229 kg heroin lọt lưới: Chủ lô hàng khó tránh tử hình

Google News

(Kiến Thức) - Nếu Long Vân không phải là chủ của lô hàng này thì họ phải chỉ ra được chủ thật sự của lô hàng, nhưng hiện lãnh đạo "lặn mất tăm", chưa lên tiếng gì. 

Liên quan đến vụ 229kg heroin (600 bánh) lọt lưới hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây, đại diện Cục Hải quan TP HCM đã cho báo chí biết, doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai xuất khẩu lô hàng 12 chiếc loa thùng có chứa 600 bánh heroin bên trong là Công ty TNHH giao nhận và vận tải Long Vân (trụ sở tại phường 5, quận 3, TP HCM), còn đứng tên gửi là Công ty TNHH giao nhận hàng hóa Lê Hòa (trụ sở tại quận 1, TP HCM).
Như vậy, rất nhiều khả năng Công ty Long Vân là chủ của lô hàng trên. Còn nếu không phải là chủ, thì họ phải chỉ ra và chứng minh được chủ thật sự của lô hàng, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thấy họ lên tiếng gì, trong khi một số công ty khác liên quan tới vụ này đều đã lên tiếng cho biết họ không hề hay biết lô hàng có chứa heroin. Không những thế, ở một động thái khác, sau khi biết thông tin Công ty Long Vân đứng tên mở tờ khai xuất khẩu lô hàng này, nhiều phóng viên đã tìm tới trụ sở công ty, nhưng đại diện doanh nghiệp này không trả lời gì mà chỉ cho biết hiện các lãnh đạo đã đi nước ngoài hết. Kể cả không phải là chủ của lô hàng thì Long Vân cũng là đơn vị tàng trữ, vận chuyển trái phép một lướng rất lớn heroin. 
Công ty Long Vân có hoạt động kinh doanh chính là vận chuyển, giao nhận hàng hóa nhưng lại nhờ công ty Lê Hòa cũng hoạt động trong lĩnh vực này đứng tên người gửi và làm thủ tục hải quan cho lô hàng.
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, hiện nay ở Việt Nam chưa quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nên liên quan đến vụ 229kg heroin lọt lưới sân bay Tân Sơn Nhất này, cần điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân trong công ty Long Vân (giám đốc, thành viên công ty, nhân viên vận tải...) để xác định vai trò của từng người này như thế nào. Nếu liên quan, các cá nhân này có thể bị xử lý về một hoặc nhiều tội danh quy định tại các Điều 193 Bộ luật hình sự (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 194 Bộ luật hình sự (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy) tùy vào tính chất, mối liên hệ trong các hành vi phạm tội của họ. Các tội quy định tại Điều 193, 194 này đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình nếu lượng ma túy rắn có trọng lượng từ 300 gram trở lên. Và với gần 230kg ma túy như báo chí nêu thì việc tử hình các cá nhân liên quan là khó tránh khỏi. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giả định, tất cả phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Liên quan đến trách nhiệm của hải quan, an ninh sân bay trong vụ để lọt 600 bánh heroin này, nhiều ý kiến cho rằng, đặt trường hợp hải quan sân bay không hề hay biết lô hàng có chứa heroin, thì nếu họ tỉnh táo, ngay từ đầu họ sẽ phải đặt nghi ngờ khi công ty Long Vân có hoạt động kinh doanh chính là vận chuyển, giao nhận hàng hóa nhưng lại nhờ công ty Lê Hòa cũng hoạt động trong lĩnh vực này đứng tên người gửi và làm thủ tục hải quan. 
Về trách nhiệm hình sự của phía hải quan, an ninh sân bay, Luật sư Thạch phân tích: “Theo thông tin của cơ quan báo chí thì số loa thùng có chứa ma túy này được thông quan bằng thủ tục thông quan điện tử.
Thủ tục thông quan điện tử được quy định tại Nghị định 87/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Theo đó thủ tục sẽ gồm các bước: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ và khai hải quan; hệ thống điện tử tiếp nhận, kiểm tra rồi phân luồng tờ khai hải quan điện tử; cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan; sau đó tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa rồi chuyển cửa khẩu và giám sát hàng hóa. Trong các bước nêu trên thì để phát hiện được có ma túy hay không thì bước quan trọng nhất là “kiểm tra thực tế hàng hóa”. Tuy nhiên việc kiểm tra này lại phụ thuộc vào khâu phân luồng tờ khai hải quan.
Theo quy định tại Điều 1, quy định ban hành kèm quyết định 662/QĐ-TCHQ ngày 13/04/2011 của Tổng cục hải quan thì hàng hóa được phân vào loại 1 (luồng xanh) gồm:
Hàng hóa nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại; hàng hóa nhập khẩu được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không phải nộp thuế, bao gồm hàng nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, hàng nhập khẩu có thuế (là hàng không có hợp đồng giữa người gửi hàng và người nhận hàng) nhưng được miễn thuế theo quy định hiện hành của pháp luật, trừ hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều này.”
Đối với hàng hóa phân vào luông này thì sẽ được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. “Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1% đến 5% của cả luồng hàng. Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa bằng biện pháp thủ công đối với toàn bộ lô hàng
Ngược lại đối với hàng hóa được phân vào luồng 2 (vàng), luồng 3 (đỏ) thì có thể bị kiểm tra một phần hoặc 100%.
Do vậy nếu hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện được phân vào luồng xanh thì theo quy định thì hàng hóa sẽ không bị kiểm tra thực tế, trong trường hợp cần thiết thì cũng chỉ kiểm tra 1% - 5% của cả luồng hàng (nhưng cũng không rõ khi nào là cần thiết). Nói cách khác cơ quan hải quan không có trách nhiệm kiểm tra thực tế lô hàng này. Tuy nhiên cũng cần điều tra làm rõ xem nhân viên hải quan đã thực hiện đầy đủ tất cả các quy trình này hay chưa? Các khâu khác có tuân thủ đúng quy định pháp luật hay không?.
Nếu các nhân viên đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn để lọt số hàng phạm pháp nói trên thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; ngược lại nếu có lỗi ở một khâu nào đó hoặc chưa làm hết trách nhiệm thì các nhân viên hải quan có thể bị xử lý về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 BLHS (tuy nhiên hiện chưa có hướng dẫn cụ thể đối với tình tiết “hậu quả nghiêm trọng” của tội danh này). Nếu nhân viên hải quan biết trong hàng hóa đó có ma túy nhưng vẫn cho thông quan thì cần xem xét trách nhiệm của họ với vai trò đồng phạm với các đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia về một trong các tội quy định tại Điều 194 BLHS - tội “ tàng trữ, vân chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” .
Ngoài phía Hải quan thì cũng cần điều tra thêm đối với nhân viên an ninh sân bay; đối với đơn vị vận chuyển hàng hóa để làm rõ vai trò, trách nhiệm của họ". 

Minh Hiếu

Bình luận(0)