Bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa: không thể chỉ phạt tiền!

Google News

(Kiến Thức) - Đề xuất phạt 20-50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp tư liệu, dữ liệu bản đồ không thể hiện đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang hâm nóng dư luận trong nhiều ngày nay.

Liên tục trong thời gian gần đây, có nhiều ấn phẩm, sổ tay, lịch, biển quảng cáo... đã in thiếu quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam gây bức xúc trong dư luận.

Ví dụ như, Sở VHTTDL Đà Nẵng đã phải thu hồi 480 cuốn sổ tay và lịch để bàn của Công ty TNHH TCIE (Đài Loan) có trụ sở tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) vì in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trước đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) - Chi nhánh Ninh Bình đã ra thông báo thu hồi lại những quả địa cầu in hình bản đồ thế giới với những thông tin xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam...


Bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa tại cuốn lịch đã bị Sở VHTTDL Đà Nẵng thu hồi.
 Bản đồ xuyên tạc chủ quyền biển đảo cũng đã được thu hồi.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ. Bộ đề xuất phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp tư liệu, dữ liệu bản đồ có liên quan đến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà không thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác.

Cùng mức xử phạt là hành vi cung cấp thông tin, tư liệu, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, với những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia, mức phạt về hành vi này không thể đo đếm được bằng tiền.

"Phát hành, phát tán những tài liệu, bản đồ ấn phẩm không có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gây tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia về biển đảo. Mức phạt về hành vi này không thể đo đếm được bằng tiền.

Nếu xâu chuỗi toàn bộ các sự việc như dán cờ Trung Quốc lên nho ở BigC, đèn lồng có chữ Tam Sa, in cờ Trung Quốc lên sách giáo khoa, hay những tài liệu, bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... cơ quan nhà nước cần phải nghiêm khắc xử lý. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực trên", ông Lê Như Tiến nhận định.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Với hành vi ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo, mức xử phạt không thể đo đếm bằng tiền.

Ông Lê Như Tiến đề xuất: "Các cơ quan chức năng cần có mức xử phạt nghiêm khắc. Phạt mức bao nhiêu cần cân nhắc sao cho có tính khả thi, đừng để quy định chỉ nằm trên giấy. Ngoài mức phạt trực tiếp với hành vi in ấn, phát tán ấn phẩm, bản đồ, tài liệu thiếu hình ảnh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cần có những hình phạt bổ sung như tịch thu giấy phép, đình chỉ hoạt động nếu đó là cơ quan in ấn và phát hành những tài liệu này".

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cũng cho rằng, đề xuất xử phạt trên là khá cần thiết và cần sớm được áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Tiệp phân tích: "Vấn đề chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, lãnh hải là một vấn đề tối hệ trọng được ghi trong Hiến pháp. Việc đề xuất trên của Bộ tài nguyên và Môi trường là vấn đề hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề tranh chấp lãnh hải vả biển đảo đang diễn ra ở biển Đông giữa các nước có liên quan. Trong thời gian gần đây, một vài xuất bản phẩm tại Việt Nam lại không thể hiện hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là việc làm đáng tiếc xảy ra. 

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, việc tuyên truyền về biển đảo và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải chưa tương xứng với mong đợi của những người dân yêu nước. Kênh truyền hình chưa có những chương trình dành riêng theo một lịch trình định sẵn về vấn đề này. Ngay cả sách giáo khoa phổ thông về lịch sử, địa lý và luật pháp, lượng thông tin cung cấp quá ít không đủ để người dân tìm hiểu về nó. Phía những nhà nghiên cứu am hiểu về vấn đề này, cơ hội để công bố và phổ biến những kết quả nghiên cứu mới có giá trị khoa học và pháp lý còn quá ít. 

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Xử lý nặng là điều cần thiết để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thậm chí có những cuộc hội thảo, những cuộc trao đổi chia sẻ thông tin trong phạm vi hẹp cũng gặp những trở ngại không đáng có. Hội Sử học cũng đã khuyến cáo Bộ Giáo dục Đào tạo tăng thêm lượng thông tin về lãnh thổ và lãnh hải nhất là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong các sách giáo khoa phổ thông để giáo dục thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn về vấn đề này.

Trong khi đó, ở các nước trong khu vực liên quan đến biển Đông thì có quá nhiều thông tin từ các hội thảo, các công trình nghiên cứu trên mạng bằng các thứ tiếng mà những người chưa am hiểu về vấn đề này không biết xử lý ra sao, thông tin nào là chính xác, thông tin nào là sai lệch nhằm phục vụ cho ý đồ riêng của các quốc gia. 

Trong tình trạng như vậy, việc cung cấp những thông tin về vấn đề này một cách chính xác và cập nhật không mấy dễ dàng, sự sai sót đáng tiếc trong thời gian qua ở Việt Nam thể hiện điều đó. Vì vậy, trước khi đề xuất xử phạt từ 20 đến 50 triệu, trước hết các tổ chức nhà nước liên quan đến vấn đề này phải tổ chức một chương trình mang tính quốc gia về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, cung cấp những thông tin chính xác có cơ sở khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng cho người dân và các tổ chức khác nhau hiểu biết một cách đầy đủ và chi tiết về vấn đề này.

Cần có một chương trình tiếp thị xã hội phổ biến rộng rãi với những xuất bản phẩm phổ thông chính thức từ cơ quan có thẩm quyền với một mạng lưới tuyên truyền viên đủ mạnh, am hiểu vấn đề để truyền đạt thông tin đến tận người dân. Làm tốt công việc này thì ý thức và lòng yêu nước của người dân được nâng cao, lòng tin của họ vào Đảng và Nhà nước được củng cố thì những sai phạm không đáng có sẽ được gạt bỏ.

Sau khi đã làm tốt những việc làm này mà tình trạng vi phạm vẫn diễn ra  thì sẽ xử phạt nặng hơn, còn như hiện nay nên dừng lại ở mức độ phê bình, cảnh cáo để sửa chữa sai sót. Cách làm này cũng tránh được sự lợi dụng không thiện ý của các thế lực khác về một vấn đề mang tính nhạy cảm hiện nay".  

 TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Ninh

Bình luận(0)