Lặng người nghe Khánh Ly hát “Da vàng” tại Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Giọng hát danh ca Khánh Ly với chùm ca khúc "Da vàng" của Trịnh Công Sơn khiến khán giả lặng đi vì xúc động trong liveshow "Cúi xuống thật gần".

Tối 10/1, đêm nhạc “Cúi xuống thật gần” của danh ca Khánh Ly, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đã diễn ra thành công và để lại nhiều dư vị cho khán giả. Cả khán phòng không còn một chỗ trống, có những phút lặng đi vì xúc động và có những phút hân hoan khó nói thành lời.
Khán giả không chỉ đến thưởng thức giọng ca gắn liền với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn đến để chia sẻ nỗi niềm với một người con xa xứ, hơn nửa đời người mới quay trở lại hát trên quê hương, và cũng là để cùng Khánh Ly góp một tấm lòng sẻ chia đến với những người kém may mắn, bởi lợi nhuận của đêm nhạc "Cúi xuống thật gần" được trích tặng quỹ “Những vòng tay nhân ái”.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi
  Danh ca Khánh Ly trong đêm nhạc "Cúi xuống thật gần", tại Hà Nội. (Ảnh: BTC)
Giản dị trong tà áo dài, cùng với giọng hát liêu trai, Khánh Ly xuất hiện ngay từ phút đầu tiên của đêm nhạc với ca khúc “Hướng về Hà Nội”. Vừa hát, Khánh Ly vừa tâm tình, những lời trong sâu thẳm trái tim.
“Tôi là người Hà Nội, tôi trở về đây sau 60 năm. Ngày tôi rời xa Hà Nội, Hà Nội trong ký ức tôi thật xa vời, lãng đãng. Bây giờ trở về không biết có còn ngày trở về nữa hay không. Hà Nội đã trở thành kỷ niệm trong trái tim tôi. Tôi trở về đây khi mình đã trở thành quá khứ, thành kỷ niệm của Hà Nội. Ngày hôm nay, xin được gửi nỗi lòng của một người Hà Nội, đến với người Hà Nội, giữa lòng Hà Nội”.
Xa quê hương, trong lòng người đàn bà hát luôn khắc khoải nỗi nhớ quê. Bà tâm niệm, sống hay chết, tử tế thì nơi nào cũng là quê hương. Nghĩ vậy thôi nhưng tự đáy lòng, phải biết mình ở đâu, từ đâu đến. “Tấm lòng hoài mong ngày về đôi khi không nói với ai được, chỉ nói với bóng đêm”. Bà mong mỏi được trở về nơi mình đã sinh ra, nơi có cha, có mẹ, có hàng xóm, con đường, góc phố, những hàng cây đã đi qua thời rất nhỏ. “Trở về được thì những hàng cây năm xưa đã lớn lắm rồi, chỉ có mình là không thể nào lớn được. Có lẽ một phần bởi vì bị cắt lìa ra khỏi quê hương, nơi mình sinh ra nên không thể nào lớn được”, danh ca Khánh Ly giãi bày.
Dòng cảm xúc hoài niệm, nhớ quê ấy xuyên suốt những tiết mục trong phần 1 của đêm nhạc. Từ Khánh Ly với “Nỗi lòng người đi”, “Một sớm mai về”, đến Quang Thành với tiết mục song ca cùng Khánh Ly ca khúc “Tình quê hương” và ca sĩ Kim Anh với ca khúc “Ngày về” của Hoàng Giác. Đó còn là hình ảnh Quang Thành, Kim Anh và danh ca Khánh Ly hòa chung giai điệu “Quê hương là chùm khế ngọt...” ở gần cuối chương trình.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 2
 Ca sĩ Kim Anh, Khánh Ly và Quang Thành. (Ảnh: BTC)
Cùng với giọng ca chứa chất nỗi niềm, không gian đêm nhạc cũng mang khán giả về những miền ký ức. Đúng như lời hứa hẹn của nữ đạo diễn Nguyễn Việt Thanh, sân khấu đêm nhạc được hài hòa giữa hai yếu tố giản dị và hiện đại, khi thì rất mộc mạc, khi lại hoành tráng, tinh tế. Đặc biệt là trong phần 2 “Khánh Ly – Trịnh Công Sơn và Da vàng”.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh-3
Hình ảnh Khánh Ly khi biểu diễn những ca khúc "Da vàng" của Trịnh Công Sơn. (Ảnh: BTC)

Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh-4
Giọng hát Khánh Ly và hiệu ứng sân khấu gây ấn tượng mạnh với khán giả. (Ảnh: BTC)
Các ca khúc "Da vàng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát ám ảnh của ca sĩ Khánh Ly cũng là điểm nhấn của đêm nhạc. Đây cũng là lần hiếm hoi, những ca khúc "Da vàng" của vị nhạc sĩ tài hoa được được thể hiện đầy đủ đến thế và được thể hiện ngay giữa lòng thủ đô. Những nhạc phẩm về quê hương, thân phận con người trong chiến tranh đã gây xúc động mãnh liệt cho khán giả: “Một buổi sáng mùa xuân”, “Ta đã thấy gì trong đêm nay”; “Người già và em bé”; “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”; “Chờ nhìn quê hương sáng chói”...
Khánh Ly chia sẻ: “Chiến tranh đã đi qua trên quê hương của chúng ta và đi qua trên tuổi trẻ của chúng tôi”. Và trên sân khấu, sự khốc liệt của chiến tranh được khắc họa rõ nét qua những hình ảnh đầy biểu tượng với: màu lửa đỏ rực, những dây thép gai, xác người, những nấm mồ...
Cùng với những ca khúc tái hiện chiến tranh chân thực đến tàn khốc ấy là niềm khát khao hòa bình trên quê hương.
 Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 5
 (Ảnh: BTC)
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 6
 (Ảnh: BTC)
Nối tiếp đêm nhạc "Cúi xuống thật gần", Lệ Quyên mang đến ca khúc “Ru ta ngậm ngùi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hình ảnh “nữ hoàng phòng trà” và “nữ hoàng chân đất” trong cùng đêm nhạc, hát những ca khúc nhạc Trịnh mang đến nhiều thú vị cho khán giả. Ngoài ra, nữ ca sĩ còn mang đến những ca khúc: “Đêm đông”, “Dấu tình sầu”, “Bản tình cuối”.
Giọng hát ấm áp của Lệ Quyên dễ đi vào lòng người, dẫu vậy, vẫn không thể nào vượt qua được cái bóng của Khánh Ly khi hát nhạc Trịnh. Không phải ngẫu nhiên tiếng hát của Khánh Ly cùng những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được đông đảo công chúng đón nhận, từ người già đến trẻ, từ người tri thức đến những người công nhân, lao công.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 7
 (Ảnh: BTC)
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 8
 (Ảnh: BTC)
Những tâm tình của Khánh Ly quá đỗi giản dị, gần gũi. “Cuộc đời này là cõi tạm thôi, như con chim đậu ở cành tre, như con cá lội trong dòng nước. Chúng ta đến với cuộc đời này chỉ là tạm thôi. Nơi đây chỉ là nhà trọ, một ngày nào đó cũng ta sẽ đến một cõi đi về. Chúng ta ở trọ trong cuộc đời, hạnh phúc có, khổ đau có và chúng ta vẫn phải đi tới thôi. Có những người đã đi ra khỏi đời sống này nhưng chúng ta vẫn phải sống. Đôi khi chúng ta chỉ như những cọng rác trôi theo dòng nước vô tình. Chúng ta muốn đi ra khỏi vách sầu, khổ đau, nhưng hãy cẩn thận vì đi qua vách sầu đó thì bất ngờ chạm phải một nỗi đau khác, vách sầu khác. Nhưng đó là đời sống. Đời có vui, có buồn, có nụ cười và cả giọt nước mắt”.
Và đi qua những bể dâu, thăng trầm, Khánh Ly đủ đắng cay để hiểu đời cay đắng. Trên sân khấu đêm nhạc, Khánh Ly cũng mượn lời nhạc phẩm “Đời đá vàng” của nhạc sĩ Vũ Thành An để bày tỏ lòng mình: “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc. Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu. Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về. Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng”.
Khánh Ly nhận mình là người may mắn, nhận nhiều ơn phước từ cuộc đời và mọi người, bà mong ước mang những điều may mắn ấy sẻ chia với những người bất hạnh. Khoảnh khắc Khánh Ly đứng giữa sân khấu “xin cúi xuống thật gần” là hình ảnh đẹp, gây xúc động cho khán giả.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 9
Khánh Ly với ca khúc "Cúi xuống thật gần". (Ảnh: BTC)
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh 10
 Kim Anh, Khánh Ly và Quang Thành thể hiện ca khúc "Để gió cuốn đi". (Ảnh: BTC)
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh-11
Khán giả vây kín ca sĩ Khánh Ly tại đêm nhạc. (Ảnh: BTC)
Khánh Ly chia sẻ một kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi tôi hỏi, sống trong cuộc đời này ta cần gì, anh nói chỉ cần một tấm lòng thôi. Mấy chục năm sau gặp lại, anh vẫn nói như thế: Mai hãy sống trong đời sống với một tấm lòng và sống tử tế với nhau. Gần một nửa thế kỷ đi qua nhưng lời nói của anh lúc nào tôi cũng nhớ. Và tôi nghĩ nếu trong cuộc đời của mình không làm được điều gì tốt hơn thì chỉ nên giữ tấm lòng của mình mà thôi”.
Và lời bài hát “Để gió cuốn đi” là cái kết hoàn mỹ cho đêm nhạc của Khánh Ly - người danh ca trọn đời gắn với nhạc Trịnh.
Lang nguoi nghe Khanh Ly hat Da vang tai Ha Noi-Hinh-5
Nguyệt Cát

Bình luận(0)