Ngày 30/9, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên tiếp tục huy động hàng chục cán bộ chiến sỹ, 4 thợ lặn chuyên nghiệp của Đội cứu hộ bờ biển TP Tuy Hòa, 3 máy bơm chìm tổng công suất 150m3/giờ và nhiều thiết bị thông gió, bình ô xy… phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, nhưng đến chiều cùng ngày, lượng nước trong hầm vẫn còn khoảng 2.000m3.
|
Người dân, thân nhân các nạn nhân ngồi thẫn thờ mong tin tức.
|
Huy động tổng lực
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội cứu hộ bờ biển TP Tuy Hòa, cho biết: “Đội thợ lặn đã tiếp cận đến chiều sâu 1.300m tính từ miệng hầm, mực nước còn sâu hơn 3m, phát hiện 1 xe ô tô trong tư thế đang đẩy ben lưng chừng, hai cửa mở toang và kính trước hoàn toàn vỡ. Lặn xung quanh xe, không tìm thấy xác các nạn nhân. Do áp lực nước quá lớn, đường hầm tối như mê cung nên buộc phải quay trở ra chờ nước rút”.
|
Nhân viên cứu hộ, công an làm việc bên trong đường hầm.
|
Theo anh Sơn, để vào được quãng đường 1.300m đường hầm, phải mất ít nhất 1,5 giờ đồng hồ. Với lượng nước như hiện nay, dù các máy bơm hết công suất cũng phải đến sáng mai (ngày 1/10) mới tiếp cận được khu vực cuối đường hầm, lặn tìm kiếm xác.
Trong tâm trạng thất thần, mấy ngày qua, ông Nguyễn Danh (cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh) hết đứng lại ngồi, chạy ra chạy vào đường hầm trông chờ vớt xác con về mai táng. Nghe lực lượng cứu hộ phát hiện xe ô tô trên, ông Danh nhận định: “Đúng là xe con tôi điều khiển. Khi xe tôi quay ra gặp xe Lệnh đang lui vào tại điểm tránh xe trong đường hầm, sâu khoảng 1.200m. Rất có thể, khi gặp nước lũ, Lệnh vội nâng ben đổ đất, đá để thoát ra khỏi miệng hầm nhưng không kịp”.
Có mặt tại hiện trường chiều 30/9, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, nói: “Đây là tình huống mới và hết sức phức tạp. Yêu cầu các lực lượng tiếp tục lắp đặt hệ thống thông khí, điện chiếu sáng; duy trì các máy bơm hoạt động hết công suất theo phương châm, nước xuống đến đâu, triển khai tìm kiếm đến đó, nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ".
|
Xe cứu hộ bên ngoài đường hầm.
|
Ông Trúc cho biết, UBND huyện Đồng Xuân phối hợp với chủ đầu tư tổ chức lực lượng trực gác, theo dõi nước lũ cách bờ đập ít nhất 500m về phía thượng lưu để kịp thời báo động diễn biến mực nước suối La Hiêng khi có mưa lớn; trực canh 24/24 giờ, chủ động vận hành cửa van đường hầm, bảo đảm an toàn cho lực lượng tìm kiếm trong mọi tình huống… .
Theo ông Trúc, việc làm cấp bách hiện nay là huy động tổng lực người và phương tiện, bằng mọi giá tìm thấy thi thể các nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Về trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong vụ tai nạn này sẽ được xem xét sau.
Theo nhận định của lực lượng cứu hộ, đêm nay hoặc sáng ngày mai sẽ tiếp cận cuối đường hầm vớt xác các nạn nhân và vận chuyển các máy móc thiết bị ra ngoài.
|
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm kiếm cứu nạn.
|
Lời người trong cuộc
Ông Nguyễn Danh (cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh) cũng là người lái xe làm thuê cho người Trung Quốc tại Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 cho biết: “Tôi làm thuê được 6 ngày, còn Lệnh làm được 210 ngày với mức lương “hợp đồng miệng” 12 triệu đồng/tháng, làm việc bất cứ thời gian nào khi người Trung Quốc yêu cầu. Trước giờ định mệnh (20h20 ngày 26/9), lúc con tôi đang ở nhà thì một người Trung Quốc gọi đến đường hầm chạy xe...
... Khi xe tôi ra khỏi miệng hầm, phát hiện nước lũ đang lên rất nhanh, liền kêu cứu đóng cửa van nhưng phải đến gần 1 giờ sau, van mới được hạ xuống. Lúc này, nước trong hầm đã đầy, tống ra bên ngoài như lũ ống; trong khi đó, con tôi còn ở trong đường hầm, cách miệng hầm hơn 1.000m nên đành bất lực”.
Theo ông Danh, việc thi công trong và ngoài đường hầm không đảm bảo an toàn lao động.
“Đường hầm dài hơn 1.700m nhưng mới chỉ đổ bê tông được gần 30m nên đất đá thường xuyên bị sạt lở rơi xuống, vô cùng nguy hiểm. Nếu đài quan sát trên miệng hầm có đèn chiếu sáng kiểm tra mực nước suối La Hiêng; trong đường hầm có chuông báo động và van cửa hầm kịp đóng thì đã không xảy ra tai nạn", ông Danh cho biết.