Kỳ 2: Tạo thế vững chắc, chi việc hỏa lực chính xác, giành thắng lợi lớn
Nếu so sánh về thực lực pháo binh của ta và quân Pháp lúc đó tại Điện Biên Phủ thì rõ ràng sự chính quy và trình độ tác chiến pháo binh quân đội nhà nghề của Pháp hơn hẳn pháo binh quân đội ta nhiều lần. Tuy nhiên, pháo binh quân đội Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ đã thất bại thảm hại và trở thành “thứ đồ chơi” trong chiến dịch này. Pháo binh quân đội Pháp thua vì bị bất ngờ bởi cách tạo thế vô cùng bí ẩn của lực lượng pháo binh Việt Nam non trẻ.
Tại chiến dịch này ta đã sử dụng lực lượng pháo binh tập trung tới mức cao nhất theo khả năng hiện có, với: 100% lực lượng pháo cơ giới, 80% lực lượng súng cối cỡ lớn, 75% lực lượng sơn pháo (so với tổng số pháo binh hiện có). Do huy động tối đa pháo binh nên ta giành được lợi thế so với địch: Ưu thế lực lượng pháo binh về chiến dịch là ta 2,1, địch 1; ưu thế lực lượng trên hướng chủ yếu chiến dịch là ta 2,3, địch 1; ưu thế lực lượng trong chiến đấu là ta 3, địch 1 (tỷ lệ trên tính theo số lượng, chưa tính hệ số chất lượng).
Trong phân chia lực lượng pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tập trung 89% lực lượng cho thê đội một chiến dịch, giúp cho việc bảo đảm hỏa lực chi viện đột phá nhanh chóng đã đánh chắc thắng các trận then chốt mở đầu chiến dịch như trận tiến công cứ điểm Him Lam và Độc Lập.
|
Lựu pháo mặt đất của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu). |
Ở chiến dịch này, lần đầu tiên pháo cơ giới tham gia chiếm tỷ lệ 14% trong tổng số lực lượng pháo toàn chiến dịch. Pháo cơ giới đã phát huy sức mạnh hỏa lực, đánh những đòn hỏa lực bất ngờ, đau, hiểm ở những trận mở đầu, trận then chốt và đặc biệt trong giai đoạn tổng công kích kết thúc chiến dịch.
Sức mạnh hỏa lực của loại pháo lựu đã sát thương sinh lực địch, phá hủy công sự địch, làm suy sụp tinh thần quân địch, buộc địch phải nhanh chóng đầu hàng quân ta. Nhiều tên hàng binh địch đã nói: "Chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy tiếng rít ghê sợ, những vệt lửa đỏ lừ, những ánh chớp và tiếng nổ kinh khủng như ở Điện Biên Phủ". Pháo cơ giới thực sự đã góp phần làm mất chỗ dựa chủ yếu của địch trong phòng ngự, hạn chế ưu điểm hệ thống hỏa lực pháo binh, khoét sâu mặt yếu của chúng ở Điện Biên Phủ.
Lực lượng pháo khiêng vác chiếm tỷ lệ 86% trong tổng số pháo tham gia chiến dịch. Có nhiều đơn vị pháo đã từng gắn bó với bộ binh qua nhiều chiến dịch tiến công thắng lợi, nên đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu phong phú và sáng tạo. Nhưng cũng có lực lượng mới lần đầu tiên ra trận như tiểu đoàn ĐKZ75 ly, tiểu đoàn súng cối 82 ly.
Lực lượng pháo khiêng vác được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, là lực lượng pháo đi cùng trong suốt quá trình chiến dịch, dưới sự chỉ huy trực tiếp của người chỉ huy bộ binh để bảo đảm chi viện trực tiếp cho mọi hành động chiến đấu của bộ binh như: đột phá, bao vây, đánh lấn, đánh địch phản kích v.v...
Sơn pháo và ĐKZ75 ly chiếm 13% trong tổng số lực lượng pháo khiêng vác toàn chiến dịch, được sử dụng để tiêu diệt và phá hoại các lô cốt, hỏa điểm khi chi viện cho bộ binh đột phá, tiêu diệt xe tăng địch khi chúng ra phản kích, phá hủy các máy bay địch đậu trên sân bay, bắn tỉa quân địch ở các mục tiêu quan trọng v.v. Trong chiến dịch, pháo bắn ngắm trực tiếp đã tiêu diệt nhiều loại mục tiêu quan trọng của địch như: máy bay đậu trên sân, trận địa pháo, sở chỉ huy, lô cốt, hỏa điểm. Thí dụ: Trận ngày 30/3, sơn pháo bắn 22 phát diệt năm lô cốt, hỏa điểm của địch, 8 giờ sáng ngày 13/3, hai máy bay Đa-cô-ta của địch vừa hạ cánh bị sơn pháo của ta bắn cháy tất cả.
Súng cối 120, 82, 81 ly chiếm 87% tổng số lực lượng pháo khiêng vác tham gia chiến dịch, được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu. Súng cối 120 ly tổ chức thành đại đội 4 khẩu, súng cối 82 ly tổ chức thành tiểu đoàn 36 khẩu. Các loại súng cối này được sử dụng tập trung để chi viện cho bộ binh. Trong giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, lực lượng súng cối dùng hỏa lực tiêu diệt các lực lượng vòng ngoài của địch; trong chi viện xung phong lực lượng súng cối là hỏa lực đi cùng để chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm của địch và chi viện phát triển chiến đấu, ngoài ra, súng cối còn được sử dụng để khống chế sân bay và chế áp pháo binh, súng cối địch. Đặc biệt, khi đánh quân địch phản kích, súng cối đã góp phần quan trọng trong tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các cuộc phản kích của chúng.
|
Lựu pháo 105mm nhả đạn pháo kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Cùng với ưu thế về số lượng và tổ chức phân chia chiến đấu một cách hợp lý, ta còn khéo léo bố trí lực lượng pháo binh táo bạo, hiểm hóc và bất ngờ để làm tăng thêm sức mạnh, cụ thể:
- Bố trí 23 đài quan sát mặt đất của pháo binh trên các điểm cao, tạo thành các dải trinh sát chồng lên nhau và bao trùm toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch. Các phương tiện, khí tài trinh sát, đo đạc, đảm bảo đo mục tiêu và sửa bắn cho pháo chính xác, kịp thời và liên tục, bám sát mọi hoạt động, diễn biến của ta và của địch, giúp cho người chỉ huy pháo binh chỉ huy bắn và xử trí kịp thời các tình huống chiến đấu.
- Hệ thống trận địa pháo được triển khai bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc cứ điểm Độc Lập, hình thành thế trận vòng tròn gần khép kín tập đoàn cứ điểm của địch. Trận địa pháo nọ cách trận địa pháo kia hơn 5km, kéo dài đội hình trên 30km. Trận địa bố trí phân tán nhưng bảo đảm hỏa lực rất tập trung. Đặc biệt, pháo cơ giới bảo đảm có thể tập trung hỏa lực tới 80% lực lượng cho một mục tiêu. Các loại pháo bắn ngắm trực tiếp bố trí trên các núi cao, bảo đảm cự ly và xạ giới bắn có lợi nhất. Lựu pháo 105 ly bố trí có cự ly bắn trung bình từ 3 đến 8km, sơn pháo và súng cối có cự ly bắn trung bình từ 300 đến 500m. Nói chung các loại pháo, súng cối bố trí bảo đảm cự ly bắn có hiệu quả nhất.
Trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, cơ động khó khăn mà ta tạo được thế trận pháo binh như vậy là do có quyết tâm cao, có sự chỉ đạo chặt chẽ và sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của cán bộ và chiến sĩ pháo binh và được sự giúp đỡ tận tình của tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch.
Qua những điều nêu trên, ta thấy nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ không đơn thuần ở số lượng mà là nghệ thuật tạo ưu thế về sức mạnh tổng hợp bao gồm: Sử dụng kết hợp giữa số lượng với chất lượng chiến đấu cao; giữa pháo cơ giới và pháo khiêng vác; giữa lực lượng mạnh với thế trận táo bạo, hiểm hóc, bất ngờ; giữa yếu tố địa hình với sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của các lực lượng tham gia chiến dịch.