Chưa thể xác định rết “khổng lồ” biến đổi gen

Google News

(Kiến Thức) - Gần đây, tại Hà Nội, Lào Cai... người dân bắt được những con rết bò vào nhà với hình dáng “khổng lồ”, dài đến 20 – 25cm. Nhiều người cho rằng đây là rết biến đổi gen có thể gây nguy hiểm cho con người. 

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện không có bất kỳ thông tin khoa học nào về các loài rết biến đổi gen. ThS Nguyễn Đức Anh, Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật cho rằng, các ghi nhận thời gian qua về rết lớn chỉ là những ghi nhận rải rác, không có quy luật. 

Giải thích kỹ hơn về vấn đề rết bò vào nhà khá nhiều trong thời gian này, TS Phạm Đình Trọng, nguyên cán bộ Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho rằng, rết ưa sống nơi ít ánh sáng, có mùn rác mục với độ ẩm cao như dưới thảm cây, lá ẩm mục, gầm giường, khe tủ - nơi ít được quét dọn hoặc mái nhà dột nát lâu ngày. Những bất thường về thời tiết như mưa ẩm, sẽ là điều kiện tốt để rết sinh trưởng, phát triển, số lượng tăng nhanh hơn nên con người dễ gặp chúng hơn. Vì là loài ăn thịt nên trong môi trường thuận lợi, nguồn thức ăn của rết (côn trùng, giun đất...) cũng phong phú. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới có một số loài rết có kích thước lớn. Theo TS Phạm Định Trọng, có thể thống kê được 10 loài trong đó có loài rết khổng lồ thế giới (Scolopendra gigantea) phân bố ở chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Tây của Nam Mỹ. Độ dài cơ thể của chúng đạt tới 42cm hoặc một loài khổng lồ khác (Scolopendra galapagoensis) phân bố ở vùng quần đảo Galapagos và lân cận có chiều dài đạt đến 44 - 46cm. Chúng có từ 21 tới 23 cặp chân giúp di chuyển một cách nhanh chóng. Rết khổng lồ có thân mình có màu đồng, đỏ hoặc màu hạt dẻ và các cặp chân màu vàng.

Nước ta hiện có 2 loài rết được đề cập đến, đó là rết rừng (Scolopendra morsitans) và rết khổng lồ Việt Nam (Scolopendra subspinipes Vietnamese) chủ yếu nằm ở vùng biên giới của Việt Nam. Loài rết rừng dài gần 20cm, có đầu dài, lưng đen, chân, bụng đỏ vàng.

Những con rết kích thước lớn như trường hợp người dân gặp vừa qua có thế thuộc về loài rết khổng lồ Việt Nam. “Những con rết kích thước lớn có liên quan đến môi trường, dinh dưỡng thuận lợi nhiều hơn chứ không phải là biến đổi gen. Tuy nhiên, do không có mẫu vật nên cũng không thể xác định chính xác chúng thuộc loài nào”, TS Phạm Định Trọng cho hay. 

ThS Nguyễn Đức Anh cũng đồng tính ý kiến, hiện nay ở Việt Nam, rết có kích thước lớn thuộc về 2 loài Scolopendra morsitans và Scolopendra subspinipes, với chiều dài khoảng 20cm. Hai loài này đều phân bố rộng ở khu vực Đông Nam Á. Và hiện không có bất kỳ thông tin khoa học nào về các loài rết biến đổi gen.

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Hà Trang

Bình luận(0)