Vũ khí hóa học: Cơn ác mộng đáng sợ nhất của nhân loại

Google News

(Kiến Thức) - Trong Chiến tranh Thế giới thứ 1, khi lần đầu tiên khí Clo được sử dụng nó đã khiến 1.400 lính Anh thiệt mạng và 4.000 người khác bị thương chỉ trong một buổi chiều.

Việc sử dụng vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất là một trong những điều khó chấp nhận nhất trong cuộc xung đột vốn đã rất khủng khiếp này cũng như mở ra một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Mặc dù Tuyên bố La Haye (The Hague) năm 1899 và Công ước Lahaye năm 1902 đã ngăn cấm việc sử dụng vũ khí hơi độc, nhưng chẳng bao lâu sau, các chiến trường đã tràn ngập khí độc, giết chết hoặc làm bị thương hàng vạn binh lính. Tuy nhiên, dù rất thông dụng trong giai đoạn giữa năm 1914 và 1918, sau này khí độc không còn được sử dụng trong chiến tranh thông thường nữa, bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã phơi bầy hết những tiềm năng lẫn hạn chế của nó.
 Một nạn nhân tử vong trong tư thế co quắp do dính khí độc. Nguồn ảnh: Militarytimes.
Phá vỡ thế bế tắc
Đến cuối năm 1914, cuộc chiến ở Mặt trận phía Tây phần lớn đã thoái trào thành chiến tranh chiến hào. Cả hai bên đều đang tìm cách để phá vỡ thế bế tắc và vào ngày 22/4/1915, trong trận Ypres lần thứ hai, quân Đức đã cố gắng làm điều này bằng cách sử dụng khí độc. Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên binh lính sử dụng khí độc trên chiến trường. Năm 1914, cả hai phe Pháp và Đức đều đã thử nghiệm hơi cay và các chất hóa học gây kích thích khác, được chứa trong cả lựu đạn cầm tay lần đạn pháo. Các thử nghiệm trong chiến trận không đạt được thành công cao nhưng tại Ypres, quân Đức chuyển sang dùng khí clo chết người và họ đã bơm khí này sang hàng ngũ của quân Anh, Canada và Pháp để chuẩn bị cho bộ binh tấn công. Có khoảng 1400 lính Đồng Minh bị giết bởi loại khí độc này và 4000 người khác bị thương. (khí clo gây kích thích và tràn dịch phổi, khiến nạn nhân chết đuối ngay trên cạn).
Bất chấp việc quân Đồng Minh lên án cuộc tấn công này, quân Anh đã trả miếng lại trong trận Loos vào ngày 24/9/1915 bằng cách xả ra 5900 bình khí clo. Việc phun hơi độc phụ thuộc hoàn toàn vào hướng gió đã dẫn đến hậu quả đau đớn đó là phần lớn lượng khí độc bị thổi ngược trở lại phòng tuyến của lính Anh, gây ra cái chết của hơn 1000 binh lính Hoàng gia.
Hỗn hợp chết người
Mặc dù hơi độc không mang lại bước đột phát chiến lược như kỳ vọng nhưng từ năm 1915 trở đi, chúng vẫn có mặt trong kho vũ khí thông thường. Đã có thêm hai loại khí khác được vũ khí hóa đó là khí Phosgene và khí mù tạt. Cả hai đều là các chất hóa học kinh khủng. Khí phosgene có thể hủy hoại hệ thống hô hấp của cơ thể người, điểm dã man nhất của loại khí này đó là nạn nhân sẽ không hay biết mình đang hít khí phosgene do nó không có mùi, cuối cùng, nạn nhân xấu số sẽ chết sau khoảng 48 tiếng do hệ thống hô hấp bị phá hỏng. Khí mù tạt được quân Đức sử dụng lần đầu tại Mặt trận phía Đông vào tháng 9/1917 và mặc dù không có mùi nhưng nó lại gây phồng rộp nghiêm trọng, gây mù, tổn hại cơ thể và làm hỏng phổi của nạn nhân.
 Lựu đạn hơi độc được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Nguồn ảnh: Militarytimes.
Trong đợt quân Đức phóng ồ ạt khí mù tạt đầu tiên vào ngày 12-13/7/1915, 15.000 lính Anh đã bị thương và 450 người chết vì các vết thương sau đó. Thường sẽ có nhiều loại khí độc khác nhau được triển khai đồng thời với khói để gây hỗn loạn trong chiến tuyến địch.
Ban đầu, khí độc được phun trực tiếp từ cac bình khí nén, nhưng đến cuối năm 1915, đạn pháo đã trở thành thứ phương tiện triển khai khí độc hiệu quả bậc nhất vì chúng có độ chính xác cao, xả được khí độc ở xa phòng tuyến quân ta để tránh việc khí độc bị gió thổi ngược. Mặc dù vậy, nếu gió thổi ngược đủ lâu và cơn gió đủ mạnh, khí độc vẫn sẽ bay ngược về tận nơi những khẩu pháo vừa bắn chúng đi.
 Cấu tạo của một quả bom khí độc đơn giản. Nguồn ảnh: Militarytimes.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến, việc bảo vệ binh lính khỏi khí độc còn rất sơ khai với chỉ một miếng bông được nhũng vào nhiều hỗn hợp khác nhau như nước tiểu hoặc natri bicacbonat rồi quấn lên mặt. Tuy nhiên, tới năm 1917 thì những chiếc mặt nạ phòng độc chùm đầu tinh vi hơn đã ra đời. Một phần bởi sự ra đời của những chiếc mặt nạ này, phần khác là do yếu tố bất ngờ đã không còn nên số lượng thương vong do khí độc đã giảm đáng kể từ sau năm 1915.
Khi kết thúc chiến tranh, thế giới phẫn nộ vì việc khí độc được sử dụng và nó đã bị cấm bởi Nghị định thư Geneva năm 1925 về chiến tranh hóa học. Tuy nhiên nguy cơ vũ khí hóa học vẫn chưa bao giờ tan biến hoàn toàn và việc huấn luyện để chống lại các cuộc tấn công hóa học vẫn là một phần thiết yếu trong quá trình huấn luyện quân sự của nhiều nước hiện nay.
Mời độc giả xem Video: Thước phim hiếm hoi về cảnh sử dụng khí độc tấn công trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)