Lứa tuổi trẻ tự đánh giá cao về mình
Tâm lý trẻ vị thành niên (TVTN) bất thường, thưa ông?
TVTN là lứa tuổi có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý. Nhìn hình dáng bên ngoài, trẻ giống như người lớn nhưng tâm lý thì vẫn còn rất trẻ con. Chính vì vậy, tự bên trong trẻ đã xảy ra sự mất cân bằng rất lớn: Có những biểu hiện thay đổi như ít hoặc không tâm sự, hỏi han cha mẹ, thích tách rời ra khỏi sinh hoạt chung của gia đình, thay đổi tính nết đột ngột, thích thổi phồng những khả năng của mình, có những suy nghĩ, lời nói theo kiểu "chỉ mình ta biết"...
Ở lứa tuổi này, chỉ cần một hành động nho nhỏ như: sự khinh khi, khích bác của bạn bè, sự lơ là của người thân cũng khiến các em có suy nghĩ lệch lạc dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ. Về chủ quan, ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" nhưng các em đang học, làm theo những suy nghĩ hành động của người lớn như: nghĩ về trách nhiệm của mình với cha mẹ, gia đình, trường lớp, bạn bè, lứa tuổi này cho đó là một điều lớn lao song không thực hiện được, gây chán nản, bế tắc.
Trường hợp học sinh T. lớp 9, trường THCS, quận Gò Vấp đã nhảy lầu tự tử, trước đó, T. viết 8 trang thư gửi mẹ, với nội dung khiến các bậc cha mẹ phải chạnh lòng suy nghĩ. Đó là những điều phải nhìn lại từ phía chúng ta.
Là nguyên nhân một phần từ người lớn?
Có thể thấy rõ những nguyên nhân sâu xa như gia đình ly tán, bất hòa, cha mẹ giận nhau, cãi vã, có gia đình bố thường xuyên đánh đập mẹ làm cho trẻ buồn chán, phẫn uất. Một bộ phận các em nảy sinh tư tưởng nổi loạn. Cũng có trường hợp trẻ nghĩ rằng, vì ba mẹ đẩy con vào tình cảnh như thế và muốn dùng cái chết để cảnh tỉnh.
Mặt khác, trẻ cảm thấy xã hội có những thay đổi, đạo đức bị đảo lộn, niềm tin bị mất, nên không biết sống để làm gì. Những trẻ này thường hướng nội, sống nội tâm, ít nói. Đôi khi chỉ cần bị cha mẹ, thầy cô la mắng, bạn bè chế giễu hay một nỗi oan không được giải, trẻ cảm thấy giá trị bản thân bị đánh giá thấp, mất danh dự nên tìm đến cái chết.
|
TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TPHCM. |
Những cái chết vô thức
Có những em tự tử chỉ vì muốn được mọi người biết đến?
Cũng có, nhưng những trường hợp này rất ít.
Vậy phổ biến là những dạng nào, thưa ông?
Hầu hết các em tự tử thường xuất hiện trong các gia đình quan hệ giữa bố mẹ bị rạn nứt, ly hôn, quan hệ giữa cha mẹ với con cái không gần gũi, gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Chính vì vậy, khi đối diện với những bất trắc, các em không có chỗ bấu víu, không tìm thấy một sự hỗ trợ về mặt tinh thần, trẻ càng tuyệt vọng hơn, không đủ sức làm chủ cảm xúc, làm chủ hành vi. Lúc này, các em rơi vào trạng thái hoảng loạn, vô thức, mất đi sự tỉnh táo, không xác định được ý nghĩa, tác hại hành vi của mình, hành động theo bản năng. Trong một phút nông nổi các em tìm đến cái chết như một giải pháp là nhào xuống sông, uống thuốc độc hay treo cổ, nhảy lầu...
Sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ có là một áp lực đối với trẻ không, thưa ông?
Đây là một áp lực lớn trong môi trường xã hội hiện nay. Không ai có thể trở thành thần đồng và cũng không ai giỏi hết mọi thứ. Chuyện học là chuyện đường dài, bậc học phổ thông cần kiến thức phổ thông, đừng biến con em mình thành gà chọi, thành người xuất chúng. Nên tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu vừa có được sự ngây thơ của trẻ em, vừa học tập tư duy của người lớn.
Đồng thời, có thời gian để trẻ được trải nghiệm cuộc sống. Chính sự hồn nhiên đó mới tạo ra tinh thần lành mạnh. Còn áp lực sẽ tạo cho trẻ ích kỷ, ma mãnh để đối phó với những áp lực đó.
Cái nôi gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất
Một ngày trẻ có tới 2/3 thời gian ở trường, nhưng gia đình vẫn quan trọng nhất đối với trẻ?
Đúng vậy, dù đi đâu, làm gì thì cũng trở về với gia đình. Ở trường có các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và mọi chuyện ngoài cuộc sống. Khi về với gia đình trẻ nhận được tình yêu thương chia sẻ thì các em sẽ được giải tỏa, cân bằng về mặt cảm xúc, trẻ luôn thấy mình có một chỗ dựa vững chắc. Bạn hãy để công việc lại cơ quan, để những bực dọc lại ngoài đường, xây dựng ngôi nhà là nơi trú ngụ yêu thương thì mới có được bầu không khí lành mạnh giúp cho mình và các con được gần gũi nhau, thấu hiểu nhau hơn.
Có quá khó để người lớn hiểu được các em, như những người bạn để các em có thể sẻ chia?
Không quá khó nếu như cha mẹ, thầy cô thực sự quan tâm tới trẻ. Phụ huynh có thể chủ động tìm kiếm các phương pháp ứng xử với con bằng nhiều cách. Tôi cho rằng, nếu thiện chí, chủ động thì hoàn toàn học được cách làm cha, làm mẹ. Ở phương Tây có lớp học dành cho các bậc cha mẹ, Việt Nam cũng có, nhưng sự quan tâm của các bậc cha mẹ tới các lớp này chưa cao. Có lẽ người lớn phải biết học cách để giúp giảm bớt những bi kịch đến với con trẻ...
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Cần những nghiên cứu thiết thực
Trong các trường phổ thông, nên có các môn học dạy cho trẻ có những kỹ năng tự mình vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Làm sao để có cách hỗ trợ các em, đặc biệt là gia đình, thầy cô, có thể quan tâm hơn tới hành vi, cách ứng xử của con em mình đề phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường vì thường trước khi có ý định tự tử, trẻ sẽ có những dấu hiệu bất thường như tự nhiên chăm chỉ, ngoan hơn thường ngày, quan tâm tới mẹ hơn...
TS Đinh Phương Duy