Đại tướng ghét nhất trên đời là sự giả dối

Google News

(Kiến Thức) - Theo bà Võ Hòa Bình, con gái thứ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên đời Người ghét nhất là sự giả dối. Ông luôn muốn các con sống chân thành và đúng với bản chất của mình.

Trong lần sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con gái Đại tướng là bà Võ Hòa Bình đã có những chia sẻ rất chân thành về ba mình với báo điện tử Kiến Thức.
Theo bà Bình, Đại tướng là người sinh hoạt rất điều độ. Ông làm việc rất nhiều nhưng luôn dành thời gian để tập luyện, thư giãn, giải trí. Những thú vui giải trí của ông là nghe nhạc, chụp ảnh, ngắm cây cối, chơi với các cháu... Các môn thể dục ông thường tập luyện là đi bộ, bơi thuyền và tập thiền.
Trong những lúc thư giãn, ông luôn giữ cho đầu óc hoàn toàn thư thái, không vướng bận những suy tư về công việc.
Trong khu vườn rộng thênh thang ở đường Hoàng Diệu, Đại tướng thích nhất cây long não. Ông hay tiếp khách và nói chuyện dưới tán cây. Ông cũng thích phong lan. Đó là những giò phong lan mà sau ngày giải phóng, các chiến sĩ trong Nam gửi ra tặng Đại tướng.
Bà Võ Hòa Bình, con gái thứ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  
Khi còn khỏe, những buổi chiều ông vừa tập thể dục vừa chăm sóc, tưới cây, tưới hoa. Chăm sóc cây vừa là thú vui, vừa là hình thức ông kết hợp tập thể dục.
Bà Võ Hòa Bình cho rằng bà rất may mắn khi không chỉ được sinh ra trong gia đình có bố là Đại tướng được bao người yêu quý, tôn trọng, mà còn may mắn vì có ba mẹ là những người luôn yêu thương, chia sẻ với nhau. “Trong những lúc êm đềm cũng như khi sóng gió, Ba Mẹ tôi khi nào cũng chia sẻ ngọt bùi, gian khó với nhau. Tất cả những thăng trầm trong cuộc đời đã gắn bó ông bà hai người như một. Nhìn hai ông bà quan tâm, chăm sóc nhau tôi thấy ba mẹ tôi thật may mắn. Ngay cả những khi ốm nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn nhắc bà chú ý tập luyện, giữ gìn sức khỏe”, bà Bình nói.
Con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chia sẻ, trên đời này Đại tướng ghét nhất là sự giả dối. Ông luôn nói với các con rằng sống phải trung thực, chân thành, không được giả dối, phải chăm chỉ, quan tâm đến mọi người. Sinh ra trong một gia đình có ba là một vị tướng lừng lẫy không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, bà Bình vẫn không cảm thấy bị áp lực quá lớn. Bởi vì theo bà, Ba Mẹ không hề yêu cầu các con phải cố đạt được những thành tích nổi bật. Ông bà chỉ muốn các con luôn cố gắng hoàn thành những việc đã nhận, thực hiện những lời đã hứa, sống chân thành và đúng với bản chất của mình.
“Tôi còn nhớ khi con gái tôi thi vào lớp 10, cháu làm bài thi không tốt, về nhà ngập ngừng mãi mới dám "báo cáo" với ông bà. Sau này cháu kể với tôi: Con nghĩ bụng sẽ bị một trận mắng to vì trong nhà chưa thấy ai thi trượt cả, nhưng ông nhìn con hiền từ và nói: "Con đừng lo, cứ chờ xem họ báo điểm thế nào, nếu thua keo này ta bày keo khác con ạ" rồi ông cười "Con biết không, hồi nhỏ ông đã có lần trượt không vào được Quốc Học, phải thi lại đấy" - Câu nói đã làm con bình tâm lại và con nghĩ mình sẽ cố học chăm hơn”, bà Bình kể.
Theo con gái của Đại tướng, trong gia đình, ông rất bận nên thời gian ông giành cho các con không được nhiều bằng mẹ. Ông cũng rất an tâm khi để vợ mình – một cô giáo – dạy bảo các con. Tuy nhiên, mỗi khi các con có sai phạm cần phải “rèn”, ông đều nghiêm khắc nhắc nhở. Khi dạy bảo các con, ông rất ít khi lớn tiếng, nhưng những gì ông nói ra vẫn rất dứt khoát. Khi con cái mắc lỗi gì, trước tiên ông thường hỏi cặn kẽ về sự việc, nguyên nhân và sau đó nếu thấy con biết nhận rõ khuyết điểm thì ông chỉ nói ngắn gọn: "Con đã thấy sai của mình, ba nghĩ là con sẽ không mắc lại sai lầm lần thứ hai".
“Ở Ba tôi có một chữ Nhẫn rất lớn, bởi ông luôn tin rằng cuối cùng thì chân lý cũng được làm sáng tỏ. Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điểm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy”, con gái Đại tướng chia sẻ.
Trong ký ức của bà Bình, ngoài những kỷ niệm về người cha kính yêu, bà cũng luôn nhớ những ngày tháng được gặp bác Hồ khi bác tới thăm nhà và làm việc với Ba bà. Sau khi làm việc với Ba tôi, trước khi ra về Bác kéo chúng tôi cùng ngồi trên bậc thềm, Bác hỏi han việc học hành và khen nếu chúng tôi có kết quả học tập tốt. Cuối cùng khi nào Bác cũng lấy một gói kẹo chia cho chúng tôi. Khi Ba mẹ tiễn Bác ra xe thì chúng tôi cũng bám theo tới tận cửa xe. Có lần ba tôi còn đánh đàn cho Bác Hồ nghe, tiếc là gia đình tôi đã không tìm cách ghi âm lại tiếng đàn của Ba, bởi vào thời gian đó, việc thu băng không phải dễ dàng.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)