Đường Lâm trả danh hiệu: “Nếu là tôi, tôi cũng trả lại“

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, chuyện xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia ở Đường Lâm là chuyện tất yếu và "trước sau gì thì nó cũng xảy ra".

Người ta kêu ca là đúng rồi!

78 người dân Đường Lâm vừa ký vào đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích quốc gia, với tư cách Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ông đón nhận thông tin này thế nào?

Tôi không bất ngờ về chuyện này. Bởi tôi biết, trước sau gì thì nó cũng xảy ra.

Nghĩa là, đó là hệ quả tất yếu?

Chứ sao nữa! 

Một trong những nguyên nhân được người dân viết trong đơn là "không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình". Ông bình luận gì về điều này?

Người ta kêu ca thế là đúng rồi. Cần nhớ rằng, khi chưa là di sản văn hóa quốc gia thì đó là nhà tôi, tôi có quyền sử dụng, khai thác, tôi làm gì là tùy thích. Nhưng khi là di sản quốc gia rồi thì những quyền đó bị hạn chế tới mức tối đa. Việc khai thác, sửa chữa như thế nào phải phụ thuộc cơ quan có thẩm quyền, vào Luật Di sản và các văn bản dưới luật khác, rất rườm rà. 

Nhưng nếu cho xây dựng, sửa sang, cơi nới thì làm gì còn là di tích làng cổ nữa?

Hẳn nhiên là thế. Song vấn đề cốt lõi ở đây là không cho người ta xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhưng cũng không cả việc quy hoạch, không luôn việc đem lại quyền lợi cho người ta. Từ năm 2005 đến nay, quy hoạch không được triển khai. Trong khi đó, dân cư Đường Lâm tiếp tục được sinh ra, nhà của người ta chỉ có thế, nếu họ có sửa lại thì vi phạm Luật Di sản văn hóa. Tiền vé của du khách - như thừa nhận của lãnh đạo địa phương thì chỉ được trả cho chính quyền chứ không chia cho người dân. Ngót chục năm ròng như thế, dân Đường Lâm bức xúc cũng phải thôi.
Còn rất nhiều "Đường Lâm"

Với những gì ông vừa chỉ ra thì có vẻ, dân Đường Lâm bây giờ mới bức xúc như thế là... hiền quá!

(Cười) Nói hiền hay không thì cũng tùy quan điểm. Tôi được biết, đây cũng không phải là lần đầu tiên người dân ở đó bức xúc đâu.

Mới đây, sư trụ trì chùa Một Cột gửi "tối hậu thư" cho UBND TP Hà Nội về việc chùa bị dột nát, nếu các cấp chính quyền không sớm can thiệp thì tự nhà chùa sẽ đảo ngói toàn bộ chùa. Rồi trước đó là chuyện chùa Trăm Gian bị làm mới phá vỡ kiến trúc cổ... Những câu chuyện đó hẳn có sự liên quan?

Tất nhiên. Nó đặt ra vấn đề quản lý, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đáng tiếc là trong việc quản lý vẫn còn bị lệch pha nhiều quá!

Ông có thể cụ thể hơn?

Tôi có cảm tưởng ở ta hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc công nhận di tích mà không tính đến những việc phải làm song song với nó. Đó là vấn đề quy hoạch; là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với người dân trong khu di tích, đặc biệt khi chủ sở hữu di tích là cá nhân. Thế nên, sẽ không ngoa khi cho rằng còn rất nhiều Đường Lâm khác nữa cũng đang trong tình trạng quản lý, sử dụng tương tự. Thêm vào đó, khi công nhận di tích, người ta đã không quan tâm thấu đáo đến việc tuyên truyền cho người dân - chủ sở hữu di sản hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Đấy cũng là một lý do đẩy những mâu thuẫn, xung đột lên cao. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là chuyện hài hòa lợi ích kinh tế.

Tôi không tin là người quản lý không nhận ra những điều ông vừa phân tích?

Họ biết cả đấy.

Thế mà họ lại không làm?

Cái đấy thì phải hỏi họ thôi.

Sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh

Ở bên Hội của ông có bao giờ nhận được lá đơn nào tương tự như ở Đường Lâm vừa rồi?

Tôi chưa thấy.

Giả dụ là người tiếp nhận đơn như thế, ông thấy sao?

Tất nhiên là buồn chứ!

Ở nhiều nơi, người ta còn phải làm đơn để xin công nhận là di tích quốc gia, trong khi người Đường Lâm lại muốn trả lại danh hiệu ấy. Có vẻ "ở trong chăn mới biết chăn có rận"?

Lập luận đấy, theo tôi không phải là không có cơ sở.

Và vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Chẳng gì ngoài chuyện quản lý, quy hoạch, sử dụng di tích cả.

Ông có cho rằng, sau vụ việc người dân Đường Lâm làm đơn trả lại di tích, sẽ chẳng ai/địa phương nào còn dám mong về một danh hiệu Di tích quốc gia?

Tôi nghĩ không bi quan đến mức thế đâu!

Phải chăng, ông đang tin tưởng vụ việc ở Đường Lâm sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý?

Xét ở một khía cạnh nào đó thì đó đúng là một tiếng chuông cảnh tỉnh.

Và liệu người ta có quyền hy vọng vào một sự thay đổi sau tiếng chuông này?

Tôi nghĩ là chúng ta có quyền lạc quan.

Chưa làm tròn trách nhiệm với dân

Ở ta, như tôi biết có ít nhất 3 cơ quan, tổ chức có liên quan đến di sản: Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do Thủ tướng ký quyết định thành lập và Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Để những chuyện như Đường Lâm, chùa Một Cột... như thế thì các cơ quan, tổ chức này nằm ở đâu?

Nằm ở đây chứ còn nằm ở đâu (cười). Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ngoài Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm pháp lý trong việc cấp phép, quản lý thì Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chỉ có vai trò tư vấn thôi. Tuy nhiên, để những chuyện như thế này xảy ra, bản thân tôi với tư cách Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng thấy mình có một phần trách nhiệm khi chưa làm tròn vai trò của mình đối với người dân, với địa phương có các di tích.

Ông đã đến Đường Lâm rồi chứ?

Tất nhiên, tôi đến nhiều lần rồi.

Tôi tò mò nếu ông là người dân Đường Lâm, ông sẽ phản ứng thế nào?

Chắc chắn tôi cũng sẽ chọn cách mà người dân Đường Lâm vừa làm thôi.

Người dân Đường Lâm muốn trả lại di tích, liệu có được chấp nhận?

Không. Bởi trong Luật Di sản văn hóa không quy định cái này, chỉ mới nói đến việc xóa sổ di tích thôi.

Nghĩa là, người dân Đường Lâm không còn cách nào khác ngoài việc sống chung với di tích quốc gia mà họ đang muốn "gỡ bỏ"?

Đương nhiên. Nhưng vấn đề bây giờ phải làm sao để người dân Đường Lâm có một quỹ đất giãn dân chứ không thể để cả gia đình sống trong ngôi nhà cổ chật hẹp mà không được sửa sang gì. Đó là điều bất hợp lý. Tôi cũng xin đảm bảo rằng, Hội Di sản văn hóa của chúng tôi cũng sẽ vào cuộc để góp phần nào đó đẩy nhanh tiến trình này lên.

Xin cảm ơn ông và mong người dân Đường Lâm sẽ không còn phải xin tước bỏ chính cái danh hiệu mà không phải muốn có là được này.

"Bây giờ, việc quản lý văn hóa vẫn chỉ là những mệnh lệnh hành chính, vẫn chưa chú trọng vào việc hài hòa lợi ích giữa các bên. Do đó không thể tránh được những mâu thuẫn, xung đột. Các cơ quan quản lý cần phải làm hết trách nhiệm của mình, khi công nhận di tích thì phải có những quy hoạch đi kèm. Nếu đã làm hết trách nhiệm rồi mà người dân - chủ sở hữu di tích không tuân theo thì xử lý vẫn chưa muộn. Đằng này, cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm mà cứ đòi hỏi người dân phải thế này thế kia thì vô lý quá!".
PGS.TS Phạm Mai Hùng
    Vũ Thủy (Thực hiện)

    Bình luận(0)