Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng mới đây có quy định về việc mua tin tố cáo tham nhũng với mức chi trả cao nhất là 10 triệu đồng. Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xung quanh vấn đề này.
Lực lượng tham nhũng đang áp đảo?
- Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có quy định về việc mua tin tố cáo tham nhũng với mức chi trả cao nhất là 10 triệu đồng. Mọi tổ chức, cá nhân nếu có thông tin về hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có thể bán tin cho Ban Nội chính tỉnh này. Tùy theo tính chất vụ việc, chất lượng thông tin, tài liệu mà mỗi tin sẽ được mua với mức từ 500.000 - 10 triệu đồng. Nếu tin không đạt yêu cầu, không được duyệt mua, Ban sẽ thông báo và hoàn trả các tài liệu, hồ sơ cho người bán. Rõ ràng chúng ta đang dần tiến tới quần chúng hóa công tác phòng chống tham nhũng?
- Tôi có theo dõi và tìm hiểu về vấn đề này. Theo tôi, giải pháp này không khả thi, thậm chí có thể phát sinh nhiều tiêu cực khác.
- Căn cứ vào đâu mà ông khẳng định vậy?
- Việc trả giá cho từng tin thế nào, đánh giá tầm quan trọng của từng tin ra sao để có mức giá phù hợp, ngân sách nào để chi trả cho những tin đó. Rất có thể mua tin 1 đồng, nhưng khi thanh quyết toán thì lại “vống” lên đến 4 - 5 đồng, thế là nảy sinh thêm tiêu cực trong chính cơ quan chống tiêu cực. Quản lý như thế nào, ai bảo vệ bí mật nguồn tin, ai bảo vệ người cung cấp tin? Ai giám sát nguồn tài chính chi cho việc đó? Thông tin nào được 10 triệu đồng, thông tin nào được 500.000đ, hoàn toàn chỉ là cảm tính.
|
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
- Nhưng đây là một giải pháp có thể phát huy được nguồn tin từ quần chúng?
- Trước đến nay ta vẫn có kênh này. Nhưng công tác chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao như mong muốn là vì lực lượng chống tham nhũng chưa được huy động tối đa, chưa được tổ chức thành một lực lượng thống nhất trong toàn quốc. Bởi tương quan lực lượng giữa chống tham nhũng và tham nhũng thì thế mạnh luôn nghiêng về những người tham nhũng. Họ có quyền hành, có thế lực, có sự cấu kết với nhau, nên sức mạnh rất ghê gớm. Trong khi đó, lực lượng chống tham nhũng dù có đông nhưng thế mạnh lại không nhiều, tiếng nói ít có trọng lượng. Tương quan lực lượng như vậy, nên muốn chống được tham nhũng thì phải liên kết được sức mạnh của số đông, nếu lẻ tẻ tự phát thì không thể làm được.
- Vậy mấu chốt để chống được tham nhũng, theo ông là ai? Nông dân, công nhân hay cán bộ, lãnh đạo...?
- Sự vào cuộc quyết liệt của báo chí là một kênh quan trọng, nhưng ở những vị trí liên quan trực tiếp đến tiền, đến giấy tờ sổ sách như kế toán, thủ quỹ của tất cả các tập đoàn, tổng công ty, cơ quan nhà nước phải là những vị trí đầu tiên. Họ nắm giữ các con số, mà nếu họ không làm sai thì chắc chắn không thể tham nhũng được. Tôi biết có những kế toán viên tố cáo lãnh đạo nên bị trù dập suốt cả hàng chục năm trời. Tham nhũng nào cũng liên quan đến tiền. Tiền liên quan đến kế toán. Nên muốn chống tham nhũng, hãy bắt đầu từ những vị trí “tay hòm chìa khóa” này chứ không phải là hình thức mua tin tham nhũng kia. Rồi các vị lãnh đạo làm gương như thế nào, chống tham nhũng có tích cực hay không.
- Nói như ông thì rõ ràng chúng ta chưa huy động hết các lực lượng có thể phòng chống tham nhũng?
- Chúng ta chưa huy động được đầy đủ các lực lượng tham gia vào phòng chống tham nhũng, chưa tổ chức được thành một hệ thống, chưa đủ mạnh. Trong khi lực lượng tham nhũng lại nhiều mánh khóe, thủ đoạn, kín kẽ, thế lực, cấu kết với nhau bằng chức quyền, họ mạnh lắm.
Nhăm nhăm bán tin thì hỏng!
- Một trong những yếu tố phá án ở Vinalines và Vinashin cũng là do mua tin, rõ ràng việc mua tin cũng có tác dụng?
- Điều đó đúng, ở góc độ nào đó nó cũng có tác dụng, thế nhưng tôi vẫn cho rằng nếu muốn thì người ta có rất nhiều kênh để làm, chứ không riêng gì việc mua tin. Nếu làm thực sự trung thực, khách quan thì chắc chắn sẽ tìm ra ngay. Với chức năng quản lý nhà nước, họ có quyền kiểm tra bất cứ sổ sách nào. Chỉ cần lục tìm là sẽ ra, cần gì phải mua. Tất cả đều nằm trong sổ sách cả, chẳng qua là không dám phanh phui thôi. Dù người tham nhũng có nhiều thủ đoạn thì người ta vẫn có thể tìm thấy ngay.
- Vậy là ông vẫn giữ quan điểm giải pháp mua tin chống tham nhũng khó có hiệu quả?
- Tôi nghĩ việc đưa ra số tiền để mua tin đó không khuyến khích người ta tố giác tham nhũng. Vì người tố giác tham nhũng vì vài đồng tiền đó thì lại là bỏ đi rồi. Chỉ nhăm nhăm bán thông tin này thông tin kia để kiếm dăm ba triệu thì đã không phải là chống tham nhũng rồi. Mà chống tham nhũng như thế thì hỏng. Những người tích cực phòng chống tham nhũng là bởi họ tâm huyết, họ muốn nhà nước này trong sạch chứ không nhắm đến vài đồng bạc kia.
- Rõ ràng người bán tin tham nhũng phải đối mặt với những rủi ro, mà đôi khi cái giá phải trả là sự trù dập lại cao hơn rất nhiều?
- Đúng là thế, việc mà bại lộ thì người cung cấp tin điêu đứng lắm. Nhiều khi tin tham nhũng đến tai người bị tố cáo thì nguy hiểm lắm. Nên cách mua thế nào cũng rất phải cẩn trọng.
- Nhiều người cho rằng chỉ cần trích một vài phần trăm số tiền tham nhũng dành cho người chống tham nhũng thì đã hiệu quả lắm rồi?
- Không thể đặt tiền là động lực để tham nhũng. Cơ chế của ta cũng đã có trích lại phần trăm thu hồi được cho người tố cáo tham nhũng, thế nhưng áp dụng như thế nào, có khuyến khích người ta chống tham nhũng không hay lại nảy sinh những tiêu cực khác? Nên mấu chốt không phải là tiền. Tôi đã làm ở các tổng công ty tôi biết, gian dối đầu tiên phải là kế toán. Thủ trưởng có muốn gian dối mà kế toán không muốn thì không thể gian dối được. Luật kế toán có từ lâu nhưng có mấy khi người ta sử dụng đến đâu.
- Nghĩa là chỉ cần chống tham nhũng mạnh ở những vị trí liên quan trực tiếp đến quản lý tiền?
Đó là mấu chốt quan trọng mà lâu nay chúng ta bỏ quên.
Có người chết đi sống lại vì tố cáo tham nhũng
- Việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng của chúng ta chưa tốt, vì thế mà nhiều người dù có biết thông tin cũng không muốn nói vì sợ thiệt thân, ông có nghĩ thế?
- Trước đây tôi còn làm thì tôi thấy, có một cô kế toán ở một công ty nhỏ thôi, tố cáo sai phạm của giám đốc. Sau đó thì vị giám đốc này trù dập đến nỗi cô này “chết đi sống lại” hàng chục năm trời, không thể nào khá lên được. Hàng chục năm sống vật vờ không có việc làm.
- Phải làm sao bảo vệ cho người cung cấp thông tin, chứ không phải chi tiền để mua thông tin đó là xong. Tôi nghĩ nó không có kết quả gì nhiều đâu.
- Thực tế có nhiều vụ việc chúng ta nhìn thấy, người tố cáo chịu biết bao nhiêu là khốn khổ. Gần đây nhất là vụ chị Nguyệt ở Bệnh viện Hoài Đức, sau tố cáo thì được khen thưởng một tí, nhưng rồi công việc bị ảnh hưởng, không nơi nào dám nhận người đó làm việc nữa. Rồi thầy Đỗ Việt Khoa sau khi tố cáo thì gần như là bị mất việc, bị trù dập đến khốn khổ. Rồi ông tố cáo rừng Tánh Linh cũng thế, gia đình con cái bị ảnh hưởng, trù dập... Ai bảo vệ cho những người đó, điều đó mới là quan trọng, chứ không phải là dăm ba đồng mua tin. Cơ chế nào để bảo vệ khuyến khích người ta chống tham nhũng?
- Nói như ông thì rõ ràng ta chưa có giải pháp tốt để chống tham nhũng?
- Trước đây chúng ta chống tham nhũng từ dưới lên nhưng không có hiệu quả. Sau đó nhận ra sai lầm thì chúng ta chuyển sang chống từ trên xuống. Nhưng “ở trên” đã chống được tốt chưa? Đã có ai bị xử lý nặng nề vì tham nhũng chưa? Nếu có thì chắc hẳn người ở dưới cũng không dám.
- Xin cảm ơn ông!
Người dân có thể cung cấp thông tin cho Ban Nội chính Lâm Đồng qua nhiều kênh. Thông tin cung cấp được thể hiện bằng các hình thức như: lời nói, văn bản, file ghi âm, ghi hình. Người bán tin có thể trực tiếp cung cấp thông tin tại Ban Nội chính hoặc cung cấp gián tiếp thông qua điện thoại (0633.826379), fax (0633.820379), bưu chính, hộp thư điện tử và các hình thức gián tiếp khác…