Theo GS Nguyễn Ngọc Doãn, “Thái Ất kể ngày luận về mệnh hạn người đời. Đo biết họa phúc, định luận không sai. Suy rõ mấu chốt, nên cẩn thận tinh tường, diệu ở huyền vi tỏ biết... Phép này, mọi người dân gian sử dụng để đo lường hoạ phúc cho mình, vào đời dựng nghiệp lớn hay nhỏ, được hưng hay suy, biết mấu chốt mà định luận không sai về vận hạn sống trong đời sao cho hợp đạo nhà, đạo nước và đạo học đúng nghĩa quen gọi là Đạo Người."
Theo sách “Những người thầy trong sử Việt”, cuốn “Thái Ất thần kinh” do thầy giáo Lương Đắc Bằng truyền lại cho học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là cuốn sách quý nhưng khó, nhiều chỗ, nhiều đoạn ngay cả Lương Đắc Bằng cũng không giải được. Sau này, Nguyễn Bỉnh Khiêm lý giải, hiểu hết nội dung cuốn sách.
Đánh giá về cuốn sách, sử gia Lê Quý Đôn nhận xét: "Thái Ất phần nhiều nói về binh pháp địch ta, chủ khách, lợi hại, được mất, cái cơ thịnh suy, trị loạn; cái thế thắng thua, yên hay nguy, không điều gì là không bày rõ. Nếu hiểu lẽ ấy mà biết phòng bị, ứng phó thì có thể tìm điều lành, tránh điều dữ, tiêu hoạ, vời phúc thì, mới là người giỏi dùng sách Thái Ất vậy... Làm tướng mà không biết sách ấy thì sẽ mờ tối ở chỗ đánh hay giữ, tiến hay ngừng; không lấy gì mà quyết đoán các nghi mưu khi ra trận tuyến; làm tể tướng mà không biết sách ấy sẽ sai lầm ở sự động hay tĩnh, cất lên hay đặt xuống; không lấy gì để quyết đoán những nghị luận lớn cho triều đình...".
"Bạch Vân am thi tập" là tập thơ bằng chữ Hán nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tên chữ “Bạch Vân” có nguồn gốc từ tên hiệu “Bạch Vân am cư sĩ” của ông. Nhận xét về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà bác học Phan Huy Chú từng viết: “Đại để là thanh tao, tiếu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên… Lời và ý đều nhẹ nhàng nhàn nhã, có thể thấy được chí không thích làm quan”.
“Bạch Vân am thi tập” và “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” là 2 tập thơ có giá trị nhất của Trạng Trình để lại cho hậu thế. “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” được viết bằng chữ Nôm, hiện còn 180 bài thơ. Các sáng tác thơ trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu được sáng tác theo thể Đường luật. Theo các nhà nghiên cứu, đến nay, khoảng 800 bài thơ, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm của Trạng Trình, còn được lưu lại.
Ngoài văn thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng để lại nhiều bài ký nổi tiếng như "Trung Tân quán bi ký", "Thạch khánh ký", "Tam giáo tượng bi minh"... Hầu hết bia đá ông cho khắc lúc sinh thời đã bị thất lạc hay hư hại qua hàng thế kỷ nhưng nhiều bài văn bia nhờ được người đương thời chép lại mà còn lưu đến hôm nay.
>> xem thêm
Bình luận(0)