Từ START-1 đến START-3
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev và Barack Obama đã ký Hiệp ước START-3 vào tháng 4-2010. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng kéo dài thêm 5 năm nữa nếu hai bên tham gia hiệp ước đồng thuận. Theo các điều khoản của hiệp ước này, trước tháng 2-2018, hai nước phải giảm bớt kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo đó, mỗi bên tham gia hiệp ước không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai, như: Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
Hiệp ước START-3 thay thế cho Hiệp ước START-1 được ký kết vào năm 1991 và Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT) được ký vào ngày 24-5-2002. Hiệp ước START-1, có hiệu lực từ ngày 5-12-1994 và được tính toán cho khoảng thời gian 15 năm, đã kêu gọi mỗi bên giảm số lượng đầu đạn hạt nhân ở mức 6.000 đơn vị. Còn theo Hiệp ước SORT, có hiệu lực từ ngày 1-6-2003, cả Mỹ và Nga phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân đang trong trạng thái trực chiến còn 2.200 đơn vị.
|
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga (lúc đó là Barack Obama và Dmitry Medvedev) sau lễ ký Hiệp ước START-3 vào ngày 8-4-2010 tại lâu đài Prague (Cộng hòa Czech). Ảnh: RIA.
|
Moscow và Washington cũng đã ký Hiệp ước START-2 vào năm 1993. Theo hiệp ước này, các bên bị cấm sử dụng tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn tự tách. Tuy nhiên, theo Moscow, START-2 chỉ có quyền tồn tại trong điều kiện gìn giữ Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM). Nhưng sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2001, START-2 đã thực sự mất đi sức mạnh của nó. Thay vào đó, năm 2002, các bên ký kết Hiệp ước SORT.
Bước đi đúng đắn
Hãng tin RT của Nga mới đây cho biết, Washington hiện vẫn chưa trả lời Moscow về việc gia hạn Hiệp ước START-3. Điều này được Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thông báo tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm 20-7 vừa qua. Theo ông Anatoly Antonov, dù có một số câu hỏi đặt ra cho Mỹ về việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận, nhưng Nga đã sẵn sàng kéo dài thời gian hiệu lực của Hiệp ước START-3.
Ngày 19-7, trong cuộc họp của các đại sứ và đại diện thường trực tại Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, công tác mở rộng thời gian hiệu lực của Hiệp ước START-3 nên được bắt đầu từ bây giờ, bởi hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021. Người đứng đầu Nhà nước Nga nói thêm rằng vài năm trước, Moscow đã thực hiện một bước đi đúng đắn thông qua việc ký Hiệp ước START-3.
Vấn đề mở rộng thêm thời gian thực hiện Hiệp ước START-3 là một trong những chủ đề “nóng” của hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Phát biểu trên kênh truyền hình “Nước Nga 1” hôm 18-7, ông Anatoly Antonov cho biết: "Hai vị tổng thống đã nói về tương lai của Hiệp ước START, những gì nên được thực hiện với Hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF). Cả hai nhà lãnh đạo đều ủng hộ việc gìn giữ hai hiệp ước này...”.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga Ivan Konovalov đưa ra một số lý do giải thích cho việc Washington chưa có quyết định chính thức về vấn đề mở rộng START-3. Ông cho biết: "Mặc dù trước đây đã có báo cáo nói rằng ông Donald Trump đã phê duyệt ý tưởng đàm phán về việc kéo dài thời gian hiệu lực của START-3 nhưng hiện nay Washington đang do dự. Năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng đã bắt đầu công cuộc hiện đại hóa quy mô lớn lực lượng chiến lược hạt nhân của Mỹ và đối với ông ấy, lực lượng vũ trang có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nghiêm túc nào, ông Donald Trump sẽ suy nghĩ kỹ lưỡng”. Ngoài ra, Ivan Konovalov nói thêm, một số bất đồng giữa Nga và Mỹ về Hiệp ước INF cũng gây ra một số ảnh hưởng. Theo ý kiến của ông, cả Moscow và Washington đều cần nhận thấy rằng việc phá vỡ các cuộc đàm phán về vấn đề kéo dài thời gian hiệu lực của Hiệp ước START-3 có thể góp phần tạo ra các kịch bản không mong muốn đối với tất cả các bên.
Mặt khác, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Ivan Konovalov, việc Nga sở hữu các loại vũ khí chiến lược mới, đã được Tổng thống Nga giới thiệu trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3, không gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán về START-3. Về phần mình, Andrei Koshkin, người đứng đầu Bộ môn Chính trị và Xã hội học của Đại học Kinh tế Quốc dân G.V.Plekhanova (Nga), nhận định: Việc Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về Hiệp ước START-3 sau khi đã phát triển các vũ khí chiến lược độc đáo là bằng chứng tốt nhất cho tư tưởng yêu chuộng hòa bình của Nga.