Theo thống kê ban đầu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 8/8, bão số 6 đã làm 1 người chết tại Hải Phòng và 3 người mất tích tại Hà Tĩnh.
Ở Hải Phòng, em Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1997) khi đi chơi sát mép kè ven biển Đồ Sơn bị sóng cuốn trôi vào lúc 16h30 ngày 7/8. Hiện thi thể em Sơn đã được tìm thấy.
Ở Hà Tĩnh, gặp nạn do bão số 6, thuyền cá mang số HT 00075 cũng đang bị mất tích, trên tàu có 3 người hiện vẫn chưa liên lạc được.
|
Em Phạm Thanh Sơn bị sóng cuốn trôi chiều 7/8.
|
Cũng theo báo cáo từ các địa phương, bão số 6 còn làm hỏng 5 phương tiện ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng cùng 39 người gặp nạn trên biển.
Thanh Hóa: Thiệt hại tới 167 tỷ đồng
Theo thống kê từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Thanh Hóa, tại đây có 753 ngôi nhà bị tốc mái; 14 ngôi nhà bị sập; 7.000 ha cây lương thực hoa màu như: lúa, ngô, mía… hư hỏng giảm năng suất; 5,5ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ; 43.000 cây cao su và loại cây khác bị gãy đổ.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều đoạn đê, kè chắn sóng bị sạt lở, hơn 1.000 ha nuôi ngao của người dân ở các xã ven biển có nguy cơ mất trắng.
|
Thiệt hại do bão số 6 ở Thanh Hóa lên tới 167 tỷ đồng.
|
Bão cũng làm đứt hàng ngàn mét dây diện tại tỉnh Thanh Hóa gây mất điện trên diện rộng. Ước tính thiệt hại do bão số 6 gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 167 tỷ đồng.
Nam Định: Ước tính thiệt hại 64 tỷ đồng
Tại Nam Định, bão số 6 đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh, làm hư hại hệ thống đê kè, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu… ước tính thiệt hại khoảng 64 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Thủy, Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định cho biết: Mưa bão đã làm hư hỏng cục bộ nhiều mái đê, mái kè và các kè sông trong tỉnh. Chỉ riêng hạ tầng hai khu du lịch Quất Lâm và Thịnh Long bị thiệt hại gần 31 tỷ đồng: kè bãi tắm Quất Lâm bị sập 170m (sập mái kè, tường chắn sóng và đường bê tông ven kè); hơn 170 ki ốt, hàng quán tại hai khu du lịch này bị tốc mái.
Bão số 6 còn làm Nam Định thiệt hại gần 20 tỷ đồng về hệ thống lưới điện, với 10 cột cao thế, 200 cột hạ thế bị nghiêng, đổ; mưa to và gió mạnh gây sự cố tại 36 đường điện trung thế tại các huyện trên địa bàn toàn tỉnh (trừ thành phố Nam Định).
Ngoài ra, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị hư hại nặng, ước tính thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.
Ninh Bình: Nhanh chóng khắc phục thiệt hại lớn
Tỉnh Ninh Bình cũng chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 6. Mưa đổ xuống dồn dập trong thời gian ngắn đã khiến 1.030 ha lúa ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn, Gia Viễn bị ngập. Gió quật đổ 27 ha ngô của huyện Gia Viễn và gây ảnh hưởng gần 160 ha hoa màu của thành phố Ninh Bình.
Về cơ sở vật chất, có 68 cột điện bị đổ; sập 3 nhà cấp 4; 51 nhà bị tốc mái; 160 lều, chòi của người dân bị sụp đổ.
Gió giật mạnh làm gãy, đổ 600 cây xanh các loại, đứt một số tuyến đường dây điện làm thành phố Ninh Bình bị mất điện trên diện rộng. Đến 8h ngày 8/8, Điện lực thành phố đã khắc phục xong sự cố, việc cấp điện trở lại bình thường.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo vận hành 30 máy bơm công suất lớn, mở 3 cống ở một số địa bàn ngập nặng nhằm tiêu thoát nhanh nước, cứu lúa.
Hà Nội: Đường phố chìm trong nước
|
Hà Nội chìm trong biển nước.
|
Do ảnh hưởng của bão, nhiều tỉnh và thành phố ở phía bắc cũng chịu mưa lớn, úng lụt. Hà Nội trong ngày hôm nay đã phải chịu đựng một trận mưa lớn kéo dài 10 giờ đồng hồ khiến nhiều con đường chìm nghỉm trong nước, gây ách tắc giao thông. Đây được coi là cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa tới nay.
Tổng lượng mưa tại Hà Nội tính đến chiều ngày 8/8 là 180 mm, có những nơi lượng mưa lớn hơn 200 mm. Đến chiều cùng ngày cơ bản các điểm úng ngập tại thủ đô đã được thoát nước.
Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều tuyết đường, ách tách giao thông. Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tính đến 5h chiều 8/8, đã có 2 người chết và mất tích do mưa lũ.