Bất lực trước những tội ác rợn người từ axít?

Google News

Những vụ án mạng thương tâm từ axit vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua  buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Mua axít dễ dàng như mua một lọ cồn sát trùng đến như vậy sao?

Những vụ án mạng thương tâm từ axit vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua  buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Mua axít dễ dàng như mua một lọ cồn sát trùng đến như vậy sao? Cơ quan chức năng đã “bất lực” trước thị trường mua - bán axít bát nháo như hiện nay? Và đến bao giờ axít, thứ “hung khí nguy hiểm” sẽ không còn “lọt lưới”?...     
 
Axít: Ai cũng có thể mua? Ảnh: Internet

Axít: Ai cũng có thể mua

Ai cũng biết hậu quả do axít mang lại rất khủng khiếp, buộc nạn nhân của “đòn thù” oan nghiệt này phải sống trong sự đau khổ tột cùng với những vết thương dị dạng hằn sâu trên cơ thể không bao giờ lành, những nỗi đau tinh thần phải mang suốt quãng đời còn lại. Song điều cần bàn là dù nằm trong danh sách các hóa chất nguy hiểm phải quản lý, song qua khảo sát cho thấy axít là loại hóa chất dễ thấy, dễ tìm, dễ mua. Việc mua - bán axít cũng đơn giản như việc người ta đi mua một lọ cồn sát trùng. Thậm chí chỉ cần một cú click chuột. Axít đủ chủng loại từ nặng đến nhẹ đều được bán qua mạng Internet, chuyển tiền và giao hàng trực tiếp, số lượng bao nhiêu cũng có.

Thủ công và mất công hơn, có thể ra bất kỳ một cửa hàng sửa chữa xe máy nào hay cơ sở sặc bình áp-quy hỏi mua là được đáp ứng đầu đủ. Chỉ cỡ trên dưới 100.000 đồng/lít axít sunfuric (H2SO4) đậm đặc đến 98%; những loại axít đã qua sử dụng được “chiết” từ những bình áp-quy cũ có giá rẻ mạt từ 10.000-20.000 đồng/lít. Ngoài ra, những cửa hàng hóa chất tư nhân cũng sẵn có những loại axít dùng trong các ngành công nghiệp, hay những axít tinh khiết dùng trong phân tích, thí nghiệm hóa học cũng dễ mua với đầy đủ chủng loại, xuất xứ từ Trung Quốc, châu Âu có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, giảng viên khoa Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, do tính chất ô-xy hóa mạnh, nên người ta khuyến cáo cần phải cẩn trọng khi sử dụng axít. Khi tác động lên cơ thể người, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... theo cơ chế đông vón protein của cơ thể gây hoại tử từ ngoài vào trong. Bỏng axít tùy từng cấp độ đều gây tổn hại đến sức khỏe và để lại di chứng đến suốt đời.

Còn các y, bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc và điều trị cho những bệnh nhân bị bỏng axít, họ thường có tâm lý chán nản, rất nhiều người trong số họ mặc cảm và muốn kết thúc sự sống... Bỏng axít để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là bỏng sâu trên khuôn mặt vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ.. Thực tế câu chuyện những phận người trở thành nạn nhân của axít phải sống cuộc đời mặc cảm, ám ảnh về nỗi đau đeo đẳng đến hết cuộc đời.

Đã từng bị dư luận lẫn báo giới lên án, nhưng gần đây, các vụ án dùng axít để hãm hại người khác lại có dấu hiệu gia tăng trở lại về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nạn nhân của những vụ tạt axít có thể là bất cứ ai và xảy ra bất cứ nơi nào…

 Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7/2013, hàng loạt những vụ án liên quan đến axít xảy ra khiến dư luận bàng hoàng.
Án mạng mang tên…  axít


Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7/2013, hàng loạt những vụ án liên quan đến axít xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. Ở Hà Nội, có lẽ nhiều người đều biết câu chuyện xảy ra ngày 1-6 với anh Nguyễn Văn Chỉnh khi đang đứng chờ xe buýt đối diện với số nhà 126 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ bị một người phụ nữ cầm xô đựng axít lao tới hất thẳng vào người. Anh Chỉnh bị bỏng toàn bộ nửa vùng mặt trái, loang sâu xuống cổ, ngực, lưng và hông. Và kẻ thủ ác không ai khác chính là Trần Thị Hiệp, người vợ đang làm thủ tục ly hôn với anh Chỉnh...

 Ở TP.HCM, ngày 9/6, một vụ tạt axít đã xảy ra tại một ngôi nhà ở đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quân Bình Tân. Nạn nhân là chị Võ Thị Ngoan. Theo những người chứng kiến vụ việc kể lại, bắt đầu từ những tiếng cãi nhau qua lại giữa 2 vợ chồng chị Ngoan, tiếp đến là tiếng chị Ngoan kêu cứu rồi chạy ra khỏi nhà, cùng lúc đó chồng chị Ngoan cầm chiếc can loại 5 lít có chứa axít bên trong tạt vào người vợ…

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, một vụ việc tương tự cũng xảy ra, ngày 4/7, khoa Bỏng của bệnh viện tiếp nhận điều trị một nam thanh niên bị dội axít. Bệnh nhân là Phạm Vũ Bảo (SN 1994), ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được chuyển đến trong tình trạng bỏng nặng mắt trái, mặt và loang lổ những vết thương nhiều phần trên cơ thể do sự tàn phá của axít. Sự việc xảy ra là do cú “đòn thù” bằng axít của đối tượng Nguyễn Văn Việt (SN 1987).

Dưới góc nhìn bạn đọc, pháp luật

Ngày 28-6 vừa qua, sau nhiều lần chuyển viện và hơn 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hậu (50 tuổi) đã tử vong sau khi bị một đối tượng bịt mặt xông vào phòng trọ của chị tạt axít khắp người khiến chị bị bỏng nặng, sâu với tỉ lệ 18% diện tích cơ thể, bỏng kết giác mạc 2 mắt… Nhiều bạn đọc phẫn nộ khi sinh mạng của chị Hậu bị cướp đi đã đặt câu hỏi: “Tại sao có thể mua - bán tự do dung dịch giết người này?”, đề nghị cơ quan chức năng đưa danh sách axít vào hàng cấm mua bán thông thường…

 Theo quy định hiện hành, chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được cấp giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất, điều đó để thấy những cửa hàng nhỏ, lẻ buôn bán hóa chất công nghiệp có tính độc hại như axít đều kinh doanh không phép. Thế nhưng thực tế việc mua - bán axít dễ dàng, thoải mái, công khai. Thị trường có thể đáp ứng mọi nhu cầu mà “ẩn số” xấu nhất có thể xảy ra là các đối tượng biến axít trở thành thứ “vũ khí” nguy hiểm, có tính sát thương cao trong các vụ tấn công, hành hung. Trong những trường hợp như vậy chủ thể cung cấp axít cũng là những đối tượng gián tiếp gây ra các vụ án.

Về phía kẻ thủ ác, luật pháp cũng có những quy định hết sức rõ ràng, theo luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì việc dùng axít để giải quyết mâu thuẫn ngày càng trở nên phổ biến có thể nói là do xuất phát từ việc thiếu những quy định pháp lý thích hợp đối với loại tội phạm này.

Từ thực tiễn nhìn nhận, không ít những vấn đề cần đặt nếu muốn điều chỉnh tận gốc để “hung khí nguy hiểm” không còn “lọt lưới”, đầu tiên đó là truy nguyên đến cùng, việc trục lợi từ việc bán axít đã tiếp tay cho những hành vi phạm tội. Rất nhiều vụ án đối tượng sử dụng axít gây thương tích cho người khác đã phại chịu hình phạt trước pháp luật, nhưng những đối tượng cung cấp axít thì dường như vẫn ngoài vòng pháp luật. Cần phải truy đến cùng, và xem xét trách nhiệm hình sự cả những đối tượng cung cấp axít trái quy định. Tiếp đến là cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng trong việc quản lý, sản xuất hóa chất nói chung và axít nói riêng để thiết lập lại trật tự cho một thị trường bát nháo tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho con người - khách thể mà pháp luật bảo vệ.

Để ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến axít, có ý kiến của luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần thay đổi, bổ sung luật như Luật ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít…
Theo An ninh Thủ đô

Bình luận(0)