Người dân xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đang xôn xao về chuyện một công an viên của xã này cưới một cô gái mới 16 tuổi diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/3.
Nhiều người dân đến dự lễ tân hôn của anh Đặng Quốc Thảo (SN 1985) - Công an viên Thường trực xã Tân Thành A không khỏi thắc mắc vì lễ cưới vắng mặt hàng loạt cán bộ của xã Tân Thành A dù đã được mời.
Nguyên nhân là chú rể cưới cô P.T.K.N. mới 16 tuổi là không đúng quy định của pháp luật nên nhiều cán bộ “ngại” đến dự.
|
Cô dâu 16 tuổi và chú rể trong ngày cưới. |
Ông Võ Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành A (huyện Tân Hồng) cho biết, việc người dân phản ánh một cán bộ xã cưới vợ mới 16 tuổi là có thật. Việc “kết hôn” có sự đồng thuận của hai gia đình, không có sự ép buộc nào.
Trước khi đám cưới diễn ra, Công an và UBND xã Tân Thành A có mời anh Thảo để nắm lại vụ việc. Qua trao đổi thì anh Thảo cho biết, mặc dù giấy tờ thể hiện P.T.K.N. sinh năm 1998, nhưng tuổi thật là sinh năm 1996 (đủ 18 tuổi), gia đình của P.T.K.N. đang làm cải chính năm sinh cho đúng với tuổi thật.
Tuy nhiên, khi đám cưới của anh Thảo và cô dâu P.T.K.N diễn ra, cô dâu vẫn chưa làm xong thủ tục cải chính năm sinh.
Dư luận băn khoăn, công an xã không chấp hành pháp luật, vẫn cưới vợ chưa đến tuổi kết hôn dù đã được chính quyền nhắc nhở thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Tảo hôn được định nghĩa tại Khoản 4 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình "Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật" (không bắt buộc phải có quyết định của Tòa án).
Như vậy có thể hành vi của công an viên này đã là tảo hôn, là trái pháp luật nhưng chưa đến mức xử phạt. Trường hợp này chỉ xử phạt người đứng ra tổ chức cho họ lấy nhau. Nếu công an viên này tham gia vào việc tổ chức cho lấy nhau (như vạch kế hoạch đám cưới cho bố mẹ vợ...) thì anh này sẽ bị phạt về hành vi tổ chức tảo hôn.
Trường hợp anh công an xã cưới nhau không đăng ký kết hôn thì pháp luật chỉ có thể buộc chấm dứt tình trạng chung sống như vợ chồng. Sau này, nếu có đề nghị tòa án giải quyết thì sẽ thuộc trường hợp "không công nhận quan hệ vợ chồng" (điều 16 Luật Hôn nhân gia đình).
Trước đó, khi được hỏi về quan điểm xử lý vụ việc trên, ông Võ Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, đã cho biết: “Chính quyền địa phương đang hoàn tất hồ sơ để xử lý bằng hình thức buộc thôi việc đối với anh Đặng Quốc Thảo, đồng thời báo cáo toàn bộ vụ việc lên cấp trên theo quy định”.
Nhiều người thắc mắc việc đuổi việc anh công an xã vì hành vi trên liệu có đúng luật và có nặng tay quá không.
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, muốn xem việc cho thôi việc (miễn nhiệm) công an viên có đúng hay không thì ko phải dựa vào mấy văn bản đó mà phải xem Pháp lệnh công an xã (và các văn bản hướng dẫn) xem họ quy định như thế nào?
“Theo các văn bản này thì tiêu chuẩn làm công an viên là phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản thân và gia đình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Khi quy định về việc miễn nhiệm công an viên thì các văn bản này chỉ quy định Trưởng công an xã xin ý kiến Trưởng công an huyện, nếu Trưởng công an huyện đồng ý thì đề nghị chủ tịch xã miễn nhiệm. Họ không phải sĩ quan, cũng không phải cán bộ công chức gì mà chỉ là lực lượng bán vũ trang chuyên trách. Việc tuyển vào khá đơn giản nên pháp luật cũng quy định việc miễn nhiệm đơn giản như vậy.
Công an viên này cưới cô dâu 16 tuổi, tức là không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không đủ tiêu chuẩn làm công an viên. Do vậy, nếu có đề nghị của Trưởng công an xã và được công an huyện chấp nhận thì chủ tịch xã cho thôi việc (miễn nhiệm) là không có gì sai cả.
Đấy là bình luận trong trường hợp cô dâu 16 tuổi, nếu sau này cải chính lại 18 tuổi thì nó lại là vấn đề khác”, Luật sư Hoàng Văn Thạch nói.