Trên sân khấu, người nghệ sĩ hóa thân hết mình vào vai diễn. Họ là những con tằm rút ruột nhả tơ. Nhưng về chiều, khi rời xa ánh đèn, màn nhung, hết tơ nhả cho đời thì chỉ còn nỗi cô đơn, hiu quạnh...
Cả một đời tận hiến cho nghệ thuật, sống trong cái bóng vàng son nhung lụa những tưởng sẽ giàu có, sung sướng, hạnh phúc. Nhưng đâu đó, trong góc nhỏ Sài Gòn rộng lớn ngày ngày đang phải chứng kiến những nỗi niềm trăn trở. Những suy tư hay đau đớn từ thân xác đến tinh thần của những người nghệ sĩ lúc “về chiều”.
Đường về hiu quạnh
Sẽ phải ngỡ ngàng khi chúng ta bắt gặp một hình ảnh đơn độc, người đàn ông gầy gò đang mò mẫn từng bước chân trong khuôn viên quạnh quẽ. Sẽ đau lòng khi chứng kiến những ánh nhìn xa xăm, không biết họ đang nghĩ về những ngày vàng son hay đang lo sợ cái tuổi xế chiều của mình sẽ còn được bao lâu. Cứ thế thôi đã đủ thấy đau lòng cho một kiếp người không biết về đâu những chuổi ngày an nhiên.
|
NS Lê Công Tuấn Anh và nỗi cô đơn trước khi mất. |
Gặp chúng tôi, NS Lệ Thẩm rưng rưng “Ở trong này về mặt vật chất thì mình không thiếu gì cả, nhưng tinh thần thì thiếu thốn nhiều lắm. Già rồi chỉ muốn ở cạnh con cháu, muốn được nhìn thấy tụi nó nói cười và khôn lớn… Nhưg, đời nghệ sĩ nó vậy cô ơi! Cuối cùng cũng chỉ ngồi nơi đây mà ngóng đợi thôi…”. Đúng như vậy đấy! Đôi mắt đã mờ đục vì màu của thời gian không giấu được sự cô đơn, trống trải. Lúc thấy chúng tôi đến, các cô chú đang đi dạo quanh khuôn viên của Viện dưỡng lão - bình yên nhưng có chút u buồn.
So với sự cô đơn và khao khát mái ấm gia đình của những người già không mang nghiệp cầm ca thì nỗi buồn của đời nghệ sĩ có lẽ lớn đến độ phải giật mình suy ngẫm, bởi họ đã đi qua những tháng ngày hạnh phúc, những lúc được yêu mến rất nhiều hay được sống trong nhung lụa… thế nhưng bây giờ ngoài những người bạn già thời còn cặp vai nhau trong các vỡ diễn thì có còn mấy ai nhớ tới nữa… Sôi nổi một thời, lừng lẫy một thời để rồi khi về già họ một mình đối diện với cảm giác cô đơn. Có lẽ đó là sự hụt hẫng và chấp nhận khiến đôi mắt họ trở nên u buồn. Sâu thẳm trong đôi mắt ấy là những giọt nước mắt chỉ chờ chạm đến là trào tuôn.
Chạnh lòng câu chuyện “tằm nhả tơ”
Một góc nhỏ bên kia thành phố - nơi an nghỉ ngàn thu của những “cây đại thụ” ngành sân khấu cải lương cũng có đến mười mấy người nghệ sĩ đang ngồi nhìn về nơi xa xăm nào đó. Hàng ngày họ đến chùa để thăm nom, chăm sóc những vườn hoa, cây cảnh, vun vén cho những nấm mồ nằm cô quạnh. Khi chúng tôi đến, nghệ sĩ hài Lí Lắc đang ngồi trầm tư bên chiếc bàn tiếp khách trong chùa vội vàng khua tay, đôi mắt cười hiền như bắt được một niềm vui to lớn. Chú bảo chúng tôi vào thắp nhang cho Phật, cho các cố nghệ sĩ. Sau đó, chú nhiệt tình kể những câu chuyện về cuộc đời mình, cuộc đời người nghệ sĩ thâm trầm, tủi nhọc. Chú nói chú hiểu cái mong manh, vô thường của kiếp cầm ca, sau khi tấm màn nhung khép lại, ánh đèn sân khấu nhường chỗ cho bóng tối trong căn nhà của họ. Trở lại với đời thường, họ phải đối diện trước cảnh cô đơn, trống vắng lạnh lẽo... Đến khi sắc tàn, hơi cạn, họ bị người đời lãng quên nhanh chóng, nên khi về đây là những nấm mồ hiu quạnh, có mấy ai viếng thăm…
|
Sân khấu là những giấc mơ ảo huyền tuổi trẻ. Tuổi già đối diện với sự thật không còn sức lực và nỗi cô đơn... |
Trót mang cái nghiệp nên đành chấp nhận, bởi họ yêu, họ quý và sống bằng niềm đam mê thực sự, bởi họ muốn mang tiếng hát đến cho mọi người, rồi sau đó về nghe lại điệp khúc cuộc đời mình sao mà nam ai, khổ lụy… Nghệ sĩ Lí Lắc cho biết sau vai diễn lão Cao Đài trong phim Vó ngựa trời nam, đạo diễn Lê Cung Bắc, chú từ giã nghiệp diễn do bệnh tai biến hoành hành “bây giờ hơi tàn, sức yếu mình không mong gì, chỉ cầu trời còn sống ngày nào khỏe mạnh ngày đó, đừng đau ốm bệnh tật mà làm phiền lòng những người xung quanh…”. Tiện tay, chú lấy trong túi mình gói thuốc tây và nói lúc nào cũng phải để nó trong người, chứ nhằm khi đang đạp xe ngoài đường té hồi nào chẳng hay. Đoạn đường về nhà chú cũng thật gian truân và hiu quạnh. Gia đình không có, ban đêm chú ngủ nhờ nhà người em gái cùng mẹ khác cha. Sáng sớm chú đã lên chùa đến tối mịt lại đạp xe về. Cứ thế ngày qua ngày trót mấy mươi năm, nhưng với chú ở chùa là niềm vui lớn lao mà chú mong có được, tại đây ngày ngày được ôn lại chuyện xưa với những người bạn thuở cùng đam mê. Rồi được làm công quả cho chùa thấy lòng mình thanh thản hơn.
Nhìn theo cánh tay chỉ về phía có người phụ nữ tóc điểm sương đang ngồi trên chiếc ghế đá quay lưng về phía chúng tôi, chú Lí Lắc thở dài “đó là Cô đào Hai Hồng một thời cũng lẫy lừng trên sân khấu, lưu diễn khắp nơi nhưng cuối đời cuộc sống gia đình lại không được trọn vẹn. Chồng cô qua Mỹ ở luôn với người vợ thứ 2, để lại cho cô bốn người con. Thấy các con nghèo khổ quá người mẹ già không muốn là gánh nặng của con nên dành ra ngoài mướn nhà. Ngôi nhà mướn của cô ở gần chùa Nghệ sĩ với 300/tháng. Hằng ngày cũng giống tui. Cổ (giọng miền nam trong từ cô ấy) lên chùa từ sáng sớm và trở về lúc chạng vạng tối”.
Dạo một vòng quanh nghĩa trang mà thấy chạnh lòng cho những nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Đó không ai khác là NSND Phụng Há - cô đào nổi danh một thời; NSND Năm Đồ; NSND Ba Vân; NSND Năm Châu; hay các NSND Thành Tôn, Từ Anh, NSND Út Trà Ôn- ông vua vọng cổ qua bài Tình anh bán chiếu gắn liền cả một đời người; NSƯT Thanh Nga - nữ hoàng sân khấu tài sắc vẹn toàn của những năm 70; NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân cho đến giọng ca vàng Hữu Phước; hoàng đế đĩa nhựa Lê Tuấn Tài, Út Hiền, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, soạn giả Vĩnh Điền, đạo diễn Chi Lăng... diễn viên điện ảnh Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh... Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận mà nếu nghe ra thật đắng lòng. Nghệ sĩ Lí Lắc bắt đầu những câu chuyện huyền thoại một đời người mà có lẽ ông không bao giờ quên được… Đó là nghệ sĩ Bảy Cao nổi tiếng là "thần đồng" vọng cổ, bởi chỉ nghe một lần đã thuộc. Từ nhỏ, ông đã biết ca rất nhiều bản ngắn, bản dài. Thế nhưng, ông bầu gánh hát Hoa Sen, giọng ca lừng danh và cũng là một soạn giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng này đến khi mất phải nương vào nhà chùa để được chôn cất vì không gia đình, thân thích... Đó là nghệ sĩ Đức Lợi - từng là trụ cột lớn của đoàn Cải lương Sài Gòn và đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, từng đoạt huy chương Vàng (HCV) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995. Anh là một kép hát oai phong, dõng dạc với giọng ca trầm ấm trong nhiều vở tuồng kiếm hiệp mà một thời Đoàn hát Kim Chưởng tung hoành khắp miền Nam. Nhưng rồi bệnh tật đeo bám dai dẳng, khiến anh phải sống bằng trợ cấp của những tấm lòng hảo tâm. Khi an nghỉ nơi cửa Phật, anh phải nhờ những người nghệ sĩ đưa tiễn... Hay đó là chàng diễn viên Lê Công Tuấn Anh tài hoa bạc mệnh…Và còn nhiều lắm những câu chuyện “lối về” của các nghệ sĩ đã qua thời say đắm khiến người kể cứ khóe mắt rưng rưng.
Dẫu biết rằng cuộc đời con người vốn là kiếp con tằm nhả tơ, nhưng chạnh lòng cho những "con tằm" đem hết tơ nhả cho đời mà chỉ nhận được nỗi cô đơn, hiu quạnh... họ cần một điểm tựa cho mình bằng những công việc thanh nhàn như gắn kết tình anh em, đồng nghiệp nơi cõi xa xăm và thực tại. Chút niềm vui ít ỏi này họ vẫn đang cố giữ lấy để an nhiên trong những ngày cuối cuộc đời mình.