Gia cảnh bi đát của hai vợ chồng gặp nạn đất đè

Google News

(Kiến Thức) - Chồng nằm liệt giường, nhà lại có con nhỏ, nợ nần thuốc men. Trước thảm cảnh gia đình, chị Tiến gần như muốn ngã quỵ buông xuôi tất cả...

6 năm trước, anh bị sụp đất gãy xương sống nằm liệt giường. Tết vừa rồi, đường cùng phải kiếm miếng ăn, chị liều làm việc của anh và bị đất đè nứt gãy xương. Vợ chồng đều nằm một chỗ, gia đình đã nghèo lại càng túng, hai đứa con nhìn ba mẹ chỉ biết khóc.

Khi chúng tôi ghé thăm, anh Đinh Văn Xiêm (sinh năm 1974, tổ 2, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) đang nằm trên giường. Đứa con đầu Đinh Văn Hiển (12 tuổi) nặng nhọc nắn bóp và tập co duỗi chân cho ba, mồ hôi rịn ra trán. Chị Nguyễn Thị Tiến (sinh năm 1977) vợ anh Xiêm nghe có khách, liền chống nạng từ nhà dưới lê từng bước lên chào.

 Đi học về sớm, Hiển tranh thủ tập vận động cho ba.

Đã nghe bác trưởng thôn giới thiệu qua về hoàn cảnh của gia đình anh Xiêm, nhưng khi tận mắt nhìn cảnh chồng nằm liệt giường, vợ chống nạng nhích từng bước, trong khi hai đứa con còn quá nhỏ, chúng tôi không khỏi xót xa. Chị Tiến kể lại: “Gia đình tui vốn thiếu trước hụt sau, chồng tui phải đi đào đất cao lanh bán kiếm sống. Tháng 6/2007, trời mùa mưa đất lún, biết là nguy hiểm nhưng con nhỏ dại, vợ chưa đi làm được nên anh làm liều. Ảnh đang làm thì đất sụp đè lên người làm gãy xương cột sống. Nằm bệnh viện 2 tháng, nhà không có nhiều tiền, không chữa chạy hết được, ảnh bị liệt hai chân tới nay”.

Chồng nằm liệt giường, nhà lại có con nhỏ, nợ nần thuốc men. Trước thảm cảnh gia đình, chị Tiến gần như muốn ngã quỵ buông xuôi tất cả. Nhưng thương chồng con, chị dặn mình cố gắng. 400m2 ruộng không đủ gạo ăn, chị kiếm thêm đủ việc khác để làm. Sáng chị theo đàn ông trong xóm phụ hồ cho các công trình gần nhà, đến tối mịt về lo cơm nước, đêm lại cắp đèn bắt nhái đến gần sáng hôm sau. Giữa trưa, chị còn lo tranh thủ chạy về tập vận động cho chồng.

Đinh Văn Hiển nói: “Nhà em chỉ ăn canh rau nên nấu không khó”.

Con nhỏ, vợ đi làm, anh Xiêm nằm một chỗ không thể nghiêng được mình. Do vậy, có thời gian bị nóng bức làm lở loét vết thương. Thương anh, chị Tiến không dám làm xa để còn tranh thủ chạy về. Hai đứa con còn nhỏ, nhưng cũng phần nào hiểu được hoàn cảnh gia đình. Đứa lớn tập tành nấu ăn, đứa nhỏ Đinh Thế Quyền (10 tuổi) giành phần chăm ba.

Những ngày đầu, cơm canh sống sượng, nhưng nhà chỉ ăn canh rau nên Hiển cũng nhanh thạo. Riêng em Quyền, đôi chân ba dù đã teo tóp gần hết, nhưng việc nắn bóp và tập co duỗi cho ba đến hơn 30 phút cũng khiến đôi tay bé nhỏ của em mệt nhoài. Vất vả sớm, nhưng chưa khi nào anh chị thấy con mình than thở, tị nạnh nhau.

Quen dần với cảnh mất đi sức lao động của người đàn ông trong nhà, thì tết vừa rồi, các công trình đều nghỉ, nhà hết gạo, con đóng học phí. Chị Tiến nghĩ mãi không còn biết vay được ở đâu, bà con ai cũng nghèo và vay quá nhiều rồi. Đắn đo, suy tính chị đành liều đi đào đất cao lanh mang bán. “Tui cũng sợ lắm, lỡ tui có mệnh hệ gì thì chắc chết cả nhà chứ còn ai để dựa nữa, nhưng túng quá phải liều, nhà hết cái ăn rồi”, chị Tiến nhớ lại.

Đang cố đào thêm ít đất, chị nghĩ ít ra cũng mua được cho hai đứa con bộ đồ mới mặc chơi tết. Không may, lớp đất đá sụp xuống đè lấp người chị. Bà con xung quanh hô hoán chạy lại, kịp thời đào bới mới cứu chị thoát tay tử thần. Chị bất tỉnh trong bệnh viện, đến khi tỉnh lại mới hay mình bị nứt dập xương nhiều chỗ, đặt biệt là vùng xương chậu.

Nhà không còn ai đủ sức chăm chị, họ hàng cắt cử người vào trông. Nghĩ cảnh mình mang nợ quá nhiều, nay mai không còn ai lao động biết làm sao mà trả cho hết, nên tuy chưa hoàn toàn phục hồi chị cũng xin xuất viện sớm. Về nhà, chồng nằm một góc, con nheo nhóc chị khóc: “Còn mạnh thì còn làm trời long đất lở, gì cũng làm được. Nay cái thân lo không được thì em biết làm sao lo cho anh cho con”.

 Chị Tiến may mắn được cứu sống, nhưng xương chậu bị nứt nhiều chỗ.

Hai đứa con đang tuổi ăn học, nhà chỉ có một chiếc xe đạp, đứa nào tan giờ trước thì lấy xe chạy về tranh thủ phụ mẹ nấu cơm. Anh em cũng không dám đòi quà như những bạn bè cùng tuổi. Chỉ một đôi lần, nấn ná mãi hai đứa xin tiền mẹ đóng học phí. Mỗi lần như vậy, anh Xiêm gác tay lên trán, còn chị Tiến ngồi thẫn thờ biết lấy đâu ra tiền. Lo cơm qua bữa đã khó, mà không đành để con thất học. Gắng gượng cho con học tại trường thôi, không dám cho học thêm. Biết con mình thua thiệt so với bạn cùng lớp nhưng mỗi ngày hai anh em được đến trường đã là nỗ lực lớn lắm rồi.

Mong mỏi của chị Tiến lúc này là cầm cự được cuộc sống cho đến khi có thể đi lại được. Anh Xiêm thì hoàn toàn bất lực trước nghịch cảnh của mình. Hai đứa nhỏ vẫn chỉ biết tai ương trước mắt là ba mẹ không thể đi lại như trước, Hiển và Quyền chưa bao giờ hình dung được rằng hoàn cảnh bế tắc này có thể khiến hai anh em dở dang học hành.

Ông Võ Ngọc Quý, Trưởng thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú cho biết: “Nhà anh Xiêm nghèo từ trước tới giờ, chồng đã liệt, nay chẳng may vợ cũng gặp tai nạn thiệt chẳng khác nào bị dồn vào đường cùng. Chỉ mong những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ mới mong qua được cái nạn này, và hai đứa nhỏ cũng không phải nghỉ học”.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Tiến, ở tổ 2, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay. 

Trân trọng!     


ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Điện Thành – Trần Thiệt

Bình luận(0)