Buổi toạ đàm giới thiệu hai cuốn sách "Lí do thực tiễn - Về lí thuyết hành động" (Raisons pratiques – Sur la théorie de I’action) của Pierre Bourdieu và "Pierre Bourdieu một dẫn nhập" (Pierre Bourdieu une introduction) của Pierre Mounier sẽ diễn ra tại Thư viện, Trung Tâm Văn hoá Pháp, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
|
Buổi toạ đàm diễn ra vào 18h ngày 22/4/2022. |
Pierre Bourdieu (1930-2002), được coi là một trong những gương mặt lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học xã hội Pháp, và có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX. Kế thừa di sản trực tiếp từ Marx, Weber, Mauss, Durkheim, Cassirer, Althusser, Bacherlard,... các nghiên cứu của ông xuất phát từ nhân học đã nhanh chóng chuyển sang xã hội học và được triển khai trên một quy mô rất rộng bao trùm nhiều ngành và nhiều lĩnh vực của khoa học nhân văn.
Trong công trình "Lí do thực tiễn – Về lí thuyết hành động", Pierre Bourdieu đã trình bày những đặc điểm cơ bản nhất trong cách tiếp cận lí thuyết của ông.
Lí thuyết của Bourdieu vừa là một triết lí về mối quan hệ của khoa học dành để khám phá các mối quan hệ khách quan đã định hình và làm nền tảng cho đời sống xã hội, vừa là một triết lí hành động có xét đến sự sắp xếp của các tác nhân cũng như các tình huống có cấu trúc mà chúng hoạt động trong đó.
Cuốn sách "Pierre Bourdieu một dẫn nhập" có hệ thống về sự nghiệp kéo dài gần 40 năm của nhà xã hội học Pháp. Với gần 30 cuốn sách (không kể các bài viết), sự nghiệp của Bourdieu có chiều kích của một công trình lớn có logic nội tại. Để hiểu sự nghiệp ấy, trước hết là khôi phục tiến trình hình thành, trình bày những nếp uốn nội tại, để từ đó hiểu được sự tiến hóa và vận động của tư tưởng nhà xã hội học. Qua đó, ta có thể phần nào tiếp cận được những cuộc tranh luận chính trị và tri thức Pháp trong nửa sau thế kỷ XX mà ông đã từng đóng góp vào.
Hai cuốn sách "Lí do thực tiễn - Về lí thuyết hành động" và "Pierre Bourdieu một dẫn nhập" xứng đáng có được sự quan tâm của sinh viên và học giả trong các ngành xã hội học, nhân chủng học, chính trị và triết học, cũng như toàn bộ ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung.