"Chặt chém" khách du lịch như cơm bữa
Thời gian gần đây, tình trạng khách du lịch bị "chặt chém", đối xử tệ hại tại Hà Nội liên tục diễn ra. Vụ việc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn đã phải đi gặp gỡ xin lỗi bà Schultz Ilona Jane, du khách bị một xích lô Hà Nội "chặt chém" 1,3 triệu cho 5km đường chưa kịp lắng xuống thì đã xảy ra ngay vụ 3 khách người Pháp bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng khi họ vừa đặt chân đến thủ đô.
Mới đây nhất, ngày 15/5, báo chí đồng loạt đưa tin về việc "Khách Pháp choáng váng khi bị ném tiền bo vào mặt". Theo thông tin này, cô Emmanvelle Sénèchal cảm thấy “sốc” vì hành động khiếm nhã của một số người Việt. Khi cô tới Hà Nội và Huế luôn bị làm phiền bởi một đội quân xích lô, đặc biệt là ở Huế. Sau một chuyến tham quan, Sénèchal muốn được đi xích lô dạo mát. Sau chừng 20 phút ngồi trên xích lô, cô trả tiền và bo 20.000 VNĐ cho người lái.
Tuy nhiên, Sénèchal cho biết: “Không ngờ anh ta quăng tờ tiền vào mặt tôi và lẩm bẩm gì đó trong miệng khiến tôi sốc vô cùng. Sau này, tôi mới biết được, họ chê tiền bo ít nên mới có hành động như vậy”.
|
Tình trạng hàng rong làm phiền, lừa đảo khách du lịch tại phố cổ từng gây bức xúc suốt thời gian dài. (Ảnh VnExpress)
|
Trả lời Kiến Thức về tình trạng khách du lịch liên tục bị "chặt chém" như vậy có nên thành lập ngay lực lượng cảnh sát du lịch hay không, Phó giám đốc CA thành phố Hà Nội, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: "Cảnh sát du lịch là một ý tưởng hay. Chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất lên cấp trên. Nếu cấp trên cho phép chúng tôi sẽ thành lập lực lượng này".
"Cứ bất cập lại đẻ ra lực lượng thì chết dở"
Trao đổi với Kiến Thức, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng du khách bị chặt chém, gây mất trật tự an sinh xã hội là do khâu quản lý du lịch chưa tốt, người quản lý văn hóa, người đứng đầu địa phương làm chưa hết trách nhiệm, vai trò của mình. Do đó, việc thành lập cảnh sát du lịch có chăng chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể giải quyết được những bất cập hiện nay.
“Nếu công tác quản lý văn hóa, du lịch vẫn thế thì việc thành lập cảnh sát du lịch cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nếu khách du lịch gặp phải những rắc rối và không quay trở lại điểm điểm du lịch đó nữa thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Thể thao văn hóa và du lịch. Tốt nhất, ngành du lịch hãy nhìn thẳng vào mình, thấy chỗ nào bất cập thì phải sửa. Cứ bất cập lại đẻ ra ông cảnh sát thì chết dở. Nếu có ông cảnh sát du lịch thì ắt hẳn sau này cũng sẽ đẻ ra cảnh sát chợ à?”, tướng Cương phân tích.
Theo đó, ông Cương cho rằng, muốn khắc phục những bất cập của ngành du lịch hiện nay, trước hết phải có một cuộc giải phẫu ngành du lịch, phải thẳng thắn phân tích cái hay, cái dở ở đâu, do nguyên nhân nào và bất cập ở đâu. Từ đó phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để tìm ra biện pháp hay nhất mà không cần cảnh sát du lịch.
“Chắc chắn sẽ có biện pháp hay hơn để giải quyết những bất cập của ngành du lịch hiện nay mà không cần phải thành lập cảnh sát du lịch. Tuy nhiên, giải pháp này không thể ngồi không mà nghĩ ra được, cần phải có kết luận của cuộc phẫu thuật rồi những người làm công tác quản lý, kết hợp với nhau để tìm ra giải pháp hay nhất mà không cần cảnh sát du lịch”, ông Cương nói.