6 người Việt mất tích trên biển Hàn Quốc: Đưa xuất khẩu lao động, trách nhiệm của ai?

Google News

(Kiến Thức) -  6 người Việt mất tích trong vụ tàu cá Hàn Quốc bốc cháy và chìm được 4 doanh nghiệp  công ty TTLC, công ty Letco, công ty Tracimexco và công ty SoNa đưa sang theo hợp đồng. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, trách nhiệm của các doanh nghiệp này thế nào?

Lộ danh sách 4 công ty đưa người Việt sang lao động
Vụ việc một tàu cá Hàn Quốc bốc cháy và chìm ngoài khơi đảo Jeju ở phía nam Hàn Quốc hôm 19/11, đang khiến dư luận quan tâm khi thủy thủ đoàn gồm 6 người Hàn Quốc và 6 người Việt Nam và hiên 6 thủy thủ người Việt đang mất tích.
Sáng ngày 21/11, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) - xác nhận địa phương có 5 lao động đang mất tích trong vụ cháy tàu cá Dae Seong 29 tấn vào sáng 19/11, tại vùng biển phía Tây đảo Jeju, Hàn Quốc. Ngoài 1 công dân quê gốc Hà Tĩnh, 5 thuyền viên còn lại gồm Nguyễn Văn Công (SN 1987), Nguyễn Tiến Ninh (SN 1987), Nguyễn Văn Viện (SN 1974), Nguyễn Văn Thủy (SN 1994) và Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1995) - tất cả đều trú xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Được biết, trong số 6 nạn nhân người Việt mất tích là lao động được 4 doanh nghiệp đưa sang gồm Công ty TTLC, Công ty Letco, Công ty Tracimexco và Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SoNa) đưa đi làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc theo hợp đồng.
Trong đó, có 2 lao động được Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SoNa) đưa sang Hàn Quốc làm việc, hai lao động được Công ty Cổ phần thương mại đầu tư và phát triển nguồn nhân lực (Tracimexco) đưa sang.
Mới đây, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có công yêu cầu các doanh nghiệp đưa 6 lao động Việt Nam đi làm thuyền viên ở Hàn Quốc hiện đang bị mất tích nhanh chóng xác minh thông tin, thông báo tới gia đình các nạn nhân để hỗ trợ các thủ tục cần thiết.
Đồng thời yêu cầu 4 doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đối tác và chủ tàu làm việc với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để xác minh thông tin, thăm hỏi thân nhân người gặp nạn và có biện pháp hỗ trợ, giải quyết vụ việc.
6 nguoi Viet mat tich tren bien Han Quoc: Dua xuat khau lao dong, trach nhiem cua ai?
 Hiện trường cháy tàu cá - Ảnh: Yonhap News
Dư luận quan tâm, các lao động hiện đang mất tích trên có bảo hiểm lao động hay không? Trong trường hợp xấu xảy ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ, đền bù thế nào?
4 doanh nghiệp đưa người đi lao động có trách nhiệm thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để xem xét trách nhiệm hỗ trợ, đền bù trong trường họp 6 nạn nhân mất tích được xác định tử vong cần xem xét hai trường hợp.
Đối với trường hợp, các nạn nhân ký hợp đồng lao động với các công ty xuất khẩu lao động và được đơn vị đưa thuyền viên sang nước ngoài làm việc và thực hiện trả lương cho thuyền viên, đây là hợp đồng lao động trong nước nên trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Lao động 2012. Trách nhiệm lúc này thuộc về công ty xuất khẩu lao động.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 144 Luật Lao động thì công ty xuất khẩu lao động là người sử dụng lao động và có trách nhiệm đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Cụ thể, Điều 145 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là: "Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động". “Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.
Theo đó, trường hợp này, công ty phải trả ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, còn nếu trường hợp do lỗi của người lao động thì công ty vẫn phải trả ít nhất 12 tháng tiền lương cho thân nhân người lao động, cùng với các chi phí không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế. Đồng thời, thân nhân còn được hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động đó tương ứng mỗi năm làm việc tại công ty (nhưng trừ đi thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp) là 0.5 tháng tiền lương.
Bên cạnh đó, người lao động còn có thể được hưởng quyền lợi từ cơ quan bảo hiểm. Cụ thể, theo Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là: "Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở".
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 còn có thể hưởng trợ cấp mai táng. Đồng thời, theo quy định tại Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.
6 nguoi Viet mat tich tren bien Han Quoc: Dua xuat khau lao dong, trach nhiem cua ai?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trường hợp thuyền viên Việt Nam ký hợp đồng với Các công ty bên Hàn Quốc thì Công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam chỉ là trung gian giới thiệu cho người lao động Việt Nam với Công ty bên Hàn Quốc.
Trong trường hợp này khi thuyền viên bị chết do tai nạn lao động sẽ được giải quyết theo Luật Lao động của Hàn Quốc và trách nhiệm bồi thường thuộc về công ty bên Hàn Quốc theo luật của Hàn Quốc. Còn công ty môi giới chỉ chịu trách nhiệm theo thỏa thuận hợp đồng của công ty môi giới khi ký kết với người lao động (nếu có).
Theo quy định tại Điểm e khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động thì Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ: “Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động”.
“Như vậy, Công ty xuất khẩu đóng vai trò là công ty môi giới, dịch vụ chỉ chịu trách nhiệm theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết và có trách nhiệm phối hợp với bên nước ngoài để giải quyết khi người lao động chết”, luật sư Cường cho biết.
Mời quý độc giả xem video Cháy tàu cá tại Hàn Quốc, 6 thuyền viên Việt Nam mất tích:

Nguồn VTV24.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)