Hai mẹ con cứ bám vào nhau mà sống, một cuộc sống không có tương lai.
- Theo lời chỉ dẫn của người dân thôn Phúc Lý (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội), tôi chạy xe lòng vòng mãi mới tìm thấy nhà cô Sểnh, người phụ nữ mà bất kỳ ai sống ở đây nghe nói đến cũng chỉ biết lắc đầu thở dài.
Mẹ mù dở nuôi con thần kinh
Cả cái thôn này chẳng ai lạ gì cô Sểnh (Phạm Thị Sểnh), người phụ nữ một mắt mù, mắt còn lại cũng lòa chẳng nhìn rõ mặt đứa con gái bị thần kinh và động kinh từ nhỏ.
Nhà cô Sểnh chẳng khác gì một cái lều lụp xụp, ban ngày thì nắng rọi vào đầu mà trời mưa thì ngồi trong nhà vẫn phải mặc áo mưa.
|
Cô Phạm Thị Sểnh |
|
Căn nhà cũ kỹ, dột nát |
|
Những chiếc thùng gỗ được xếp tạm bợ vừa làm ghế tiếp khách vừa làm giường. |
Bà Hoàng Thị Kiên, cán bộ Văn phòng UBND xã Minh Khai cho biết: "Nhà cô Phạm Thị Sểnh là một trong những hộ nghèo và khó khăn nhất của xã. Cháu Lan bị bệnh thần kinh và động kinh từ nhỏ, mới đây còn phát hiện ra đang bị bệnh máu trắng nữa, nhưng gia đình quá khó khăn cũng chẳng có tiền cho cháu đi điều trị, dù biết mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cũng đành coi như không có".
|
Bà cụ Nguyễn Thị Định, người dẫn tôi đến đây ái ngại nói: “Nhà cô Sểnh này khổ nhất làng, mắt mũi thì mù dở, nghề ngỗng chẳng có, ai thuê đi cuốc đất nhổ cỏ thì làm thôi. Đã thế cô ấy đi làm cũng không yên tâm vì phải lo lắng cho đứa con bị thần kinh và động kinh ở nhà”.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố cô Sểnh có đến 7 người con với 3 bà vợ nên chuyện cãi vã, lục đục trong gia đình cô thấy từ nhỏ: “Hồi nhỏ tôi bị thủy đậu nhưng cả nhà đang mải cãi nhau chả ai thèm chữa chạy gì nên mới bị mù dở thế này”.
Người đàn bà mù dở cũng từng có đến 2 đời chồng. Người chồng đầu tiên ốm yếu, bệnh tật liên miên rồi mất. Người chồng thứ hai thì suốt ngày rượu chè, cờ bạc, thường xuyên đánh đập cô. Đến khi cô Sểnh sinh bé Lan thì ông ta cũng bỏ đi biệt tích để mặc người vợ mù dở với đứa con đau ốm liên miên. “Khổ thân con bé, mới sinh ra đã khổ. Nó bị thần kinh và động kinh nên ốm yếu từ nhỏ, bọn trẻ hàng xóm cũng chẳng thèm chơi, cả ngày cứ lủi thủi với mấy con chó, con mèo thôi” - cô Sểnh nói.
Ở nhà thì lo, đi làm thì sợ
Ngày nào không có ai thuê đi làm thì lo không có miếng ăn, nhưng lúc được đi làm cô Sểnh cũng chẳng yên tâm vì lo cho con: “Tôi đi làm phải khóa cửa nhốt con bé trong nhà nhưng lúc nào cũng lo nơm nớp nó ngã hay lên cơn động kinh. Lần trước nó lên cơn, nằm co ro dưới đất giật đùng đùng, bọt mép sùi ra. Chẳng biết làm thế nào tôi chỉ ngồi ôm con khóc”.
|
Bé Lan rất chăm chỉ, dù chẳng hiểu gì nhưng lúc tỉnh táo em cũng cố gắng giúp mẹ. |
|
Bữa cơm chiều đạm bạc của hai mẹ con |
Chẳng có bạn bè nên bé Lan “cưng” mấy con chó lắm, còn bọn chúng lúc nào cũng chạy theo, rúc vào lòng thân thiết. Mấy năm trước có đợt nhà khó khăn quá, không vay mượn đâu được, cô Sểnh đành phải bán một con chó để lấy tiền đong gạo.
"Khi thấy người lạ quàng cái thòng lọng vào cổ con chó thì tự nhiên nó tỉnh táo, lao đến ôm chặt con chó khóc "rống" lên: “Mẹ ơi, mẹ đừng bán em Cún, con không đòi ăn cơm nữa đâu, mẹ cho em Cún ở lại nhé”. Nhìn con khóc mà lòng tôi đau như cắt. Nhưng cuối cùng nó vẫn không thể giữ em Cún của nó ở lại" - cô Sểnh kể.
|
Bé Lan quấn quýt với con chó như một đứa em nhỏ. |
Bữa cơm chiều được dọn ngoài sân để đỡ phải bật thêm một ngọn đèn, hai mẹ con ngồi ăn ngay dưới đất, bên cạnh là lũ chó, mèo.
Nghĩ đến cuộc sống nghèo khổ của mình, cô Sểnh vừa khóc vừa nói: “Có mẹ, có con thì khổ mấy tôi cũng chịu được, nhưng mới đây còn phát hiện cháu bị thêm bệnh máu trắng nữa. Tôi cũng yếu rồi, mắt lại mù dở, nếu mệnh hệ nào thì chẳng biết con bé sẽ ra sao...”.
|
Mỗi lần nhắc đến bé Lan là cô Sểnh lại khóc. |
|
Tương lai của con bé sẽ đi về đâu |
Bé Lan không hiểu sao hôm nay nhà có cơm ăn mà mẹ lại khóc. Bé lại càng không thể biết được tương lai nào đang chờ bé ở phía trước.
Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:
1. Cô Phạm Thị Sểnh, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.
Trân trọng!
|
B.A.U
[links()]