Dự án đường nước sông Đà 2: Khó hủy thầu với TQ?

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia luật đánh giá, không thể hủy kết quả thầu dự án đường nước sông Đà 2 nếu không có căn cứ pháp luật...

Vụ việc, Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (địa chỉ: Lạc Dương Bắc, thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) trúng thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà 2 ( Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông) đang khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. 
Liệu trong trường hợp này, Vinaconex có thể hủy kết quả thầu với Xinxing hay không? Nếu hủy sẽ phải bồi thường thế nào?
Du an duong nuoc song Da 2: Kho huy thau voi Trung Quoc?
 Đường nước sông Đà liên tục vỡ trong thời gian qua.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhìn nhận, không thể hủy kết quả thầu nếu không có căn cứ pháp luật về vi phạm của nhà thầu.
“Bây giờ các cơ quan chức năng phải xem lại có sai phạm gì trong khâu chấm thầu hay không? Như xem xét về giá cả bởi nhà thầu Trung Quốc trúng thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà số 2 với giá rẻ hơn 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt. Thực tế, Giá cả chỉ là một khía cạnh chấm điểm của hồ sơ. Chất lượng kém giống như dự án đường sắt trên cao chẳng phải là đắt nhất thế giới hay sao? Giá cả phải đi với chất lượng, tiến độ và thời gian thi công . Giống như mua 1kg thịt chợ chỉ 70.000 đồng nhưng lợn sạch có giá 120.000 đồng. Giá thấp không phải là rẻ nếu khong tương thích về chất lượng. Gói thầu này cần xem xét lại quy trình, đánh giá chất lượng. Nếu chất lượng không đạt thì giá cả không có ý nghĩa”, Luật sư Thái cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, trường hợp hủy thầu phải căn cứ vào các quy định tại điều 17, Luật đấu thầu năm 2013. Nếu nhà thầu không vi phạm các quy định thì không thể hủy được kết quả đã đấu thầu.
Theo các quy định của pháp luật, hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định của pháp luật.
Pháp luật quy định những trường hợp hủy thầu hợp pháp cụ thể tại Điều 17, Luật đấu thầu 2013 như sau:
“1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.”
Như vậy, bên mời thầu hoàn toàn có quyền hủy thầu khi xảy ra một trong bốn trường hợp nêu trên. Tuy nhiên trong trường hợp này, bên mời thầu đơn phương hủy thầu mà không thông báo bất kỳ lý do gì, nghĩa là họ không đưa ra bằng chứng xác đáng để hủy thầu, như vậy không đúng với quy định của pháp luật.
Tại khoản 5, điều 42, Nghị địnhNghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư nêu rõ:
“Trường hợp hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu, trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu.”
Do đó, bên mời thầu khi có quyết định hủy thầu thì phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan. Ngoài ra, trong trường hợp hủy thầu thì hồ sơ liên quan được lưu giữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu.
Tuy nhiên, tại điều 18 cũng quy định về trách nhiệm khi hủy thầu:
“Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 17 của Luật này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
“Trong trường hợp hủy thầu, nếu nhà thầu không có lỗi thì không thể hủy được kết quả đã đấu thầu. Trong trường hợp này dù là Luật Việt Nam vì dự án trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn phải tuân thủ các quy tắc quốc tế. Nếu hủy thầu trọng tài nước thứ 3 sẽ xem xét, bên nào sai sẽ phải bồi thường. Trường hợp nếu hủy, sẽ phải làm lại quy trình mới”. Luật sư Thái đánh giá.
Trước dư luận về việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố Hà Nội chủ trì rà soát toàn bộ dự án xây đường nước sông Đà số 2. Phó thủ tướng yêu cầu đánh giá và làm rõ những thông tin gần đây mà dư luận đề cập liên quan đến dự án, đồng thời đề xuất giải pháp bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và đúng pháp luật. Kết quả rà soát báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 31/3.
Xem clip điệp khúc vỡ đường ống nước sông Đà (nguồn: VTC):
Hải Ninh

Bình luận(0)