Lương sếp 1 ngày = lương nhân viên 1 tháng
Ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà có kết luận sai phạm trong việc chi sai quy định tiền lương, tiền thưởng của các công ty công ích nhà nước trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, 3 đơn vị phải thu hồi toàn bộ tiền lương bao gồm Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM. Nguyên nhân việc thu hồi toàn bộ lương chi sai là do các đơn vị này đã thực hiện trả lương cho lãnh đạo với mức lương lên đến hơn 2 tỉ đồng/năm.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị trong năm 2012, mức lương của giám đốc là 2,6 tỉ đồng/năm (hơn 200 triệu đồng/tháng), Chủ tịch hội đồng thành viên là 1,6 tỉ đồng, kế toán trưởng là 1,67 tỉ đồng, lương của phó giám đốc là 969 triệu đồng.
|
Tiền lương 1 ngày của “sếp” là 8,3 triệu, lớn hơn tiền lương một công nhân nhận được sau 1 tháng trời làm việc miệt mài. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
|
Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, mức lương giám đốc là 856 triệu đồng/năm, lương của Chủ tịch hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của phó giám đốc là 584 triệu đồng và lương của tế toán trưởng là 716 triệu đồng.
Còn tại Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM, giám đốc có mức lương là 2,2 tỉ đồng/năm, Chủ tịch hội đồng thành viên 2,4 tỉ đồng, phó giám đốc 1,9 tỉ đồng và lương của kế toán trưởng là 1,7 tỉ đồng
Theo xác định của UBND TP.HCM, mức lương cao chỉ dành cho những lao động thường xuyên. Các lao động thời vụ, trực tiếp làm công việc nặng nhọc (chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường…) tại các doanh nghiệp nói trên được trả lương bèo bọt. Lương bình quân của lao động thời vụ tại Công ty Thoát nước đô thị là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng) và xấp xỉ 5% lương viên chức quản lý (trên 111 triệu đồng).
Tại Công ty Chiếu sáng công cộng, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 7,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 14% lương lao động thường xuyên (trên 55 triệu đồng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (trên 164 triệu đồng). Còn tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, lương bình quân của lao động thời vụ là 4,5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 18% lương lao động thường xuyên (trên 25 triệu đồng), và chỉ bằng 7% lương viên chức quản lý (gần 62 triệu đồng)…
Mỗi năm có 365 ngày, trừ 52 ngày chủ nhật, với tiền lương 2,6 tỷ đồng/năm, tính ra, giám đốc nhận lương 8,3 triệu đồng/ngày. Như thế, tiền lương 1 ngày của “sếp” lớn hơn tiền lương một công nhân nhận được sau 1 tháng trời làm việc miệt mài.
Nghiêm trọng hơn, theo UBND TP.HCM, các đơn vị bị kiểm tra đều vi phạm luật lao động. Công ty Thoát nước đô thị ký hợp đồng thời vụ đối với 163 lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tại Công ty Công trình giao thông Sài Gòn, 120 lao động thường xuyên cũng chỉ được ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng và 94 lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.
Đô thị ngập lụt, GĐ ung dung nhận lương “khủng”
Xung quanh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) dù chưa có trong tay tài liệu cụ thể của vụ việc nhưng ông nhận định: “nghe như thế là có hiện tượng không bình thường rồi”. Theo ông Nghĩa, ở đây là các doanh nghiệp công ích của Nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng… thuộc các tập đoàn lớn, đa quốc gia.
Cho rằng mức lương giám đốc 2,6 tỉ đồng/năm “hết sức là cao”, ông Nghĩa nói thêm là phải xem xét các doanh nghiệp này vi phạm gì hay không, nếu có vi phạm thì dứt khoát không chấp nhận được. Nếu không vi phạm gì thì cũng không hợp lý với khoảng cách lương chênh lệch như thế.
|
TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng, thực trạng đô thị TP.HCM vẫn bị ngập lụt nhưng các vị lãnh đạo vẫn ung dung nhận mức lương cao ngất là không được. (Ảnh: Người Lao Động)
|
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Hà Nội, cho rằng: Lỗi lớn ở đây thuộc về chính đơn vị đó và các cơ quan chủ quản vì không phải vô tình mà Phó Chủ tịch TP.HCM quyết định thu hồi thậm chí là kỷ luật những người làm sai. Quy định thì có nhưng khi người ta vẫn cố tình làm sai thì vẫn để lọt. Điều này cho thấy đang có những kẽ hở mà các cơ quan quản lý cần phải lấp lại.
Thêm vào đó, các đơn vị đứng đầu thực hiện thiếu trách nhiệm xã hội khi coi đơn vị, công ty mình phụ trách như một công cụ kiếm tiền, biến lợi ích xã hội thành lợi ích nhóm, lợi ích trong nhiệm kỳ lợi ích của cá nhân mình.
Tiếp đó là các vị lãnh đạo này không nghĩ đến trách nhiệm xã hội, sự công bằng xã hội ngay cả trong chính cơ quan đơn vị mình hay trong cùng ngành nghề, đặc biệt giữa hiệu quả làm việc với lương họ nhận. Khi mà thực trạng đô thị TP.HCM vẫn bị ngập lụt nhưng họ vẫn ung dung nhận mức lương cao ngất là không được.
Mức lương trên 2 tỉ đồng/năm như vậy chắc chắn đã cao hơn cả mức lương của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo nhà nước.
Trước việc lương cao bất thường trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP đang đôn đốc các đơn vị liên quan báo cáo để sở kết luận. Trong vòng 10 ngày sau khi kết luận, thanh tra sẽ ban hành quyết định xử phạt.
Nghe mức lương “khủng” này, một số công nhân chăm sóc cây xanh, công nhân thoát nước không khỏi thấy… choáng váng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, cho rằng các công ty trên đã không tuân thủ đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002 (BLLĐ) khi ký kết hợp đồng lao động mùa vụ đối với người lao động thường xuyên và không ký hợp đồng lao động không thời hạn đối với người lao động đủ điều kiện.
Về việc sử dụng quỹ lương của người lao động để chi lương thưởng cho viên chức, theo luật sư Hậu, hành vi của người quản lý là sử dụng sai mục đích quỹ tiền lương từ ngân sách. Theo ông Hậu, đây là những doanh nghiệp nhà nước lại làm nhiệm vụ công ích nên thang bảng lương đều phải theo quy định của Nhà nước. Nếu làm rõ việc người quản lý các đơn vị trên có hành vi cố tình làm trái quy định thì việc xử lý càng phải nghiêm khắc hơn.
Mặt khác, luật sư Hậu cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lao động và tiền lương cũng liên đới trách nhiệm bởi sai phạm đã xảy ra từ năm 2011, 2012 mà bây giờ mới phát hiện ra.