Kỷ lục có khi phá hoại văn hóa
Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Sở VH-TT&DL Phú Thọ đã “từ chối” tiếp nhận các hồ sơ về kỷ lục hay lễ vật có kích thước kỷ lục. Sẽ không có sự xuất hiện của những cặp bánh chưng, bánh dày lỷ lục, không nhận các lễ vật mang tính phô trương nhằm quảng bá cho doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về động thái này, thưa GS Ngô Đức Thịnh?
Tôi nghĩ họ đã biết tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học về sự việc bánh chưng bánh dày năm trước. Kỷ lục cũng là một thứ văn hóa nhưng không phải cái gì cũng lập kỷ lục được, nó không phải là cách thức để bảo vệ văn hóa, thậm chí nó còn là cách để phá hoại văn hóa. Ví dụ như hồi trước người ta lập kỷ lục 3.000 người cùng hát quan họ. Kỷ lục đó chính là sự phá hoại văn hóa. Nên tùy theo từng trường hợp, chứ đừng kỷ lục hóa văn hóa.
Thế nhưng có người bảo làm các cặp bánh chưng bánh dày khổng lồ sẽ làm thế hệ trẻ nhớ đến truyền thống của dân tộc?
Bánh chưng bánh dày độn xốp ở trong mà dâng lên vua Hùng thì làm sao mà chấp nhận được. Văn hóa của ta là dâng cúng những của ngon vật lạ, ngon lành nhất, tinh túy nhất mới dâng lên tổ tiên. Tôi không hiểu họ nghĩ thế nào mà dâng lên thứ đó. Đó là sự vô lễ, vô văn hóa.
Dư luận phàn nàn việc các doanh nghiệp làm thương hiệu trong lễ hội nhiều quá, ông thì sao?
Quảng cáo không phải là xấu, nhưng không phải chỗ nào cũng quảng cáo được. Nhưng giờ người ta lợi dụng lễ hội để trục lợi, dẫn đến phá hoại lễ hội. Khi đồng tiền đặt chân vào trong tín ngưỡng thì tất cả những cái gì gọi là thiêng liêng nhất sẽ bị mất, nó còn trần tục hơn cái trần tục.
|
Ảnh minh họa. |
Cứ thấy bát hương là sì sụp
Tôi tự hỏi, ai là người trục lợi trong các lễ hội?
Có hai đối tượng trục lợi. Thứ nhất là chính chúng ta, những người đi lễ cũng mang trong đầu tư tưởng trục lợi. Cầu mong điều tốt lành là rất chân chính, nhưng cầu mong như thế nào? Chứ đến lễ rồi tranh giành dẫm đạp lên người khác để có tờ ấn, về nhà sẽ được thăng quan tiến chức, thì có phải là văn hóa hay không? Thứ nữa là các cơ sở tín ngưỡng, họ trục lợi kinh khủng, hốt của kinh khủng. Sở dĩ không khắc phục được là vì không ai từ bỏ một đống tiền như vậy cả.
Phải chăng vì dễ nên người ta mới trục lợi được như vậy?
Người ta mải mê chạy theo giá trị đồng tiền, còn gì dễ bằng thông qua tín ngưỡng để mà trục lợi chứ? Đồng tiền quý trọng thật đấy, nhưng để nó bước chân vào lũng đoạn đời sống tâm linh thì là một nguy cơ rất đáng báo động.
Theo ông thì cái chất lễ hội còn lại trong các lễ hội hiện nay có nhiều không?
Còn chứ, nó vẫn có giá trị riêng của nó. Nó tập hợp được đám đông người lại với một niềm tin tâm linh và tín ngưỡng riêng. Chỉ có điều nó đã bị xã hội làm cho biến thái đi.
Nhìn sang các nước xung quanh xem họ làm lễ hội thế nào, họ làm rất khác chúng ta. Họ biết họ đang làm gì, cần cái gì, đến với lễ hội là đến với tâm thức như thế nào. Nên tôi vẫn bảo, người Việt Nam cứ thấy bát hương là lao đến sì sụp, không cần biết đó là ai. Hệ quả là bị lừa. Người Nhật Bản đi lễ cũng không kém gì chúng ta, nhưng họ hiểu họ đang làm cái gì.
Nghĩa là đi lễ cũng cần phải có những hiểu biết nhất định, chứ không đơn giản chỉ là cái tâm?
Đúng thế, nó là cả một kho tri thức mà từ xa xưa các cụ đã đúc kết lại. Ở những nơi văn minh, đi lễ là cả một sự kỳ công, phải kiêng khem, thanh tịnh về cả thể xác và tinh thần. Sự trong sạch đó sẽ cảm được thần linh, đó là niềm tin. Còn ta thì thế nào, đi lễ như là đi ăn cướp, chen lấn dẫm đạp nhau, hành vi như ngoài bến tàu bến xe, lừa bịp nhau. Chưa cần nói đến tri thức, chỉ xét đến tâm thức như vậy đã dễ dẫn đến hành vi bị loạn rồi.
Phải giáo dục quan trí
Vì sao lại dẫn đến những hỗn loạn như thế trong các lễ hội thưa ông?
Đó là sự thiếu hiểu biết của con người. Cha ông ta đã xây dựng được bề dày văn hóa, nhưng chính chúng ta đã phá hoại cái đó và phải trả giá cho sự phá hoại đó. Phải gây dựng lại, theo tôi phải mất tối thiểu là 10 năm với sự quyết liệt thì mới thiết lập lại được. Bằng truyền thông và giáo dục, phải ra tay, tác động mạnh, thì may ra mới làm được. Chứ còn cứ để thế này thì rất nguy hiểm.
Khi chứng kiến những hành vi này, là một người làm văn hóa thì ông làm gì?
Có lần tôi đi lên Đền Hùng. Tôi cùng một chị trong Ban quản lý vào trong khu hậu cung. Người ta ném tiền vào trong một lớp dày đến mấy gang. Khi đi vào, tôi phải lấy tay gạt hết tiền ra mới có chỗ để đứng. Dân ta có hai truyền thống hay là công đức để xây dựng đền chùa và ngày lễ lên đình chùa đều có tiền giọt dầu để duy trì hoạt động của đền chùa. Họ làm rất lặng lẽ, nề nếp. Chứ bây giờ tôi thấy rất buồn cười là nhiều đơn vị công đức xong, trưng cái biển rõ là to công ty lên cổng đền. Rất vô duyên. Công đức cho đền chùa thì có ai kể công làm gì.
Ông vừa nói để tìm lại cái nếp văn hóa xưa cần tối thiểu 10 năm, vậy thì sẽ phải bắt đầu thế nào?
Tôi nghĩ trước hết phải giáo dục quan trí. Chính các lãnh đạo có khi lại là người đi lễ hội nhiều nhất. Lãnh đạo hay người dân thì cũng đều có niềm tin nào đó, là quyền cơ bản của con người. Nhưng phải phân biệt giữa con người nhà nước và con người cá nhân. Anh có thể tham dự vào lễ hội với tư cách là cá nhân, nhưng anh không nên tham dự với tư cách là lãnh đạo. Còn nhớ Tổng thống Mỹ Geoge Bush dự Hội nghị Apec ở Việt Nam, buổi sáng ông ấy đi lễ ở nhà thờ Cửa Bắc. Chúng ta định tổ chức đón tiếp long trọng nhưng ông ấy từ chối, ông ấy bảo rằng ông đi nhà thờ với tư cách là con chiên của Chúa chứ không phải là tổng thống.
Còn lãnh đạo của ta thì sao ạ?
Các vị ấy thường không nhận thức được rõ việc này, một phần cũng vì bị lũ ở dưới nó lợi dụng. Đấy có lãnh đạo này đến đấy, chứng tỏ là đền chùa này linh thiêng lắm, quan trọng lắm. Có đền còn đọc tên oang oang các lãnh đạo đến cúng đầu năm. Cả cái chuyện các vị ấy đến chỗ nào cũng trồng một các cây và treo tên mình lên đó là không nên. Đến chùa trồng cây là chuyện công đức, để lấy cái phúc cái đức của cả nhân. Không bao giờ người ta để lộ ra chuyện đó cả, cớ gì phải treo tên mình lên đó? Đó cũng chính là một thứ trục lợi đấy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Lễ hội Đền Hùng 2014 được tổ chức trong 5 ngày từ mùng 6 - 10/3 âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì và các xã, phường vùng ven Đền Hùng, các nơi có di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn Phú Thọ.