã man tại một trường THCS ở Thừa Thiên - Huế xuất hiện trên mạng vài ngày qua khiến cộng đồng xôn xao. Clip ghi lại cảnh em N.T.H.H (học sinh lớp 7/1, Trường THCS Trần Phú, TP.Huế) mặc đồng phục, vai đeo khăn quàng bị dồn sát vào tường. Một số bạn nữ đã buông lời chửi mắng tục tĩu và tát em H liên hồi khiến em ngã quỵ xuống đất. Liền sau đó 2 nữ sinh khác xông ra đá, đấm, thậm chí dùng chân đạp lên người nữ sinh này mặc cho H khóc lóc, kêu xin, thậm chí xưng em với các bạn cùng trang nứa. Trong khi em H bị đánh, nhiều học sinh đứng xem cười hả hê, khoái trá, mặc kệ bạn.
|
Nữ sinh đánh bạn tại một Trường THPT tại huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: I.T. |
Đây không phải là vụ việc nữ sinh bị các bạn đánh hội, bạo lực học đường đồng đầu tiên, bởi trước đó có không ít vụ việc học sinh, sinh viên đánh nhau dẫn đến thương tích, thậm chí nhiều vụ hành hung có em mất mạng.
Tháng 3/2015, một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị bạn đánh hội đồng vì dám từ chối lời sai vặt của lớp trưởng. Theo đó, nữ sinh bị các bạn đánh không tiếc tay, thậm chí có em dùng ghế đánh liên tiếp vào đầu nữ sinh đó khiến tinh thần em suy sụp. Đáng nói, đã có rất nhiều học sinh vây quanh xem và cười cợt bạn mình bị hành hạ dã man. Thậm chí còn quay clip như thể đang xem một chương trình hài và tung lên mạng câu “like”.
Thu hút sự quan tâm của dư luận phải nhắc đến vụ ẩu đả giữa 2 học sinh diễn ra ngay trước cổng Trường THCS Đan Phượng, thôn Đoàn Kết, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hồi tháng 1/2015. Một em đã rút dao đâm bạn học khiến em này tử vong ngay tại chỗ.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận: “Cần lật lại vấn đề về hiệu quả giáo dục ở mỗi nhà trường hiện nay. Câu hỏi đặt ra là các trường đã làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường? Học sinh đã ngấm hay chưa khi mà nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường rất đơn giản? Chỉ cần lườm nguýt, ghen tuông yêu đương cũng dễ dẫn đến sự việc bạo lực học đường mà đến nay chưa ngăn cản được triệt để”.
Hệ quả của sự thờ ơ
Nhìn nhận sự việc bạo lực học đường dưới góc độ tâm lý học, chuyên gia Ngô Toàn nhấn mạnh: Việc nữ sinh ở Trường THCS Trần Phú (TP.Huế) một lần nữa chứng tỏ học sinh bị bắt nạt với các lý do nhận thức phù hợp với lứa tuổi của các em như quá xinh đẹp; béo phì; không được ưa thích do ít sẵn lòng giúp đỡ bạn bè; các vấn đề sắc tộc, vùng miền; hoặc chỉ là “trông kỳ cục, chướng tai gai mắt…”.
Lý giải vì sao nhìn bạn bị đánh dã man, nhiều học sinh khác vẫn ngồi yên, thậm chí cười đùa theo, ông Ngô Toàn chia sẻ: “Hành động bắt nạt khuyến khích sự a dua, vào hùa theo nhóm, tạo đồng minh giữa kẻ bắt nạt và những ai đứng ngó, ngồi nhìn. Các kẻ bắt nạt hưởng lợi từ những mối liên minh như vậy bởi vì chúng có thể kiểm soát hành vi của những đối tượng bàng quan này. Ngược lại, những đối tượng đứng ngó lại được lợi vì tránh bị đánh đập hoặc hạ nhục, tức khỏi trở thành nạn nhân.”
Đã có nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra mà các em chịu hình phạt nặng nhất cũng chỉ là hạ một bậc hạnh kiểm hay cảnh cáo và đình chỉ học một thời gian. Một giáo viên giấu tên nhìn nhận thực tế: Các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chưa nắm bắt sát sao học trò của mình, thậm chí còn ngại va chạm với các em, thấy các em cãi cọ, bắt nạt bạn cũng làm ngơ. “Trong khi đó, sự liên kết, phối hợp giữa giáo viên, nhà trường chưa thực hiệu quả. Vì ở lứa tuổi học sinh THCS, các em học hành rất áp lực. Chỉ cần học sinh bị đánh chắc chắn sẽ dẫn đến việc chểnh mảng trong học tập, nghỉ học. Các giáo viên chủ nhiệm có nắm bắt được học sinh của mình hay không mới là điều đáng nói” – giáo viên này cho hay.
Thầy Nguyễn Thành Nam - Giáo viên Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa): Gia đình có vai trò quan trọng
Trường hợp va chạm, xích mích đối với các em học sinh trong trường là điều khó tránh khỏi. Theo tôi, lý do chính là do các em còn bồng bột, không kiềm chế được cảm xúc sẽ dễ dẫn đến hành động bộc phát. Nhưng gia đình và nhà trường phải có trách nhiệm nắm bắt tâm lý, mâu thuẫn của các em để kịp thời uốn nắn, giáo dục các em nhận thức và hành xử đúng. Những vụ việc rùm beng mà cộng đồng biết được về nạn bạo lực chủ yếu diễn ra ở trường, ngoài đường. Nhưng câu hỏi lớn là khi các em sinh hoạt tại nhà, liệu rằng các em đã an toàn chưa nếu bố mẹ không quan tâm đến con cái mình?!
Thầy Bùi Quang Trung – Bí thư đoàn trường pT dân tộc nội trú THCS và THPT Mường Khương (Lào Cai): Trách nhiệm thuộc về giáo viên
Khi học sinh xảy ra mâu thuận, các em sử dụng bạo lực trước hết để giải quyết vấn đề tâm lý, giải quyết bức xúc của mình. Xảy ra hành động đánh hội đồng tức là các em đã có sự bàn bạc, mâu thuẫn từ trước đó một khoảng thời gian nhất định. Cốt yếu vấn đề nằm ở việc giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp phải nắm bắt được mâu thuẫn giữa các em một cách sớm nhất. Như vậy mới có thể giúp các em dàn hòa với nhau, tránh xảy ra những sự việc bạo lực.
Thầy Dương Văn Thắng - Bí thư Đoàn Trường THPT Cẩm Lý, (Lục Nam, Bắc Giang): Cần tuyên truyền kỹ năng sống
Phần vì lứa tuổi của các em nhận thức chưa đầy đủ. Phần vì có quá nhiều video clip lan truyền trên mạng và được nhiều lượt chia sẻ. Điều đó khiến nhiều em coi clip đó là hành động khoe khoang với người khác. Để ngăn chặn việc bạo lực học đường diễn ra, việc giáo dục kỹ năng sống là một điều cần thiết. Hiện nay, Trường THPT Cẩm Lý thường xuyên tổ chức, lồng ghép các tiết học kỹ năng sống trong những buổi chào cờ, sinh hoạt để các em dễ dàng nắm bắt. Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường có tổ chức các buổi hội thảo mời các thành viên dạy kỹ năng sống cho học sinh về trường hướng dẫn, dạy thêm cho các em.
Mỵ Lương (ghi)