Tiết lộ khiến Mỹ-Hàn hoảng vía: Triều Tiên có tiêm kích MiG-29SE/SM

Google News

(Kiến Thức) - Việc Triều Tiên sở hữu phiên bản tiêm kích MiG-29SE và MiG-29SM được cho là một bất ngờ rất lớn với tình báo Mỹ - Hàn.

Ngày 2/3/2003, một máy bay trinh sát RC-135S của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản và tiến về không phận Bắc Triều Tiên từ phía đông Biển Nhật Bản. Khi cách bờ biển Bắc Triều Tiên 240 km, lập tức 2 tiêm kích MiG-29 của Không quân Bắc Triều Tiên xuất hiện và áp sát chiếc RC-135S.
Phi hành đoàn trên chiếc máy bay trinh sát thuộc Phi đội trinh sát số 82 vốn đã quen với các tình huống tương tự nên vẫn giữ bình tĩnh và xử lý một cách khéo léo với 2 tiêm kích Triều Tiên. Đột nhiên, một sĩ quan điện tử trên máy bay phát hiện có gì đó khác lạ trên chiếc MiG-29. Đây không phải phiên bản MiG-29 có trong trang bị của Không quân Bắc Triều Tiên lâu nay, đây là một biến thể hoàn toàn mới.
Tiet lo khien My-Han hoang via: Trieu Tien co tiem kich MiG-29SE/SM
MiG-29SE 9.13S của Không quân Triều Tiên áp sát chiếc RC-135S ngày 2/3/2003. Ảnh do sĩ quan điện tử chụp từ chiếc RC-135S. Nguồn: USAF Photo 
Mikoyan MiG-29 là một loại tiêm kích phản lực hạng nhẹ thuộc thế hệ thứ 4 do phòng thiết kế Mikoyan (Liên Xô cũ)thiết kế vào giữa những năm 1970, chính thức đi vào sản xuất đại trà năm 1981 và biên chế trong Không quân Xô Viết từ năm 1982.
MiG-29 thực chất là một tiêm kích đa năng, nhưng được thiết kế với nhiệm vụ chính là chiếm ưu thế trên không và bảo vệ các mục tiêu điểm trong vùng bán kính chiến đấu từ 500-600 km. Với tính tin cậy cao, chi phí vận hành thấp, thời gian đào tạo và huấn luyện sử dụng vừa phải, MiG-29 vẫn còn được sử dụng trong lực lượng không quân và không quân hải quân của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với 14 biến thể khác nhau.
Tiet lo khien My-Han hoang via: Trieu Tien co tiem kich MiG-29SE/SM-Hinh-2
 Đặc điểm nhận dạng giữa tiêm kích MiG-29B (trên) và MiG-29SE/SM (dưới) chính là ở chiếc lưng gù.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Bắc Triều Tiên có nhập khẩu 14 tiêm kích MiG-29B 9.12A và MiG-29UB 9.51 từ Liên Xô vào năm 1987 nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân già nua và lỗi thời của mình. Năm 1992, Triều Tiên cố gắng mua lại 10 chiếc MiG-29B 9.12A và phiên bản hiện đại hơn MiG-29S 9.13 từ Nga, tuy nhiên sau khi chuyển giao được 3 chiếc thì hợp đồng bị chấm dứt.
MiG-29B 9.12A là phiên bản xuất khẩu của MiG-29 9.12 trong Không quân Xô Viết. Phiên bản này bị Liên Xô cắt giảm tính năng mạnh mẽ, radar N-019 có tầm quét hạn chế, máy bay thiếu hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phân biệt bạn-thù. Ngoài ra, phiên bản này cũng không mang được các loại tên lửa không đối không tầm xa như R-27ER, R-27ET và RVV-AE. Điều nàydẫn đến máy bay hoàn toàn không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không chiến ngoài tầm nhìn.
Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1991 và Chiến tranh Kosovo năm 1999, tất cả các máy bay MiG-29B 9.12A của Không quân Iraq và Không quân Nam Tư đều bị lực lượng Không quân liên hợp do Mỹ dẫn đầu đánh bại. Nguyên nhân không đâu khác chính là ởkhả năng không chiến ngoài tầm nhìn và khả năng kháng nhiễu của các tiêm kích MiG-29 gần như bằng không.
Ý thức được nguy cơ này, Triều Tiên bắt đầu tìm kiếm các tiêm kích có khả năng không chiến ngoài tầm nhìn tốt từ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Cuối cùng, phiên bản MiG-29SE 9.13S và MiG-29SM 9.13M lọt vào “mắt xanh” của họ.
Tiet lo khien My-Han hoang via: Trieu Tien co tiem kich MiG-29SE/SM-Hinh-3
MiG-29SM của Không quân Triều Tiên với tên lửa R-27. Các tiêm kích này được sơn màu sơn mới, rất giống với màu sơn ngụy trangtrên các tiêm kích thuộc khối Warszawa cũ. Nguồn ảnh: KCNA 
MiG-29SE khắc phục đầy đủ các điểm yếu tồn tại trên MiG-29B 9.12A. Nó được thay radar N-019 cũ bằng radar N-019ME, có tầm quét gấp đôi, có khả năng bám sát 10 mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt 2 mục tiêu trong số đó. Radar tương thích với tên lửa RVV-AE và R-27ER có tầm bắn lần lượt là 80 km và 117 km. Khả năng đối kháng điện tử cũng được nâng cao khi tổ hợp tác chiến điện tử L-203BE Gardeniya-1 được tích hợp lên máy bay. Ngoài ra, nó còn có thể mang 3 thùng dầu phụ thay vì 2 như các phiên bản trước đó.
Phiên bản tiêm kích MiG-29SM thậm chí còn vượt trội hơn. Ngoài khả năng không chiến ngoài tầm nhìn, nó còn có thể mang các vũ khí không đối đất, không đối hải có điều khiển như tên lửa Kh-29T, Kh-31A, Kh-31P và bom thông minh KAB-500Kr.
Một điểm thú vị là MiG-29SE/SM chỉ được sản xuất ở Nga với số lượng khoảng từ 30-48 chiếc. Toàn bộ số tiêm kích này được trang bị cho Trung đoàn tiêm kích số 19 và Trung đoàn tiêm kích số 31, thuộc Tập đoàn Không quân số 4.
Theo các thông tin từ Nga, có khoảng 16-20 tiêm kích MiG-29SE/SM, MiG-29B 9.12A và MiG-29UB 9.51 đã được bán cho Triều Tiên trong giai đoạn 1995-2005. Trước khi được chuyển về CHDCND Triều Tiên, số tiêm kích này được gửi gấp tới Nhà máy hàng không Baranovichy, Belarus nhằm đại tu và nâng cấp toàn diện.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ ước lượng rằng, Triều Tiên đang sở hữu 16-18 tiêm kích MiG-29SE/SM cùng 36 tiêm kích MiG-29B/UB. Toàn bộ số máy bay này đang thuộc biên chế của Trung đoàn không quân tiêm kích số 57, đóng quân tại căn cứ Sunchon.
Sự xuất hiện của các tiêm kích MiG-29 đặc biệt chắc chắn là một bất ngờ vô cùng khó chịu cho các đối thủ của Triều Tiên trong tương lai.
Minh Nhật

>> xem thêm

Bình luận(0)