Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 19/11.
- Vụ một bảo mẫu hành hạ đến chết trẻ 18 tháng tuổi ở TP.HCM gây chấn động dư luận, bà đã nhận được thông tin về vụ việc này chưa?
Tôi đã nhận được thông tin về vụ việc này. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nên chưa thể nói được gì nhiều. Vì vụ việc thì cũng đã rõ rồi.
|
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Tuổi Trẻ.
|
- Vậy bà đánh giá thế nào khi nhận được thông tin này?
Người vi phạm bị xử lý trong trường hợp này thì đương nhiên rồi. Vấn đề đau lòng nhất là một đứa trẻ mất đi mà mình không thể làm cách gì lấy lại được. Đó là cái để cho những người lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác trông giữ trẻ ở các khu công nghiệp cần chấn chỉnh kịp thời.
Nhưng giải pháp cốt lõi vẫn phải có được những cơ sở giữ trẻ ở các khu công nghiệp, với đầy đủ các tiêu chí, giúp người lao động yên tâm khi gửi con. Xét cho cùng người công nhân đi làm cũng là để tạo ra của cải, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho xã hội. Nếu không đảm bảo sự an lành cho cuộc sống của người dân về giáo dục thì họ sẽ không yên tâm sản xuất.
Thành phố đã có chỉ đạo tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có những nhà nuôi dạy trẻ cho con em công nhân. Vì công nhân phải đi làm theo ca, làm ngoài giờ hành chính. Các cơ sở trông giữ trẻ nhận giữ theo giờ hành chính thì công nhân không gửi được con em mình.
Thành ủy đã có chỉ đạo về vấn đề này, trong nghị quyết của thành ủy đã đặt ra vấn đề các cơ sở giữ trẻ ở thành phố, ở những khu vực đông công nhân thì phải có sự xem xét, phối hợp để có những cơ sở giữ trẻ ngoài giờ.
- Vậy việc này đã được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, thưa bà?
Đúng là việc này chỉ đạo chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Quá trình thực hiện cũng còn nhiều thiếu sót trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khi xây dựng có thể không có các cơ sở nuôi dạy trẻ thì bây giờ phải khắc phục. Tuy nhiên trong tình hình kinh tế khó khăn nên các doanh nghiệp chưa triển khai.
- Vậy trách nhiệm thuộc về ai, thưa bà?
Trước hết đó là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra thực trạng đau lòng như thế.
Thứ hai, trong công tác kiểm tra của các địa phương đối với cơ sở giữ trẻ ngoài công lập thì UBND TP.HCM đã có rất nhiều công văn để chỉ đạo vấn để này, nhưng trong thực tiễn thì rõ ràng thì còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là giữ trẻ gia đình.
Giữ trẻ gia đình thì là người ta làm thêm, người ta có con nhỏ nên giữ thêm. Phải nói đến vấn đề đạo đức của người tham gia giữ trẻ, đạo đức đó đáng lên án và tất nhiên khi sự việc xảy ra thì mình mới biết hết được.
- Chúng ta cần phải có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Như tôi đã nói, TP.HCM đã đưa ra giải pháp nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Nghĩa là lãnh đạo thành phố cũng thấy trước được tình hình khó khăn như vậy, chứ không phải ngay tức thì mà tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có được những nhà giữ trẻ ngay.
Việc này cần phải có lộ trình để thực hiện. Trước mắt thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giữ trẻ của thành phố phải có sự phối hợp, và các chủ doanh nghiệp có người lao động có con nhỏ phải có ký hợp đồng với các cơ sở giữ trẻ công lập để tăng giờ làm việc của cô giáo, trông những đưa trẻ đó.
- Chúng ta có nghị quyết rồi nhưng lại không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm thì sẽ phải xử lý như thế nào, thưa bà?
Không phải là không thực hiện mà thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Đối với những cơ sở không thực hiện thì phải xem xét lại hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ các trường học mẫu giáo của thành phố hiện cũng quá tải nhiều nên phải xét ở góc độ toàn diện để thấy đúng thực trạng.
Tuy nhiên trách nhiệm của lãnh đạo để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều điều kiện khác. Nhưng phải thấy đã có nghị quyết thì nó phải đi vào cuộc sống, nếu chưa thì phải xem xét lại trách nhiệm. Mà trách nhiệm ở đây thuộc về các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền chứ không riêng ở cấp ủy nào.
Đối với các quận huyện có đông công nhân, giờ phải tiến hành rà soát lại các cơ sở nuôi dạy trẻ tại các khu công nghiệp. HĐND TP.HCM đã rà soát, đã giám sát rồi và tất nhiên không thể chấm dứt ngay được tình trạng gửi con em họ cho các gia đình vì đó là nhu cầu của người ta.
Nhưng điều quan trọng vẫn phải là giáo dục đạo đức xã hội và kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ, cần phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, chứ không phải bây giờ khi xảy ra vụ việc lại bấn loạn lên.
Cần phải xem xét lại một loạt các nguyên nhân. Từ những nguyên nhân tìm ra ấy sẽ xác định trách nhiệm nên cần xử lý thì phải xử lý, cần chấn chỉnh thì phải kịp thời chấn chỉnh ngay.