"Rượu, bia là đầu câu chuyện"
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h là không thực tế và khó khả thi. Còn ông?
Trước hết, phải thừa nhận rằng hạn chế rượu, bia là một việc nên làm vì nó không chỉ đảm bảo về mặt sức khoẻ mà còn liên quan đến trật tự kỷ cương xã hội, an toàn giao thông. Ở ta không phải bây giờ mới đề cập đến chuyện này, song trước đây nó chỉ ở dạng quy định, nay tiến tới ban hành luật thì sẽ luật hóa những quy định đó, buộc người dân tuân thủ. Đó là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tôi e rằng tính khả thi của luật này, cụ thể là quy định cấm bán rượu, bia sau 22h sẽ chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Vì sao, thưa ông?
Thứ nhất, phải chỉ rõ ai là người giám sát việc uống rượu, bia, có đủ cán bộ thực hiện việc này không? Thứ hai, hiện nay địa điểm bán rượu, bia rất tràn lan, có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu. Chúng ta có kiểm soát nổi không? Thứ ba là lâu nay, tâm lý coi "rượu, bia là đầu câu chuyện" trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên rồi, xóa bỏ nó là chuyện không dễ dàng. Từ những lý do đó, tôi nghĩ thật khó để triển khai quy định ấy trong thực tế.
|
PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nói về quy định cấm bán rượu, bia sau 22h. |
Chỉ để làm tròn vai
Để đưa ra quy định này, đại diện Bộ Y tế cho rằng, Bộ đã tham khảo các nước trên thế giới và thấy họ thành công khi cấm bán rượu, bia trong khoảng thời gian nhất định!
Tôi cũng có dịp đi nhiều nước và thấy đúng là họ có quy định về thời gian bán rượu bia. Tuy nhiên, đó là chuyện của nước ngoài, không thể áp dụng máy móc ở Việt Nam.
Cái hay, cái tốt của họ khiến chúng ta phải học hỏi là điều đương nhiên chứ nhỉ?
Nhưng không phải cái gì nước ngoài làm được thì ta cũng làm được.
Ông đang đánh giá thấp người Việt?
Không phải. Mà thực tế thì người Việt chưa có thói quen sống theo hiến pháp và pháp luật. Cứ nhìn vào việc thực hiện các luật sẽ thấy, người ta lách luật, phạm luật đầy ra đấy. Ngay như cái quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng có mấy người bị xử phạt đâu, có thể trong hành lang bệnh viện người ta không hút mà lại hút ở cổng bệnh viện đấy thôi. Thứ hai, chế tài về mặt pháp lý của chúng ta chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Thứ ba là nhận thức của người dân về sức khoẻ vẫn chưa rõ ràng, vậy nên Việt Nam mới nằm trong nhóm các nước tiêu thụ bia, rượu mạnh nhất thế giới. Thực tế đó khiến người ta có muốn lạc quan cũng khó khi thực hiện quy định cấm bán rượu, bia từ 22h.
Nhưng hẳn là khi đưa ra quy định này, Bộ Y tế cũng phải nghiên cứu để quy định sẽ mang tính khả thi chứ?
Có thể họ nghiên cứu đến tính khả thi, nhưng với tư cách một người làm công tác nghiên cứu về đời sống xã hội - văn hóa, tôi không tin. Bộ Y tế đưa ra những quy định để hạn chế rượu bia trong dự thảo luật này cho thấy Bộ chỉ chăm chăm lo làm tròn vai của mình mà không tính tới các yếu tố khác như văn hóa, nếp sinh hoạt chẳng hạn.
Đó đâu phải là phần việc của họ?
Đấy, vậy mới đẻ ra những quy định mà khi ban hành thì chẳng áp dụng được, như cái việc cấm bán rượu, bia sau 22h này chắc chắn không khả thi nổi đâu vì người ta không tính được rằng rượu bia đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày. Cái dở là bây giờ, khi ban hành văn bản quy định nào đó, người ta chỉ chăm chăm làm tròn trách nhiệm của mình theo kiểu tôi cứ ban hành ra thế đấy để khi họp Quốc hội thì còn có cái báo cáo đại biểu và cử tri, còn khả thi hay không là việc của xã hội.
Đừng mơ cải thiện văn hóa, nếu...
Tôi cũng đồng tình với ông là rượu, bia bây giờ tràn lan quá, đi đâu cũng thấy ăn nhậu, thậm chí nhậu còn để giải quyết công việc làm ăn. Thế nhưng, không thể vì thế mà chúng ta không đưa ra biện pháp hạn chế nó, như cái việc quy định thời gian bán rượu, bia chẳng hạn.
Tôi không phủ nhận cái tốt của quy định thời gian bán rượu, bia. Thế nhưng, nếu gọi là nhằm hạn chế rượu, bia thực sự thì tại sao không cấm bán rượu, bia, cấm nhậu trong khoảng thời gian từ 17 - 21h, đó mới là thời gian người ta ăn nhậu nhiều nhất chứ.
Đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h đã khiến những người kinh doanh dịch vụ ăn uống phản đối vì ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ, giờ quy định như ông thì thật khó lường được phản ứng trong dân chúng?
Đó là sự xung đột lợi ích một cách đáng yêu, khi mà sự ham muốn về một xã hội trong lành, người dân được đảm bảo sức khoẻ, hạn chế đáng kể tai nạn giao thông lại xung đột với vấn đề quyền lợi, thu nhập... Đúng là bây giờ, nguồn thu từ rượu, bia cũng chúng ta không nhỏ đâu, thế thì có dám cắt đứt quyền lợi ấy không? Tôi e là không.
Như vậy thì rõ ràng, Bộ Y tế đưa ra quy định này để hạn chế bớt ảnh hưởng tới nguồn thu mà vẫn phần nào hạn chế rượu, bia đấy chứ?
Tôi nghĩ quy định này chỉ nên áp dụng được ở các nhà hàng, khách sạn, trung tâm ăn uống chứ không thể áp dụng đại trà trên cả nước, vì thực tế thì ở mình bây giờ quán cóc liêu xiêu nhiều lắm, trong khi chưa kiểm soát nổi. Nghĩa là, cần có sự quy hoạch cụ thể để kiểm soát. Nhưng hạn chế rượu, bia không phải chỉ nằm ở quy định thời gian mua bán nó đâu.
Vấn đề còn nằm ở đâu nữa?
Đó là phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của nó, cách làm như chúng ta đang tuyên truyền về tác hại của thuốc lá chắc chắn sẽ có tác dụng. Thứ hai là tăng khung chế tài hình phạt để có tính chất răn đe. Thứ ba là phải đánh thuế rất cao, nâng giá bán rượu, bia để hạn chế bớt khả năng tiêu thụ của người ta. Thứ tư là phải kiểm soát được các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, bia. Thứ năm, chính những người làm lãnh đạo quản lý, cán bộ công chức phải làm gương cho xã hội.
Theo ông, hạn chế rượu, bia có khiến cho văn hóa của người Việt tốt hơn không?
Ít nhiều nó có tác dụng đấy. Nhưng nên nhớ, cặp vợ chồng không rượu, bia, không thuốc lá không có nghĩa họ sẽ sống đầm ấm bên nhau, bởi nó còn có chuyện thu nhập, con cái ốm đau... Khi mà xã hội vẫn còn lộn xộn, tùy tiện, chưa thiết lập được kỷ cương, ở đâu đó cán bộ chưa gương mẫu, vi phạm pháp luật tràn lan thì đừng mơ đến chuyện cải thiện văn hóa người Việt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bên cạnh quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia còn quy định các trường hợp không được uống rượu, bia gồm: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người tham gia giao thông; cấm uống trong thời gian làm việc, nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
Dự thảo cũng quy định người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ, 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và 1/2 đơn vị rượu/giờ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ. 1 đơn vị rượu tương đương 2/3 chai bia 550ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330ml, một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40 - 43%.