Tướng Nga cay đắng thừa nhận sự thật về Sukhoi Su-57

Google News

Khó khăn về ngân sách quốc phòng và vấn đề kỹ thuật có thể là lý do ngăn cản Nga sản xuất hàng loạt tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57.

"Chúng tôi không có kế hoạch sản xuất với số lượng lớn tiêm kích Sukhoi Su-57. Việc sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ tàng hình này không có ý nghĩa vào lúc này và chỉ xảy ra khi tiêm kích thế hệ 4 của Nga lạc hậu so với đối thủ phương Tây", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố trên truyền hình Nga hồi đầu tháng 7.
Su-57 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do Nga tự nghiên cứu, phát triển và được cho là ưu việt hơn so với đối thủ F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, Nga mới chỉ sản xuất một số chiếc Su-57 để phục vụ mục đích thử nghiệm, chưa đưa vào biên chế đại trà.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Sukhoi Su-57 là một mẫu chiến đấu cơ đủ tốt nhưng nó không "phù hợp" với Không quân Nga ở thời điểm hiện tại. Nguồn ảnh: Dive. 
"Su-57 đã thể hiện rất tốt, đặc biệt ở Syria, nơi nó chứng minh được khả năng vận hành và tác chiến của mình", Borisov nói. "Hiện nay Su-57 được coi là một trong những mẫu máy bay tốt nhất từng được sản xuất trên thế giới. Bởi vậy, việc tăng tốc để sản xuất hàng loạt tiêm kích thế hệ 5 này không có nhiều ý nghĩa".
Borisov tuyên bố Su-57 là "át chủ bài" mà Nga có thể tung ra khi các chiến đấu cơ thế hệ cũ hơn tỏ ra thất thế trước dòng máy bay tương tự của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng lý do chính khiến Nga chưa sản xuất hàng loạt Su-57 có thể liên quan đến ngân sách quốc phòng eo hẹp của nước này.
Giá thành mỗi chiếc Su-57 vào khoảng 40-45 triệu USD, rẻ hơn 2,5 lần so với tiêm kích F-35 của Mỹ, nhưng vẫn sẽ là gánh nặng lớn với chi tiêu quân sự của Nga nếu mua sắm với số lượng lớn. Bộ Quốc phòng Nga đến tháng 7 vẫn chưa ký hợp đồng sản xuất lô 12 tiêm kích Su-57 đầu tiên sau giai đoạn thử nghiệm.
Được thử nghiệm lần đầu vào năm 2010, Su-57 được không quân Nga kỳ vọng sẽ thay thế các tiêm kích MiG-29 và Su-27 vào thập niên 2020 và 2030. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay dường như đã bị hoãn lại.
Một lý do khác khiến Su-57 không được sản xuất hàng loạt là những vấn đề kỹ thuật vẫn cần phải khắc phục trên mẫu tiêm kích tàng hình này.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn chật vật với chương trình phát triển động cơ thế hệ mới mang tên Saturn Izdeliye 30 cho Su-57. Mẫu động cơ vector ba chiều có lực đẩy lớn và hiệu suất tiêu thụ cao này khó có thể được sản xuất hàng loạt trước năm 2020.
Không quân Nga đang vận hành 10 nguyên mẫu Su-57 để đánh giá và thử nghiệm, hai chiếc đầu tiên dự kiến được biên chế vào lực lượng này trong năm 2019.
Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)