Buổi trình diễn Chợ quê có sự tham gia của nghệ sĩ Đào Anh Khánh tại bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) sáng 2/3 vừa qua đã bị người dân phản ứng vì làm hỏng một số diện tích hoa màu và có những động tác phản cảm, khó hiểu…Đây không phải lần đầu tác phẩm của Đào Anh Khánh gặp sự cố khi đang biểu diễn. Năm 2003, khi anh hóa trang vẽ vời trên thân thể, đóng bỉm, để trần cơ thể và diễn ở cạnh Hồ Gươm đã bị lực lượng an ninh yêu cầu dừng và đưa về đồn.
|
Một tình tiết kịch bản múa đương đại trong Chợ quê |
Trao đổi với Kiến Thức, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, qua cách các nghệ sĩ, các tác phẩm đưa đến, có thể hiểu nghệ thuật đương đại dùng hình thức lấy ý tưởng từ cuộc sống một cách ngẫu hứng, lấy hình thể của diễn viên để thể hiện những mảnh khác nhau của cuộc sống. Hiện nay, nghệ thuật đương đại vẫn rất kén người xem và gặp khó khăn khi giao tiếp với khán giả. Bởi lẽ, ngôn ngữ nghệ thuật này khó hiểu hơn, số người biết đến và thấu hiểu loại hình này chưa nhiều, nhất là những người dân sống ở các vùng quê. Theo đó, việc lựa chọn bối cảnh, môi trường để biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật này cần được xem xét kỹ, nó là yếu tố quyết định sự thành công của buổi diễn.
“Những người nông dân khi đang đi chợ, đi làm đồng áng mà gặp một đôi trai gái diễn giữa đường với những trang phục, hóa trang, động tác lạ chắc chắn sẽ phản ứng. Điều này cho thấy người nghệ sĩ đã không chọn đúng bối cách, chưa tìm đúng khán giả nên thất bại là phải”, bà Thái nói.
Cũng theo bà Thái, những tác phẩm nghệ thuật đương đại không còn xa lạ ở một số nước phương Tây nên những người dân ở đó khi gặp những nghệ sĩ biểu diễn họ sẽ dừng lại xem hoặc đi qua chứ không có phản ứng gì. Thế nhưng, tại Việt Nam, loại hình nghệ thuật này còn khá xa lạ. Để nhiều người biết đến, hiểu được loại hình này, những nghệ sĩ theo loại hình nghệ thuật này cần thông qua truyền thông để giải thích cho công chúng hiểu. Công chúng cũng nên có cách nhìn cởi mở, tạo điều kiện cho loại hình này gần gũi hơn với khán giả Việt Nam.
“Nếu như không dung nạp được hết công chúng thì các nghệ sĩ phải xem công chúng là ai để diễn những tác phẩm hợp với thị hiếu của người xem chứ không nên quá hồn nhiên. Còn công chúng cũng nên tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm cho mọi người hiểu về loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Lực lượng an ninh khi thấy đám đông tụ tập, mất trật tự thì cũng nên xem xét, tìm hiểu chứ không nên giải về đồn, tạo cái nhìn phản cảm trước dư luận”, bà Thái nhận định.
Là một người gắn bó với múa đương đại, biên đạo múa Trần Ly Ly cho biết: “Nghệ thuật đương đại là tổng hòa của nhiều loại hình, xây dựng theo hướng mở để đón nhận sự chắt lọc theo cảm nhận của từng người nhưng vẫn có những tiêu chuẩn, mức độ đánh giá nhất định. Việc đánh giá tùy theo góc nhìn riêng của mỗi người nên có thể có những người tìm thấy những điểm chung, có sự đồng cảm trong đấy thì thấy sự thú vị và ngược lại”.
Nói về các tác phẩm nghệ thuật của Đào Anh Khánh, biên đạo múa Ly Ly cho rằng, không thể đánh giá hay hay dở mà chỉ đánh giá là Đào Anh Khánh đang làm một cái rất thú vị trong không gian mới. Còn tác phẩm Chợ quê bị cấm diễn là vì làm hại hoa màu của người khác, đó là sơ suất khâu tổ chức, anh đã không liên lạc trước với người dân địa phương để thỏa thuận trước. Chúng tôi chưa biết tác phẩm của anh có tác động tốt hay không tốt đến xã hội, có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hay không nên không thể gán nó vào nguyên nhân thất bại.
Trước hoài nghi của một số khán giả cho rằng nghệ thuật đương đại phải chăng là “nghệ thuật điên dại”, biên đạo múa Ly Ly nhận định, trên con đường tìm tòi những cái mới có thể một số tác phẩm chưa đủ độ chín, chưa hấp dẫn thị yếu của một số tầng lớp khán giả.
“Người nghệ sĩ có ý tưởng rất hay nhưng cách thể hiện có thể chưa phù hợp, ngôn ngữ chưa đủ mới lạ hoặc quá mới lạ nên người xem chưa thích. Mặc dù vậy, người nghệ sĩ vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua chính bản thân mình, tạo dựng hình ảnh phản chiếu đời sống đương đại, đem lại những kết quả tốt cho xã hội, những đóng góp mới mẻ cho nghệ thuật”, biên đạo múa Ly Ly giải thích.
Để nghệ thuật đương đại gần gũi hơn với khán giả, biên đạo múa Ly Ly cũng mong khán giả hãy mở lòng hơn, xem nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn các tác phẩm của loại hình nghệ thuật này để hiểu vì sao các nghệ sĩ lại “điên dại” như thế.
“Khán giả hoàn toàn có quyền đưa ra những đánh giá của mình nhưng phải theo sức lao động của người nghê sĩ một cách công bằng, tự nhiên và chân thành. Để có một tác phẩm đem ra biểu diễn, họ đã phải rất khổ sở, dằn vặt, rơi mồ hôi, nước mắt… Tất cả chỉ vì sự khao khát cống hiến cho nghệ thuật chứ không phải những mục đích khác. Nếu người xem chưa thấy hay, thấy thích thì cứ hãy để thời gian trả lời và dùng tấm lòng của mình để ủng hộ sự sáng tạo của các nghệ sĩ”, biên đạo múa Ly Ly góp ý.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU