Ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ khi muốn mua cả S-400 của Nga và Patriot Mỹ

Google News

Bất chấp những bất đồng hiện tại giữa Washington và Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ra dấu hiệu có thể mua hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ.
 

Theo giới chuyên gia, động thái này có thể là một phần trong chiến lược thương lượng phức tạp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara nghiêm túc đánh giá khả năng mua tên lửa Patriot nếu như Nhà Trắng đề nghị một mức giá hữu nghị.
“Nếu họ đưa ra mức giá bán hợp lý, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghiêm túc cân nhắc mua tên lửa Patriot của Mỹ cũng như tham gia dây chuyền cùng sản xuất và chuyển giao công nghệ. Thổ Nhĩ Kỳ không thể chỉ phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất bởi Thổ Nhĩ Kỳ là nước lớn”, phát ngôn viên Tổng thống Erdogan phát biểu trong hội thảo về các mối quan hệ Nga – Thổ diễn ra ở thủ đô Ankara.
Y do cua Tho Nhi Ky khi muon mua ca S-400 cua Nga va Patriot My
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: Reuters 
Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài để mua tên lửa Patriot. Tuy nhiên, quá trình đàm phán với Washington bị gián đoạn hai lần - lần đầu tiên vào năm 2013 khi Ankara thông báo sẽ mua một hệ thống phòng không của Trung Quốc, và sau đó vào năm 2017 khi cuối cùng họ quyết định chọn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Các nhà lập pháp Mỹ tuyên bố thỏa thuận của Tổng thống Erdogan với người Nga sẽ làm suy yếu an ninh NATO. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lại thách thức với việc ký hợp đồng mua S-400. Để cảnh báo Ankara, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật trì hoãn việc chuyển giao 100 máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Đánh giá về động thái ngỏ ý muốn mua cả hai hệ thống phòng không của Nga và Mỹ, Nikita Danyuk – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và Dự đoán Chiến lược Moskva – cho rằng việc đàm phán với nhiều đối tác cũng một lúc nằm trong chiến thuật sử dụng thỏa thuận vũ khí như một công cụ mặc cả của Tổng thống Erdogan.
“Trong lúc muốn thống trị Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách lợi dụng mâu thuẫn giữa các quốc gia lớn như Mỹ và Nga để có lợi cho mình. Rất có thể Tổng thống Erdogan muốn phía Nga cũng có những nhượng bộ cụ thể liên quan tới lĩnh vực hợp tác quân sự”, nhà phân tích đánh giá.
Các quốc gia mua vũ khí của Moskva có nguy cơ vi phạm Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA. Chuyên gia Danyuk cho rằng để tránh bị trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng nắm bắt cơ hội mua tên lửa của Mỹ.
Phát biểu với RT, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Konstantin Truyevtsev cho rằng Ankara hy vọng sẽ thay đổi chính sách của Mỹ đối với người Kurd ở Syria và thậm chí thuyết phục Washington bàn giao Giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.
Hiện Lầu Năm góc đang hỗ trợ về mặt vũ khí và đào tạo cho lực lượng dân quân YPG người Kurd ở miền Bắc Syria. Ankara coi YPG là một tổ chức khủng bố và đã có nhiều chiến dịch quân sự chống lại dân quân Kurd ở Syria.
Trong khi đó, Truyevtsev – một nghiên cứu viên làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông phương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, dự đoán Tổng thống Erdogan sẽ không thành công trong việc mua Patriot của Mỹ.
Sự phản đối từ Nhà Trắng có thể không phải là điểm yếu duy nhất trong quân bài mặc cả của Tổng thống Erdogan. Như chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov chỉ ra, sẽ rất khó để làm hệ thống tên lửa Patriot tương thích với S-400 của Nga, nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua cả hai. "Tên lửa Patriot khó có khả năng tích hợp cùng một hệ thống điều khiển đơn nhất với S-400. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ không cho phép điều đó xảy ra - vì lo sợ Moskva sẽ nắm bắt được kỹ thuật công nghệ cao nước mình".
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)