Đau xót “Hai Lúa” ngồi trên đống vàng... mà bất lực

Google News

(Kiến Thức) - Suốt nhiều năm, câu chuyện nông sản Việt bị chèn ép trên thị trường quốc tế vẫn luôn là đề tài được quan tâm. Nhưng giải quyết bằng cách nào, thì chưa ai tìm ra câu trả lời.

Từ câu chuyện dưa hấu chất đống ở cửa khẩu không được xuất sang Trung Quốc, chuyện sau hơn 10 năm chỉ có 1/10 sản phẩm nông sản Việt Nam đăng ký bản quyền để được bảo hộ mới được công bố, chúng tôi đã tìm gặp chuyên gia về truyền thông và thương hiệu Nguyễn Đình Thành để nghe anh lý giải, trước hết ở góc độ một công dân có trách nhiệm và có kiến giải riêng với các vấn đề của xã hội.
Chuyện mục Cafe sáng tuần này của Báo Điện tử Kiến Thức xin đăng tải cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề này.
 Chuyên gia về truyền thông và thương hiệu Nguyễn Đình Thành.
- Thời gian vừa rồi anh có ăn dưa hấu không? Anh biết
giá bán dưa hấu ở Hà Nội rẻ giật mình chứ?
Tôi có biết và dù quen, tôi vẫn xót xa giật mình. Câu chuyện dưa hấu chất đống ở cửa khẩu Việt Nam đợi xuất sang Trung Quốc không nổi, lại phải quay đầu về bán cho người dân các địa phương trong nước hình như không phải hiếm, trong câu chuyện nông sản Việt được xuất khẩu như thế nào.
Việc này đặt ra câu hỏi nhiều phía, người dân, người quy hoạch nông sản, người quản lý và còn cả lý do không rõ ràng từ phía thị trường nhập khẩu.
Chuyện dưa hấu khiến tôi nhớ lại thời học, dịch khi tìm tài liệu dịch theo chủ đề, tôi vẫn nhớ tôi tìm đọc và dịch rất nhiều bài về nông sản Việt (khoảng năm 2000). Khi ấy, trong tôi có một câu hỏi tự hỏi mình rất nhiều lần: tại sao việc sản xuất và xuất khẩu nông sản thường xảy ra nhiều câu chuyện nhói lòng như vậy trong khi lẽ ra đó là cả một mỏ vàng nếu nói đến chuyện xuất khẩu sang châu Âu và các nước giàu ở châu Á. Câu hỏi ngày đó, đến hôm nay vẫn chưa được trả lời.
 
- Giờ đã trở thành một chuyên gia truyền thông, tôi tưởng, anh đã tìm ra câu trả lời?
Tôi chưa đủ tập trung nghiên cứu chủ đề này, nên câu trả lời có lẽ chỉ dành cho bản thân. Tôi chỉ biết nhiều người châu Âu, châu Mỹ, kể cả người châu Á sang Việt Nam, đều sung sướng ăn trái dưa hấu, xoài, chôm chôm... Nhưng nông sản Việt đến nay dường như vẫn chưa tìm ra con đường nào sang tới những thị trường rộng lớn ấy hoặc nếu có đi thì phải qua một nước thứ ba.
Tôi rất xót xa khi người nông dân ngồi trên đống vàng mà không cách nào khai thác được. Họ không đủ kiến thức và sự kết nối để làm việc đó. Họ cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia nông nghiệp, các quy hoạch vùng miền, giống cây được quản lý chặt chẽ, cần được đào tạo về kiến thức Marketing, hiểu biết về thị trường, cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia thương hiệu, truyền thông, cần có sự PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG VÀ CHỦ ĐỘNG từ các cơ quan quản lý từ địa phương đến bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Công Thương, bộ Ngoại Giao, bộ Thông tin và Truyền Thông, Hải Quan, Thuế Vụ, các cơ quan thông tấn truyền thông,…
- Tôi nghĩ có sự thay đổi rồi, bởi 15 năm trước, chúng ta ít nghe thấy một sản phẩm nông sản nào được xuất khẩu, nhưng rồi gạo, cafe, tôm, cá và bây giờ cả nhãn lồng, vải và dưa hấu cũng được ‘xuất ngoại” rồi. Nhưng ngặt một nỗi, sự thua thiệt của người nông dân không vì thế mà được cải thiện. Chưa kể, có thể khó khăn họ gặp phải nhiều hơn, vì sự đầu tư bây giờ cũng nhiều hơn. Anh thấy sao?
Tôi đồng ý là việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của ta đã có sự phát triển nhưng tiềm năng còn rộng lớn lắm. Sự thua thiệt mà người dân phải chịu không thể nói không có lỗi của chính họ, bởi trong nhiều trường hợp phải thừa nhận, có những nơi, những dự án mà cách hành xử của nhiều hộ là khó có thể chấp nhận được. Tư duy tiểu nông khiến nhiều nơi cứ thấy có lợi trước mắt là đua nhau trồng, bất chấp kế hoạch tiêu thụ, không tuân thủ cam kết với các nhà máy, thấy tiểu thương mua giá tốt là mang bán cho tiểu thương bất chấp việc nhà máy chế biến đã kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho mình. Chế tài xử phạt thì chưa đủ mạnh, chưa được làm một cách có hệ thống. Thế nên mọi việc cứ dẫm chân lên nhau.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy rõ, quan điểm lệch lạc này của một bộ phận người sản xuất nông sản, nếu có một bộ máy quản lý hoạt động tốt sẽ giảm tải đi rất nhiều thiệt hai. Nhưng trong lúc chờ đợi một cơ chế hiệu quả như thế, người nông dân hiện đang phải hứng chịu phần thua thiệt nhiều.
 
- Một trong những việc Nhà nước hiện có thể làm cho người dân là yêu cầu các địa phương đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Nhưng trong một tổng kết mới đây, được biết tổng số hơn 500 nông sản cần được đăng ký bảo hộ, sau 10 năm, chỉ có hơn 50 sản phẩm được đăng ký. Anh nghĩ việc này có lý do từ đâu?
Tôi nghĩ, có hai lý do cho việc này, một là, các bên có liên quan trực tiếp chưa hiểu và chưa thấy lợi ích của chuyện đăng ký bảo hộ. Hai là, đăng ký xong có được bảo vệ hay không hoặc bảo vệ đến mức nào thì chưa thấy rõ.
Ví dụ, tại Pháp, Champagen được phân loại rất rõ theo từng vùng (vùng nguyên liệu nào được xếp loại 1, vùng nguyên liệu nào xếp loại 2). Nhưng ở Việt Nam, nhãn lồng Hưng Yên chẳng hạn, đến nay, chúng ta chưa có tiêu chí nào để phân biệt rõ ràng về chủng loại, đâu là nhãn lồng Hưng Yên loại 1, loại 2, thậm chí nhãn Hải Dương cũng có thể gọi là nhãn lồng Hưng Yên. Chỉ dẫn địa lý ở đây chưa thực sự rõ ràng và khó có thể nâng lên thành thương hiệu.
- Nhìn một cách rộng hơn, theo anh, điều chúng ta thiếu bây giờ là gì và có giải pháp nào cho nó?
Tôi vẫn tự hỏi, tại sao Thái Lan mua thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu giá lại rẻ hơn Việt Nam? Tại sao đi du lịch nước ngoài lại rẻ hơn du lịch trong nước. Câu trả lời chính là ở sự phối hợp giữa các bên có liên quan trực tiếp và câu chuyện "góp gạo thổi cơm chung" giữa các bên.
Tôi cũng tin, về kiến thức chuyên môn cũng như sự hiểu biết ở ta không thua nhiều nước khác. Ở ta, cũng có nhiều người cương quyết làm việc này tới cùng. Ngay cả tiền cũng không phải thiếu. Nhưng dường như nhiều nhà đầu tư đang thiếu sự kiên nhẫn. Đầu tư bất cứ cái gì cũng cần thời gian, nhưng nhiều nhà đầu tư không dành đủ thời gian cho việc đó nên thương hiệu Việt "khổng lồ" và quốc tế vẫn đang chờ là một giấc mơ.
Nhiều năm trước khi xem phim Hàn nhiều người chỉ tưởng họ làm chơi. Nhưng bây giờ làn sóng Halyun tràn sang khắp châu Á người ta mới ngỡ ngàng, kéo theo đó là rất nhiều ngành được hưởng lợi, từ du lịch, ẩm thực, thậm chí các sản phẩm công nghệ.... Còn ở ta, có bộ phim nào làm mà ca ngợi Phở và cốt truyện, diễn xuất đủ hay để xuất khẩu? Nếu chúng ta không biết yêu sản phẩm của mình thì làm sao bắt người khác yêu được. Đã đến lúc, tất cả các bên có liên quan cần ngồi lại và bắt tay làm từ những vấn đề cơ bản nhất: xác định sản phẩm chủ lực, xác định các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu và làm truyền thông một cách thực sự và chuyên nghiệp. Có thế, câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt mới có bước khởi sắc và để 20-30 năm nữa thương hiệu nông sản Việt mới được khẳng định, mang lại giá trị vững bền cho người nông dân Việt.
Trân trọng cảm ơn anh!
Kim Sen

Bình luận(0)